Thứ Sáu, 28/11/2014, 13:52 (GMT+7)
.

Nỗi niềm của một nông dân

Tìm đến Tòa soạn Báo Ấp Bắc để trình bày nỗi bức xúc của mình, gương mặt của ông Nguyễn Văn Hùng, sinh năm 1962, ngụ ấp Mỹ Thị A, xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè cứ thẩn thờ.

Ông Hùng kể: “Cho tới thời điểm hiện nay, tôi đã có mặt trong 5 bản án của tòa án nhân dân (TAND) các cấp. Cũng chỉ là chuyện bất đắc dĩ thôi, chớ ai muốn ra hầu tòa làm gì, vừa tốn thời gian, công sức, tiền bạc lại mang tiếng là người hay thưa kiện. Ngặt nỗi không thưa không được…”.

NHỌC NHẰN CHUYỆN THƯA KIỆN, HẦU TÒA

Qua xác minh, nỗi niềm bức xúc của ông Hùng là có thật và có lẽ ông còn phải tiếp tục ra hầu tòa. Bởi hiện tại ông đang canh tác trên 16.000 m2 đất ruộng nhưng bị bao bọc bởi nhiều bất động sản liền kề. Vì vậy, muốn có nguồn nước tưới tiêu, ông buộc lòng phải năn nỉ xin các chủ hộ liền kề thương tình cho ông mở một đường mương nước. Ngặt nỗi, khi thuận hòa thì người ta để cho xài, lỡ có chút xích mích hay một vài lời nói không vừa lòng là đường mương nước bị lấp lại. Mỗi lần như vậy là ông mất ăn, mất ngủ.

Trước đây, để có nguồn nước tưới tiêu, ông Hùng đã ký hợp đồng sử dụng đường mương nước của ông Võ Văn Tám (là hộ liền kề phía Nam) với mức phí 1 năm đóng 3 giạ lúa. Đến năm 2003 hết hạn hợp đồng, ông Tám không cho ông Hùng xài chung đường nước nữa, nên ông Hùng phải chuyển qua xin xài nhờ đường mương nước của ông Trần Văn Thoàn và ông Phạm Văn Mưu (hộ liền kề phía Bắc).

Đến năm 2009, do có chút mâu thuẫn xảy ra, ông Thoàn, ông Mưu không cho ông Hùng xài chung đường mương nước. Không còn cách nào khác, ông Hùng đành phải làm đơn thưa ra tòa, yêu cầu ông Thoàn, ông Mưu phải mở cho mình 1 đường mương nước để thuận tiện trong việc tưới tiêu.

Xét yêu cầu khởi kiện của ông Hùng hoàn toàn có cơ sở, phù hợp với pháp luật quy định tại Điều 277, Bộ luật Dân sự: “Trong trường hợp do vị trí tự nhiên của bất động sản mà việc cấp thoát nước buộc phải qua một bất động sản khác thì chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua phải dành một lối cấp, thoát nước thích hợp, không được cản trở hoặc ngăn chặn dòng nước chảy…”.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm 118/DSST, ngày 11-5-2010, TAND huyện Cái Bè đã quyết định buộc ông Mưu phải cho ông Hùng sử dụng 1 đường mương nước có diện tích 1m x 95,7m = 95,7m2 và ông Hùng phải hoàn trả giá trị đất cho ông Mưu với số tiền 7.177.500 đồng.

Không đồng ý với án sơ thẩm, ông Mưu làm đơn chống án. Tại Bản án dân sự phúc thẩm 376/DSPT, ngày 11-9-2010, Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm đã quyết định chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Mưu, sửa án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Hùng với lý do ông Hùng còn 1 đường mương nước khác.

Niềm vui chưa kịp đến vì án sơ thẩm bị sửa nên giọng ông Hùng thêm buồn tủi: “Xét trên thực địa, chỉ có nguồn nước từ đường mương nước của ông Tám và ông Mưu vào ruộng của tôi là gần nhất (khoảng 40 m đến gần 100 m).

Do ông Tám và ông Mưu không đồng ý cho tôi mở đường nước, nên tôi buộc phải tạm thời sử dụng đường mương nước đi qua ruộng của Nguyễn Thị Bé Sáu và Nguyễn Văn Thoại, vừa xa, vừa phải bơm chuyền, không thuận lợi, chi phí cao, tốn kém cả thời gian và công sức. Vì vậy, một lần nữa tôi buộc phải làm đơn thưa ra tòa yêu cầu ông Võ Văn Tám là hộ liền kề cho tôi mở 1 đường mương nước ra kinh công cộng là thuận lợi nhất và gần nhất.

Mặc dù yêu cầu của ông Hùng là chính đáng, phù hợp với quy định của pháp luật, nhưng tại Bản án dân sự sơ thẩm  42/DSST, ngày 14-3-2011, TAND huyện Cái Bè đã quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Hùng.

Quá bức xúc vì sản xuất gặp nhiều khó khăn, ông Hùng làm đơn kháng án. Tại Bản án dân sự phúc thẩm 226/DSPT, ngày 6-6-2011, HĐXX phúc thẩm căn cứ vào Điều 273, 277 và 278 của Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về: Quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề; Quyền về cấp thoát nước qua bất động sản liền kề; Quyền về tưới nước, tiêu nước trong canh tác nên xét thấy ông Hùng cần có 1 đường mương nước tưới tiêu để phục vụ sản xuất.

Do trước đây ông Hùng yêu cầu hộ ông Phạm Văn Mưu liền kề ở hướng Bắc cho mở đường nước nhưng không được Bản án dân sự phúc thẩm  376/DSPT, ngày 11-9-2010 của TAND tỉnh Tiền Giang chấp thuận, vì vậy lối mở đường nước gần nhất, thuận tiện nhất hiện nay là đi qua phần đất của hộ ông Võ Văn Tám liền kề ở hướng Nam.

Cho nên, HĐXX phúc thẩm đã quyết định chấp nhận một phần kháng cáo của ông Nguyễn Văn Hùng, sửa toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm 42/DSST, ngày 14-3-2011 của TAND huyện Cái Bè, buộc ông Võ Văn Tám mở đường nước ngang 1,5 m, dài 40 m để phục vụ nước tưới tiêu cho hộ ông Nguyễn Văn Hùng; buộc ông Hùng hoàn trả cho hộ ông Võ Văn Tám giá trị diện tích đất đường nước được mở số tiền 5,7 triệu đồng, thực hiện 1 lần cùng lúc khi hộ ông Tám mở đường nước;

Đồng thời kiến nghị UBND huyện Cái Bè điều chỉnh giảm diện tích 60 m2 đất của hộ ông Tám để cấp lại cho hộ ông Hùng. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án, gia đình ông Hùng xiết bao vui mừng vì từ đây sẽ yên tâm sản xuất, không còn phải thắt thỏm lo âu về chuyện nước tưới tiêu, nào ngờ…

MỘT BẢN ÁN THIẾU THẨM TRA, XÁC MINH THỰC TẾ (!?)

Án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, ông Hùng nộp đầy đủ tiền đền bù giá trị diện tích đất đường mương nước, nhưng ông Tám vẫn không tự nguyện chấp hành. Ngày 15-2-2012, Cơ quan Thi hành án buộc phải tiến hành biện pháp cưỡng chế, nhưng mãi đến tháng 10-2014 ông Hùng mới chính thức được sử dụng, khi UBND huyện Cái Bè cấp QSDĐ diện tích 60 m2 đường mương nước cho ông.

Điều đáng nói là niềm vui của ông Hùng chỉ “như bóng câu qua cửa”. Bởi, cũng trong thời gian này, Phó Chánh án TAND Tối cao tại phía Nam đã ký Kháng nghị 86/KN-DS, ngày 27-3-2014, quyết định kháng nghị Bản án dân sự phúc thẩm 226/DSPT, ngày 6-6-2011 của TAND tỉnh Tiền Giang, đề nghị Tòa Dân sự TAND Tối cao tại phía Nam đưa vụ án ra xét xử theo trình tự giám đốc thẩm.

Tại Bản án dân sự giám đốc thẩm  291/DS-GĐT, ngày 1-8-2014, Tòa Dân sự TAND Tối cao tại phía Nam đã quyết định chấp nhận kháng nghị của Chánh án TAND Tối cao, hủy Bản án dân sự phúc thẩm 226/DSPT, ngày 6-6-2011 của TAND tỉnh Tiền Giang; giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm 42/DSST, ngày 14-3-2011 của TAND huyện Cái Bè.

Lý do: Ngoài đường nước thông qua đất ông Trần Văn Thoàn và ông Phạm Văn Mưu, ông Hùng còn đường nước khác thông qua đất của ông Thoại và bà Bé Sáu. Có lẽ TAND Tối cao đã không đi thẩm tra, xác minh thực tế, bởi đường nước thông qua đất ông Thoàn và ông Mưu đã không được Bản án dân sự phúc thẩm 376/DSPT, ngày 11-9-2010 của TAND tỉnh Tiền Giang chấp thuận, còn đường nước thông qua đất ông Thoại và bà Bé Sáu là không hề có.

Trên thực tế, kể từ năm 2009, khi ông Thoàn và ông Mưu không cho ông Hùng sử dụng chung đường nước thì ông Hùng phải dùng máy bơm bơm chuyền qua nhiều bất động sản khác mới đến được ruộng của mình.

Có đặt chân đến mảnh đất của ông Hùng mới thấy, đất của ông Hùng phía Tây có kinh 1000, phía Đông có kinh 500. Từ kinh 1000 vào đất của ông Hùng (qua đất ông Tám) chỉ có khoảng 40 m. Từ kinh 500 vào đất của ông Hùng dài trên 500 m, đi qua nhiều bất động sản khác. Để có nước tưới tiêu, những năm qua ông Hùng đã phải đặt 1 máy bơm ở đầu kinh 500 bơm chuyền theo 1 đường mương nhỏ rộng 0,6 m, dài khoảng 500 m, qua đất của ông Nguyễn Văn Cai, bà Nguyễn Thị Quí, ông Phạm Văn Mưu, ông Võ Văn Túc mới đến đất bà Bé Sáu.

Từ đây, ông Hùng lại bơm chuyền qua đất bà Bé Sáu và ông Thoại mới đến được ruộng của mình. Như vậy, đúng như xác nhận của ông Nguyễn Chí Phát, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Trung: “Ngoài đường nước do TAND tỉnh Tiền Giang mở cho ông Hùng theo Bản án dân sự phúc thẩm 226/DSPT, ngày 6-6-2011 thì ông Hùng không còn đường nước nào thuận tiện hơn để dẫn nước vào ruộng canh tác”.

Nỗi bức xúc dồn nén, ông Hùng than thở: “Nếu không mở được đường mương, tôi chỉ còn nước trồng tràm hoặc bỏ đi xứ khác làm ăn, chớ cực khổ như vầy làm sao chịu thấu”.

Hy vọng sự việc của ông Hùng sẽ được Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao kháng nghị, đưa vụ án ra xét xử theo trình tự tái thẩm nhằm giải quyết cho ông Hùng 1 đường mương nước gần nhất, thuận tiện nhất như pháp luật đã quy định.

Nhóm PV. CTXH

.
.
.