Thứ Sáu, 31/08/2012, 06:13 (GMT+7)
.

Tuyên ngôn độc lập - tác phẩm bất tử

Cách đây 67 năm, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã vùng lên đập tan xiềng xích nô lệ của bọn thực dân đế quốc và phong kiến, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Nhân dân Hà Nội mít tinh mừng độc lập.
Nhân dân Hà Nội mít tinh mừng độc lập.

Thực tế lịch sử Việt Nam vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX bị đắm chìm trong đêm tối nô lệ. Nước Việt Nam bị thực dân Pháp đô hộ và bị xóa tên trên bản đồ thế giới.

Trước tình hình đó, các phong trào đấu tranh cứu nước liên tiếp nổ ra nhưng đều bị thất bại. Nguyên nhân của thất bại vì thiếu một đường lối cứu nước đúng đắn và phương pháp cách mạng thích hợp.

Sang đầu thế kỷ XX, nhiều nhà trí thức yêu nước Việt Nam hướng ra nước ngoài tìm đường cứu nước, cứu dân; trong đó có Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Người đi khắp các châu lục nghiên cứu nhiều cuộc cách mạng thế giới.

Năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra và thành công, được Người để tâm nghiên cứu cuộc cách mạng này, sau đó quyết định đưa dân tộc Việt Nam đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga, theo chủ nghĩa Mác-Lênin để giải phóng triệt để mọi áp bức, bóc lột của bọn thực dân, đế quốc xâm lược  nước ta.

Mùa xuân năm 1930, trong quá trình chuẩn bị, Người triệu tập các tổ chức cộng sản ở Việt Nam để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với đường lối chính trị đúng đắn đã thổi bùng ngọn lửa đấu tranh cách mạng bằng những cao trào cách mạng to lớn như: Cao trào cách mạng năm 1930 - 1931, mà đỉnh cao là Xô Viết - Nghệ Tĩnh; cao trào Dân chủ giai đoạn 1936 - 1939 và cao trào cách mạng giải phóng dân tộc giai đoạn 1939 - 1945.

Tháng 8-1945, chiến tranh thế giới lần thứ hai ở vào giai đoạn sắp kết thúc, Hồng quân Liên Xô đã tiêu diệt chủ nghĩa phát xít. Đảng ta đã chớp thời cơ đúng lúc, phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân từ phát xít Nhật.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có ý nghĩa lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam nói riêng và của các dân tộc thuộc địa nói chung. Trong vòng 10 ngày (từ ngày 16 đến 25-8-1945), nhân dân Việt Nam đã giành chính quyền trong phạm vi cả nước. Sau đó Đảng và dân tộc ta đón Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội.

Trong quá trình chuẩn bị, chiều ngày 2-9-1945, Bác Hồ đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam mới - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do nhân dân lao động làm chủ.

Bản Tuyên ngôn độc lập có đoạn viết: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…”, “… và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Tuyên ngôn độc lập là sự kết tinh của tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc; tổng kết tinh thần bất khuất chống kẻ thù của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là 15 năm từ ngày có Đảng; đồng thời thể hiện sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, kế thừa tinh hoa truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, của nhân loại và đặt cơ sở pháp lý trong nước lẫn quốc tế.

Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa lịch sử dân tộc và thời đại. Bản Tuyên ngôn là áng văn chính luận đanh thép - tác phẩm có giá trị bất tử.

Dù năm tháng qua đi, nhưng tinh thần của bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 vẫn đời đời bất diệt trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam hôm nay và mai sau.

NGUYỄN VĂN HẢI
(Trường Chính trị Tiền Giang)

.
.
.