.
CHUYÊN TRANG GIẢM NGHÈO VỀ THÔNG TIN HUYỆN CAI LẬY:

Hiệu quả hoạt động ủy thác vốn tín dụng chính sách

Cập nhật: 15:53, 30/11/2024 (GMT+7)

(ABO) Thời gian qua, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang thực hiện tốt vai trò chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến hội viên, đoàn viên và người dân đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn. Qua đó, tạo nguồn lực để hộ gia đình đầu tư phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Từ vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội, bà Trần Thanh Thủy (ấp 1, xã Cẩm Sơn) đã có điều kiện chăm sóc vườn
Từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, bà Trần Thanh Thủy (ấp 1, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy) đã có điều kiện chăm sóc vườn cây ăn trái.

PHÁT HUY HIỆU QUẢ VỐN VAY

Hoạt động ủy thác cho vay vốn của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cai Lậy được thực hiện thông qua Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Đoàn Thanh niên. Hằng năm, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác phối hợp chặt chẽ với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội, thông tin các chương trình cho vay đến đoàn viên, hội viên và người dân. Đến tháng 11-2024, 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác trực tiếp quản lý, giám sát 215 Tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 9.300 thành viên, dư nợ hơn 367 tỷ đồng. 
 
Từ vốn vay ưu đãi, các hộ gia đình có điều kiện đầu tư cải tạo, chăm sóc vườn, chăn nuôi, mua bán, tăng thu nhập. Sau đợt hạn, mặn mùa khô năm 2020, vườn sầu riêng của gia đình bà Trần Thanh Thủy (ấp 1, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy) bị suy kiệt, kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Cẩm Sơn, bà Thủy vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để chăm sóc vườn cây.
 
Bà Thủy chia sẻ: "Vào thời điểm khó khăn nhất, nguồn vốn đã tạo điều kiện để gia đình tôi đầu tư sản xuất. Đặc biệt là mua cây giống trồng lại diện tích bị thiệt hại và phân, thuốc phục hồi cây sầu riêng. Nhờ vậy mà sau 2 năm chăm sóc, gia đình đã có nguồn thu nhập ổn định hơn”.   
 
Để người dân tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cai Lậy tổ chức điểm giao dịch tại 16 xã, thị trấn. Hằng tháng vào ngày cố định, phiên giao dịch thực hiện giải ngân, thu nợ, thu lãi, tiếp nhận góp ý của khách hàng. Cán bộ và nhân viên ngân hàng cũng thông tin về chính sách tín dụng ưu đãi, quy định trong vay vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ gốc, lãi đúng kỳ hạn theo thỏa thuận. Qua đó, tăng cường công tác phối hợp giữa Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội và chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh. 
 
Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Cai Lậy giải ngân vốn vay tại xã Phú An
Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cai Lậy giải ngân vốn vay tại xã Phú An.

NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ỦY THÁC

Ủy thác cho vay vốn qua các tổ chức chính trị - xã hội giúp chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, kịp thời, hiệu quả. Hằng năm, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Cai Lậy phối hợp 4 tổ chức chính trị - xã hội củng cố, nâng cao chất lượng các Tổ tiết kiệm và vay vốn, kiện toàn nhân sự các tổ chưa đảm bảo yêu cầu.
 
Trong hoạt động cho vay, chú trọng bình xét hộ vay đúng đối tượng, tăng cường kiểm tra, giám sát mục đích sử dụng vốn, thu lãi đúng hạn, đôn đốc thu nợ quá hạn, xử lý nợ tồn đọng, nâng cao hiệu quả vốn vay. Hằng năm, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cai Lậy tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý vốn cho cán bộ các đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn, cán bộ giảm nghèo, trưởng ấp, khu phố. Qua đó, nâng cao chất lượng công tác ủy thác cho vay vốn hiệu quả, an toàn, đúng quy định. 
 
Thực hiện nội dung ủy thác, 4 tổ chức chính trị - xã hội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở trực thuộc triển khai nghiêm túc, phân công cán bộ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền các chương trình tín dụng chính sách xã hội đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt là các chương trình cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, học sinh sinh viên…
 
Thông qua hoạt động ủy thác, các tổ chức chính trị - xã hội có điều kiện củng cố tổ chức, tập hợp, phát triển đoàn viên, hội viên, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của phụ nữ, thanh niên, nhân rộng các mô hình sản xuất - kinh doanh hiệu quả của nông dân, cựu chiến binh.
 
Thời gian tới, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Cai Lậy sẽ tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác cho vay vốn, trao đổi thông tin giúp các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác chấn chỉnh, xử lý kịp thời những khó khăn vướng mắc tại cơ sở, chuyển tải nguồn vốn nhanh, đáp ứng nhu cầu của hộ vay, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội.
 
TRƯỜNG GIANG - LONG GIANG - T.L.
.
.
.