Thứ Bảy, 21/07/2012, 11:42 (GMT+7)
.

Ông Năm Trà và bài học xây dựng căn cứ cách mạng trong lòng dân

* Truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho liệt sĩ Nguyễn Văn Y (Năm Trà).

80 năm trước, trong số thanh niên miền Bắc vượt đường xa, gian khổ, hiểm nguy để vào Nam tham gia kháng chiến theo con đường dân phu cạo mủ cao su ở tỉnh Long Khánh, trong số đó, có người đã về Long Hưng, Châu Thành, Mỹ Tho (Tiền Giang ngày nay) nhận nhiệm vụ.

Để rồi sau đó, người thanh niên ấy gắn bó trọn cuộc đời với miền Nam gian khó mà kiên cường qua 2 cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Người thanh niên ấy đã anh dũng hy sinh trên chiến trường đánh Mỹ. Đó là liệt sĩ Nguyễn Văn Y, tên thường gọi nghe rất Nam bộ: Năm Trà. Ông sinh năm 1909 tại làng Thạch Bích, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (Hà Nội bây giờ).

Liệt sĩ Nguyễn Văn Y, tên thường gọi nghe rất Nam bộ: Năm Trà.
Liệt sĩ Nguyễn Văn Y, tên thường gọi nghe rất Nam bộ: Năm Trà.

Quá trình hoạt động cách mạng, ông đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông đã trực tiếp chỉ đạo công tác tình báo, phá hàng loạt vụ án quan trọng do bọn gián điệp của Pháp và Mỹ là chủ mưu.

Năm 1948, ông được bổ nhiệm Phó Trưởng ty Công an tỉnh Mỹ Tho, lúc đó đồng chí Mai Chí Thọ là Trưởng ty. Năm 1949, ông tổ chức đột kích vào “Khu Quốc gia”. Nhờ có lực lượng Công an xung phong trá hàng làm nội ứng, ta đã bắt gọn bọn tình báo Phòng nhì Pháp ở Phú Mỹ, thu toàn bộ vũ khí và tài liệu, tang vật quan trọng ngay trong vùng địch kiểm soát.

Sau vụ án này, ông còn trực tiếp chỉ huy phá một điệp vụ lớn khác, mang tên “Ban Địa hình Nam bộ”. Tổ chức “Ban địa hình Nam bộ” do Tư lệnh lực lượng vũ trang kháng chiến Nam bộ thành lập với nhiệm vụ xây dựng cơ sở bí mật vùng địch chiếm để thu thập tài liệu, vẽ sơ đồ địa hình bố phòng quân sự của địch.

Thế nhưng, tình báo Phòng nhì Pháp đã  âm mưu cài người vào “Ban địa hình Nam bộ” với ý đồ lái hoạt động sang hướng khác. Chúng cướp của, giết người, thủ tiêu cán bộ cao cấp trong vùng căn cứ, làm mất lòng tin, gây rối nội bộ và tổ chức.

Sau khi điều tra, làm rõ được âm mưu đó, ông Năm Trà đã dùng chiến thuật “Rung chà - cá nhảy”, ém quân chờ địch tại các điểm xung yếu rồi bắn tin đánh động. Bọn phản bội hoang mang tưởng đã bị lộ, chúng dùng thuyền máy mang toàn bộ tài sản cướp được và cả vũ khí chạy ra hàng địch thì lọt vào ổ phục kích của ta.

Trong trận này, ta tóm gọn 20 tên cùng đầy đủ tang vật vũ khí, tài liệu và tiền bạc do chúng cướp được trong nhân dân. Sau đó, Tòa án Quân sự đặc biệt đã tuyên án tử hình 5 tên cầm đầu và phạt tù 6 tên khác. Phá vụ án “Ban địa hình Nam bộ” là một dấu son xây dựng niềm tin vững chắc của nhân dân đối với cách mạng, góp phần củng cố lực lượng CAND trong những ngày đầu mới thành lập.

Sau đó, dưới sự chỉ huy của ông, ta đã bắt sống tên gián điệp CIA Tô Văn Giác, được Mỹ đưa từ Hồng Kông qua Thái Lan, Campuchia về Việt Nam, với vỏ bọc “Phái đoàn liên lạc Hoa Kỳ”; phá vụ án gián điệp Hòa Hảo trá hàng, rồi chỉ đạo “tương kế - tựu kế” bí mật điều tra bắt tên giáo Thảo - một sĩ quan chuyên viên phản gián của Pháp.

Năm 1951, ông Năm Trà làm Trưởng Ty Công an Mỹ Tho thay đồng chí Mai Chí Thọ sang làm Bí thư Tỉnh ủy, rồi được bầu vào Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy. Năm 1952, ông được phân công là Phó Ban Kiểm soát của Sở Công an Nam bộ.

Thời gian này, ông đã tổ chức Hội nghị Liên ty Công an Long Châu Sa (Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc) và Mỹ Tho (Tân Mỹ Gò), chỉ đạo cụ thể việc chấn chỉnh các ban chuyên môn của Công an 2 tỉnh này. Rồi sau đó, ông được cử xuống giữ chức vụ Trưởng ty Công an tỉnh Long Châu Sa.

Từ tháng 1-1961 cho đến ngày hy sinh, ông giữ các nhiệm vụ: Phó Ban An ninh Khu 8, Quyền Trưởng Ban An ninh Khu Trung Nam bộ. Giai đoạn này, ông đã lập được nhiều thành tích xuất sắc. Nổi bật là đã chỉ đạo xây dựng và bảo vệ vững chắc khu căn cứ cách mạng Khu 8, với quan điểm “căn cứ cách mạng ở trong lòng dân”.

Ông Nguyễn Văn Y (thứ 3 từ phải sang) và đồng đội.
Ông Nguyễn Văn Y (thứ 3 từ phải sang) và các đồng đội.

Nhưng điển hình nhất, nổi bật nhất là chiến công đưa vũ khí về miền Nam phục vụ chiến đấu khi ông được Khu ủy Khu 8 giao nhiệm vụ khôi phục nối tiếp đường Hồ Chí Minh trên biển.

Năm 1966, với khả năng tổ chức, tài ngoại giao và uy tín của mình, ông đã khôi phục thành công “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Tàu ta được phép bí mật cập cảng Công-pông Xom của Campuchia. Rồi từ đây ta phối hợp với bộ đội Quân khu 8, tổ chức một đường dây vận chuyển đi suốt ngày đêm băng rừng, lội suối đưa vũ khí về R; về Khu 8 (miền Trung Nam bộ); Khu 9 (miền Tây Nam bộ); Khu 4 (Sài Gòn - Gia Định).

Chỉ trong 2 năm (từ tháng 3-1967 đến tháng 1-1969), ta đã chuyển được 21 chuyến hàng từ Bắc vào chiến trường miền Nam qua ngã Campuchia, tổng cộng gồm 3.000 tấn vũ khí quân dụng và thuốc trị bệnh, vàng, tiền…

Đồng chí Nguyễn Việt Thanh (Chín Khải), nguyên Giám đốc Hải quan tỉnh Đồng Tháp - người đã có một thời gian dài làm thư ký cho ông Năm Trà trong chiến tranh cho biết: “Tôi là người chụp ảnh cho đồng chí Năm Trà, để làm giấy thông hành giả Campuchia, phục vụ cho việc đi lại của đồng chí. Tôi cũng biết đồng chí Sáu Khánh là người của ta, nhưng không hiểu vì sao lại thành quan Năm của quân đội Hoàng gia Campuchia và thường xuyên gặp, làm việc với đồng chí Năm Trà?

Cho mãi đến sau này, tôi mới biết, qua lời của anh Sáu nói lại: “Đồng chí Năm Trà là người trực tiếp thiết lập, tổ chức, lãnh đạo, điều khiển đường dây này, còn tôi chỉ là người thực hiện. Bản thân đồng chí Năm Trà thường xuyên đi về giữa hai nước như con thoi. Nhưng những chuyến đi như thế không phải là không có những khó khăn và đồng chí Năm Trà đã lấy chính nghĩa để cảm hóa, lấy tình cảm thân quen để thuyết phục, khéo léo, mềm dẻo nhằm đạt đến mục tiêu”.

Chiến công ấy đã góp phần làm nên những chiến thắng vang dội, trong đó có Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân năm 1968. Trong cuộc Tổng tiến công này, ông Năm Trà được Ban An ninh Trung ương Cục ủy nhiệm phụ trách 1 trong 6 đoàn trinh sát an ninh về Sài Gòn - Chợ Lớn phối hợp tổng tấn công giải phóng Sài Gòn.

Tháng 5-1970, trong một chuyến công tác, khi đó ông Năm Trà là quyền Trưởng Ban An ninh Khu Trung Nam bộ; Phó Chỉ huy trưởng mặt trận mở rộng căn cứ ở Campuchia cùng 3 đồng chí Lưu Hà Mỹ (tức Chín Mỹ, cán bộ điệp báo), Nguyễn Văn Oanh (Ba Oanh), Nguyễn Văn Tùng gặp một trận càn lớn của địch.

Chúng huy động máy bay, tàu chiến, pháo binh, bộ binh bao vây trên bộ và dưới sông, phong tỏa không cho ông Năm Trà cùng đồng đội rút vào rừng; đồng thời, ngăn không cho lực lượng an ninh vũ trang và bộ đội ta trong căn cứ ra chi viện.

Trước tình hình này, ông Năm Trà cùng đồng đội rút về hầm bí mật bên bờ sông Sở Thượng nhưng cũng bị địch phát hiện. Tất cả đã quyết tử - dùng lựu đạn, tiểu liên, súng ngắn chiến đấu ngoan cường. Giữa cuộc chiến không cân sức, cả 4 đồng chí đã anh dũng hy sinh trên chiến trường Đồng Tháp. Hôm đó là ngày 12-5-1970.

42 năm sau ngày ông Năm Trà hy sinh, những chiến công nổi bật ấy được ghi lại một cách trang trọng trong lịch sử Công an tỉnh Tiền Giang. Trong những chiến công ấy, bài học về xây dựng “căn cứ cách mạng ở trong lòng dân” đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Ghi nhận quá trình cống hiến, sự hy sinh anh dũng của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, sống chết vì Đảng, vì dân, ngày 27-2-2012, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho ông Năm Trà - Nguyễn Văn Y.

HẠ GIAO

.
.
.