Thứ Sáu, 26/10/2012, 13:04 (GMT+7)
.

Nhiều ý kiến đóng góp của Đoàn ĐBQH tỉnh về Kế hoạch phát triển KT-XH

Buổi sáng ngày 24-10, Quốc hội họp ở tổ để thảo luận về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013. Các đại biểu Quốc hội đơn vị Tiền Giang đã phát biểu góp ý:

ĐẠI BIỂU NGUYỄN VĂN DANH, TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH TIỀN GIANG:

Cơ bản tán thành với Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013 của Chính phủ. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Danh cho rằng Báo cáo đánh giá chưa sát với tình hình, chưa phản ánh hết mức độ khó khăn của đời sống xã hội và của nền kinh tế, đặc biệt là khó khăn của doanh nghiệp.

Có 5/15 chỉ tiêu dự báo không đạt theo Nghị quyết của Quốc hội đều là những chỉ tiêu quan trọng, phản ánh tính bền vững của nền kinh tế trong trung và dài hạn, đó là: Chỉ tiêu tăng trưởng GDP; chỉ tiêu vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; chỉ tiêu giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo và chỉ tiêu về tỷ lệ che phủ rừng.

Đề nghị Chính phủ cần đi sâu phân tích, đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn và nêu bật những nguyên nhân chủ quan từ công tác quản lý, điều hành như: Vì sao nhiều địa phương thu ngân sách gặp khó khăn, đạt thấp so kế hoạch; nhiều doanh nghiệp còn khó khăn trong tiếp cận vốn; vấn đề hai nút thắt của nền kinh tế là nợ xấu và hàng hóa tồn kho tăng cao; vấn đề phối hợp trong quản lý, điều hành giá, quản lý thị trường trong một số lĩnh vực chưa thực sự hợp lý đã tác động không tốt đến niềm tin và tâm lý thị trường, tác động trực tiếp đến sản xuất và đời sống, nhất là chỉ số giá tiêu dùng tăng đột biến do điều chỉnh tăng giá xăng, dầu, phí dịch vụ; vấn đề tâm trạng của người dân trước tình hình khó khăn của nền kinh tế...

Về giải pháp, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng khẩn trương có giải pháp mang tính chiến lược để giải quyết bài toán về hàng hóa tồn kho và nợ xấu (một số ngành có chỉ số hàng tồn kho tăng trên 50%, nợ xấu tăng 8,82%), cần nhận thức việc các tổ chức tín dụng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng chính là tháo gỡ khó khăn cho chính mình; về phương án xử lý việc doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động hoặc cắt giảm lao động lớn (trên 40 ngàn doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động) đang ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội; về thị trường bất động sản, chứng khoán trầm lắng; sớm rà soát lại các chương trình đầu tư dở dang đang bị giãn, hoãn tiến độ để tập trung đầu tư hoàn thiện các dự án trọng yếu, bức xúc; đẩy mạnh các giải pháp về việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động; hoàn thành chính sách đối với người có công...

Đề nghị Chính phủ tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giá; tăng cường quản lý chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước; phải kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tăng giá bất hợp lý, nhất là các loại nguyên liệu, nhiên liệu quan trọng là đầu vào cho sản xuất và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho đời sống của nhân dân; có chế tài thật nghiêm đối với các đối tượng vi phạm quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm để giảm thiểu bệnh tật, nâng cao sức khỏe của nhân dân.

Mặt khác, cần có giải pháp đủ mạnh về bình ổn giá, đảm bảo cho người trồng lúa thực sự có lãi gắn với cơ chế, chính sách ưu đãi, trợ cấp cho người nông dân để họ yên tâm sản xuất và bảo vệ 3,8 triệu ha đất lúa của cả nước.

Đây là việc làm cần thiết, rất có ý nghĩa, bởi vì trong khi tình hình phát triển kinh tế nước ta đang gặp nhiều khó khăn thì “Nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng cao, khẳng định vai trò quan trọng trong ổn định và phát triển đất nước” -  đúng như đánh giá của Báo cáo Chính phủ năm 2012.

ĐẠI BIỂU TRẦN VĂN TẤN, PHÓ TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH TIỀN GIANG:

Cho rằng, công tác điều hành kinh tế - xã hội trong năm 2012 của Chính phủ đã bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ mà Quốc hội đã đề ra; đồng thời đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa đến những vấn đề như:

- Lạm phát đã được kiềm chế hiệu quả, nhập siêu giảm đã tác động tích cực đến kinh tế - xã hội chung của cả nước, nhưng đã tác động làm giảm tăng trưởng của nền kinh tế (ước đạt khoảng 5,2% so với Nghị quyết của Quốc hội đề ra là 6,5%).

Do vậy, Chính phủ cần phải xem xét và đánh giá một cách thật cụ thể về vấn đề này, nhất là xem xét việc tổ chức hoạt động của các doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng.

- Thời gian gần đây, việc huy động tín dụng đang tăng nhanh, dẫn đến hiện tượng chạy đua lãi suất huy động vốn giữa các ngân hàng khiến các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay, lượng hàng tồn kho cao. Đề nghị Chính phủ xem xét để đánh giá thật sát tình hình này, có những giải pháp tích cực giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.

- Việc kiểm soát lạm phát vừa qua đã đạt mục tiêu đề ra, nhưng không đảm bảo tính bền vững, cụ thể như việc thực hiện tăng giá đồng loạt về xăng, dầu, học phí, viện phí... chưa được quan tâm xem xét thực hiện cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội chung của đất nước, đã góp phần đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng cao trong tháng 9-2012 vừa qua, gây khó khăn cho đời sống của người dân.

- Đối với tình hình đóng băng của thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán vừa qua, đề nghị Chính phủ cần phải thẳng thắn nhìn nhận thực trạng để tìm hiểu nguyên nhân và có giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề nhằm tác động tích cực đến nền kinh tế chung của đất nước.

ĐẠI BIỂU NGUYỄN HỮU HÙNG (ĐOÀN ĐBQH TỈNH TIỀN GIANG):

Cho rằng, mặc dù Chính phủ đã thấy và nhìn nhận được những yếu kém, tồn tại trong công tác lãnh đạo và điều hành kinh tế - xã hội  trong năm 2012, nhưng Chính phủ vẫn chưa có những động thái tích cực trong việc tìm kiếm và đánh giá cụ thể về các nguyên nhân của những tồn tại và yếu kém để định ra những giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục những tồn tại, yếu kém của mình trong thời gian tới.

Về những giải pháp Chính phủ đã đặt ra trong việc lãnh đạo, điều hành kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2013, tôi cơ bản tán thành, nhưng đề nghị Chính phủ cần lưu ý đối với giải pháp “Cải cách hành chính, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phòng chống tham nhũng, lãng phí, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và xây dựng đời sống văn hóa” nhằm nâng cao kỷ cương trong điều hành và ý thức trong việc tổ chức thực thi pháp luật.

ĐĂNG HIẾU (lược ghi)

.
.
.