Thứ Bảy, 26/09/2015, 08:24 (GMT+7)
.

Một vụ tranh chấp đất kéo dài tòa xử chưa xong

 

Đó là trường hợp của anh Phan Thanh Hồng và ông Phạm Văn Đực (ngụ ấp Phú Nhuận, xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước) tranh chấp 1.264,6 m2 đất thừa kế của ông Phạm Văn Bền chết để lại.

Năm 2009, nội vụ được Tòa án nhân dân (TAND) huyện Tân Phước thụ lý, đưa ra xét xử, nhưng đến nay qua nhiều lần giải quyết của tòa án 2 cấp sơ thẩm và phúc thẩm mà vẫn chưa xong.

Ông Phạm Văn Đực cho biết: Sau năm 1975, do cụ Bền lớn tuổi nên kêu vợ chồng ông (là cháu nội trai) về sống chung và giao toàn bộ diện tích 1.264,6 m2 đất cho ông quản lý, sử dụng làm hương quả.

Năm 1984, cụ Bền mất, ông Đực đi đăng ký kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Năm 1986, nhà bị hư hỏng nặng nên vợ chồng ông Đực dọn qua nhà khác ở, nền nhà bỏ trống.

Thấy vậy, bà Phạm Thị Thiệp (cô ruột ông) sống chung với anh Hồng (cháu ngoại) xin ông qua cất nhà ở tạm. Năm 1998, ông Đực làm đơn xin cấp chủ quyền đất thì xảy ra tranh chấp cho đến nay.

“Năm 2008, bà Thiệp mất, anh Hồng kêu bán đất thì tôi mới phát hiện phần đất trên được bà Thiệp đăng ký kê khai từ trước và đã làm thủ tục tặng (cho)  anh Hồng. Nhiều lần tôi yêu cầu anh Hồng trả lại nhưng không kết quả nên phải nhờ đến tòa án giải quyết, đến nay vẫn chưa xong” - ông Đực nói.

Anh Phan Thanh Hồng thì cho rằng, từ nhỏ đến lớn anh sống chung với bà Thiệp (bà ngoại). Sau khi cụ Bền (cha bà Thiệp) qua đời, gia đình ngoại anh về cất nhà ở trên phần đất cụ Bền cho đến nay. Việc cụ Bền tặng (cho) bà Thiệp (con gái) đất đai như thế nào anh không rõ, nhưng anh biết bà Thiệp được cấp chủ quyền (tạm) phần đất này từ năm 1991 và đến năm 1999 thì được UBND huyện Tân Phước cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ).

Đến năm 2003, bà Thiệp mới làm thủ tục sang tên cho anh đứng chủ quyền và được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận QSDĐ năm 2004. Lúc bà ngoại anh (bà Thiệp) còn sống, ông Đực không tranh chấp, nay anh không đồng ý trả lại theo yêu cầu của ông Đực.

Theo các tài liệu chứng cứ và kết quả xác minh cho thấy: Phần đất tranh chấp nêu trên hiện tại thuộc một phần của thửa đất số 1274, tờ bản đồ C3, do anh Phan Thanh Hồng đứng tên và được UBND huyện Tân Phước cấp Giấy chứng nhận QSDĐ 01090 QSDĐ/297/QĐ-UB ngày 12-2-2004. Phần đất này có nguồn gốc của cụ Phạm Văn Bền (là cụ cố anh Hồng và cụ nội ông Đực) chết để lại.

Căn cứ vào trích lục Bản đồ 299 thì thửa đất 512 có diện tích 650 m2 là do ông Đực đăng ký kê khai. Còn bà Phạm Thị Thiệp (con gái ông Bền, bà ngoại ông Hồng) kê khai thửa 276, diện tích 2.490 m2 nhưng hiện nay số thửa và diện tích trên không còn.

Công văn 63/VC-TNMT ngày 30-5-2011 của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Phước xác định diện tích đất của bà Thiệp kê khai tại thửa 276 có phần chồng lên phần đất của thửa 512 do ông Đực kê khai trước đây.

Tuy nhiên, theo Giấy xác nhận của UBND xã Phú Mỹ cung cấp cho Văn phòng Luật sư: Trước đây, hộ ông Phạm Văn Đực đến UBND xã kê khai, đăng ký các thửa đất của ông sử dụng. Riêng thửa đất của bà Thiệp đăng ký, ông Đực cũng không có đăng ký và cũng không có ý kiến thắc mắc, khiếu nại. Mặt khác, trong thời gian lập hồ sơ, đo đạc ông Đực không sử dụng, không có nhà ở trên phần đất này và cũng không có giấy tạm cấp liên quan đến phần đất giáp ranh nên hộ bà Thiệp đủ điều kiện để cấp chủ quyền đất là phù hợp. 

Bản án phúc thẩm 333/2014/DS-PT ngày 15-8-2014 của TAND tỉnh đã hủy án sơ thẩm do có 1 chi tiết khá quan trọng: Xét thấy ông Võ Văn Tươi (thời điểm đó) là Trưởng phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Tân Phước, nhưng ông Tươi ngồi ghế Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử vụ án theo Bản án số 09/2014/DSST ngày 21-2-2014 của TAND huyện Tân Phước là vi phạm Luật Tố tụng dân sự mà Tòa phúc thẩm không thể khắc phục được. Do đó, Hội đồng xét xử hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ về TAND huyện Tân Phước giải quyết lại theo thủ tục chung.

Ngày 4-5-2015, TAND huyện Tân Phước có Thông báo số 127/TB-TLVA về việc tiếp tục giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa được đưa ra xét xử theo Quyết định của Bản án phúc thẩm 333/DS-PT của TAND tỉnh.

TỔ CTBĐ

.
.
.