Thứ Sáu, 06/03/2015, 07:47 (GMT+7)
.

Hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của ông Tốt cần được giúp đỡ

Trở về sau chuyến công tác những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015 chúng tôi cứ nghĩ mãi về hoàn cảnh của gia đình ông. Bởi ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng hàng ngày ông phải chật vật lo toan cho gia đình với người vợ và các con ông bị mù.

Anh Nguyễn Thanh Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đông (bên trái ảnh) cùng gia đình ông Lê Văn Tốt.
Anh Nguyễn Thanh Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đông (bên trái ảnh) cùng gia đình ông Lê Văn Tốt.

Ở những xã vùng ven của TX. Gò Công cũng còn không ít gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cần sự hỗ trợ của xã hội, nhất là dịp Tết đến xuân về. Anh Nguyễn Thanh Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đông dẫn chúng tôi chạy về hướng nội ô thị xã, rẽ vào con đường đan phẳng lì của ấp Muôn Nghiệp, rồi đi tiếp vào con đường nhỏ. Dừng lại ở 2 căn hộ nhỏ nằm liền kề, phía trên cửa có gắn bảng “Nhà tình thương”, “Nhà nhân ái”, chúng tôi nhận ra đây là địa chỉ cần tìm.

Ông Lê Văn Tốt, chủ căn nhà đã mừng rỡ khi thấy chúng tôi đến. 76 tuổi đời, người hom hem, gầy nhom, hai chân bị đau nhức đi lại phải dùng gậy nhưng ông lại là lao động chính để nuôi vợ và các con bị mù.

Ông có đến 5 người con nhưng có đến 4 người bị mù. Hiện ông chỉ còn 3 người con nhưng ai cũng thuộc diện nghèo khó của ấp. Người con gái đầu đã chết khi 42 tuổi do bị bệnh gan. Người con kế cũng đã hơn 40 tuổi, chết cách đây không lâu do bị mù và gan.

Câu chuyện về ngày Tết được bắt đầu từ những chai nước suối ở chùa mới cho ông. Trước đó vài ngày, gia đình ông cũng được nhận 300.000 đồng quà Tết của tỉnh hỗ trợ. Ông Tốt tâm sự, cả nhà ngoài ông còn sáng mắt, nhưng già yếu, còn vợ và 3 người con đều bị mù nên không làm gì ra tiền. Mấy người con đã lớn, lập gia đình nhưng bị mù mắt, ai cũng rất nghèo, các nhà hảo tâm đã cất nhà cho để trú ngụ, cạnh ngôi nhà ông.

Ông Tốt cũng chẳng giàu có gì, được tặng ngôi nhà tình thương. Trong căn nhà nhỏ, tềnh toàng ấy cũng chỉ có những vật dụng đơn giản, thô sơ. Bởi ai cũng thừa hiểu rằng, với tình cảnh ấy có được bữa cơm hàng ngày cũng đã rất vất vả nói chi đến mua sắm vật dụng trong gia đình.

Vợ ông bị mù gần 40 năm qua, cũng ngần ấy thời gian ông làm đủ nghề, từ gánh nước thuê, bán vé số… giờ già yếu chỉ trông chờ từ sự trợ giúp của xã hội. Bởi vậy, gia đình ông Tốt thuộc diện đặc biệt khó khăn của ấp. Mấy mươi năm ông cùng gia đình vật lộn với biết bao lo toan của cuộc sống. Những ngày cuối của cuộc đời, gánh nặng cuộc sống vẫn cứ đeo đuổi gia đình ông.

Hơn 70 tuổi đời, tóc đã bạc trắng, người gầy nhom, ông Lê Văn Tốt vẫn từng ngày phải góp nhặt để nuôi sống gia đình. Bởi ngay chính gia đình ấy, nếu không dựa vào ông thì chỉ còn biết trông cậy vào lòng hảo tâm của bà con lối xóm.

Ông Tốt kể lại chặng đường đã qua của cuộc đời mình rằng: Lúc nhỏ có ít ruộng nhưng rồi cũng bán đi do gia đình nghèo khó, rồi đi kéo xe nước bỏ cho chòm xóm; kéo xe nước hết nổi rồi thì chuyển sang bán vé số; bán vé số hết nổi rồi về nhà phục vụ gia đình và nương nhờ vào xã hội.

“Lâu lâu có đợt tặng quà, xã cũng cho gạo, ít vật dụng. Khi cất nhà tình thương cho tui, chùa đến thăm thấy hai đứa con tui không có nhà ở lại bị mùa nên nhà chùa cũng vận động cất cho căn nhà nhỏ kế bên để che nắng che mưa”, ông Lê Văn Tốt tâm sự như thế.

Năm nào gia đình ông thuộc diện đặc biệt khó khăn, được ưu tiên nhận được những món quà, tiền hỗ trợ từ chính quyền, những nhà hảo tâm tặng, nhất là nhân dịp Tết đến, xuân về. Có năm, xã vận động được 2 triệu đồng cho gia đình ăn Tết, có năm được vài trăm ngàn đồng. Nhờ vậy mà năm nào gia đình ông cũng có cái để gọi là Tết. Nếu không có những số tiền đó, gia đình ông cũng chẳng biết làm sao để cúng ông bà.

Ngoài số tiền của Nhà nước tặng ăn Tết, anh Toàn cho biết thêm, Tết Nguyên đán năm nay gia đình ông còn được một phần quà do xã vận động. Trước khi chào tạm biệt gia đình, anh Toàn lấy trong túi ra số tiền 200.000 đồng; trong đó 100.000 đồng do anh vận đồng và 100.000 đồng do gia đình anh tặng ông ăn Tết.

Ông Tốt vui mừng trong sự nghẹn ngào, xúc động. “Số tiền này, tôi không dám xài bây giờ đâu. Tôi để dành mua bánh, hoa quả để cúng đưa ông Táo, rước ông bà, cúng Tết, để có cái gọi là ăn Tết như mọi người”- ông Tốt nín lặng hồi lâu rồi bày tỏ.

Trong những góc khuất của cuộc sống, đây đó vẫn còn những hoàn cảnh gia đình khó khăn, cần lắm sự chung tay giúp sức của cộng đồng. Bởi hơn ai hết, chính họ cũng rất khó tìm ra lối thoát cho gia đình mình.

KHÁNH LINH

.
.
.