Thứ Hai, 31/12/2012, 07:50 (GMT+7)
.

Chiến thắng Ấp Bắc lịch sử

Khi nhắc đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, chúng ta không thể nào quên Chiến thắng Ấp Bắc vào ngày 2-1-1963.

Tuy quy mô không lớn bằng những chiến thắng khác trên các chiến trường miền Nam trong suốt 15 năm kháng chiến chống Mỹ nhưng tác động của Chiến thắng Ấp Bắc rất lớn đối với nhân dân miền Nam và kẻ thù đế quốc Mỹ xâm lược.

Trước một đối thủ là 2 đại đội quân cách mạng mới được thành lập, trang bị chủ yếu là súng trường, một ít súng máy và súng phóng lựu, Mỹ ngụy mở cuộc hành quân lớn, cơ động bằng trực thăng vận kết hợp thiết xa vận và cả thủy - lục - không quân, hình thành thế trận bủa lưới phóng lao, tấn công suốt ngày nhưng bị quân ta đánh trả mãnh liệt làm cho chúng phải thối lui với thiệt hại hàng trăm tên bao gồm cả bộ binh, hải quân, nhảy dù, hàng chục máy bay trực thăng, xe lội nước M.113, tàu chiến nhỏ trên sông.

Nơi xảy ra trận đánh lại là một vùng nông thôn nhỏ hẹp nằm cách Quốc lộ I khoảng vài kilômét, cách Tiểu khu Mỹ Tho và sân bay Thân Cửu Nghĩa khoảng trên 10 kilômét.

Thượng tướng Trần Văn Trà cùng các tướng lĩnh và lãnh đạo tỉnh viếng, thắp hương tưởng niệm trước mộ 3 Chiến sĩ gang thép (năm 1993). Ảnh: Tư liệu
Thượng tướng Trần Văn Trà cùng các tướng lĩnh và lãnh đạo tỉnh viếng, thắp hương tưởng niệm trước mộ 3 Chiến sĩ gang thép (năm 1993). Ảnh: Tư liệu

Chiến thắng Ấp Bắc bẻ gãy chiến thuật hành quân càn quét dựa vào trực thăng vận, thiết xa vận mà Mỹ ngụy tin rằng có thể nhanh chóng tiêu diệt các lực lượng võ trang, gom dân kìm kẹp trong các ấp chiến lược, bình định miền Nam trong thời gian ngắn.

Trước đó, trong năm 1962, trên địa bàn Mỹ Tho, Kiến Tường, chúng rất lạc quan sau mấy cuộc trực thăng vận gây cho ta những tổn thất đáng kể. Vì vậy thất bại ở Ấp Bắc là một bất ngờ lớn đối với chúng. Chúng không ngờ khi quân ta mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng càng đánh càng mạnh, phong trào cách mạng của nhân dân ta ngày càng phát triển.

Chúng không ngờ quân ngụy với cố vấn và vũ khí Mỹ lại bạc nhược như thế. Cả Nhà trắng hoảng hốt và bối rối. Chánh quyền Ngô Đình Diệm mà Mỹ dày công và tốn kém để xây dựng đã lộ rõ sự bất lực, báo hiệu cho sự sụp đổ của Chiến lược Chiến tranh đặc biệt.

Chiến thắng Ấp Bắc chứng tỏ hùng hồn sức mạnh của cách mạng miền Nam. Nung nấu lòng căm thù chế độ tàn ác Mỹ - Diệm, với quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, quân và dân ta đã chủ động sáng tạo ra cách đánh trong điều kiện phải lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh.

Thắng lợi trước hết thuộc về C1/261 của Khu, C1/514, bộ đội tỉnh đã kiên cường bám trụ quyết tâm đánh bại cuộc hành quân càn quét của địch, sử dụng có hiệu quả mọi thứ vũ khí có trong tay.

Đó còn là sự kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị và binh vận. Trong khi bộ đội nổ súng, nhân dân xông ra cản đầu xe lội nước, thuyết phục binh lính không cho xe phá lúa của nông dân; kéo ra quốc lộ thị xã Mỹ Tho chặn họng đại bác, không cho bắn vào xóm làng.

Đó là sự kết hợp theo tiếng súng. Cùng lúc du kích xã tấn công đồn bót, du kích vành đai sân bay Thân Cửu Nghĩa nổ súng bắn hạ máy bay cất cánh chi viện, công binh đặc công đánh tàu trên kinh Nguyễn Tấn Thành. Sức mạnh tổng hợp đó giúp cho ta kiến thức và kinh nghiệm tổ chức các chiến dịch tổng hợp sau này.

Chiến thắng Ấp Bắc đã tạo ra một tình thế mới cho cách mạng miền Nam. Theo chủ trương của Trung ương Cục miền Nam, phong trào “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công” phát triển mạnh mẽ. Phong trào thi đua để đạt danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ diệt ngụy, dũng sĩ diệt cơ giới cỗ vũ mọi chiến sĩ cách mạng xông lên lập thành tích. Chiến thắng Ấp Bắc cũng là hồi chuông báo hiệu sự sụp đổ của chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm.

HUỲNH VĂN NIỀM

Những con số

Những “con vật nhỏ rách rưới” bắt người Mỹ phải chấp nhận. Ba trăm năm mươi Việt cộng đã giữ vững trận địa và hạ nhục một quân đội hiện đại quân số lớn gấp 4 lần, trang bị xe bọc thép, trọng pháo, trực thăng và máy bay ném bom.

Để đối chọi, vũ khí mạnh nhất của họ là một khẩu móc-chi-ê nhỏ, cỡ 60, được xem là vô dụng. Họ có 18 người chết và 39 bị thương, thiệt hại tương đối nhẹ trong cuộc chiến mà người Mỹ và những người Việt Nam do họ bảo vệ đã dội vào nhiều nghìn loạt đạn súng thường và súng máy hạng nặng, nổ sáu trăm đạn súng cối, napalm và bom cùng những quà tặng khác chở trên 13 máy bay và 5 trực thăng chiến đấu.

Riêng những chiếc Huey đã trút xuống hàng cây Ấp Bắc 8.400 đạn súng máy và một trăm rốc-két. Với vũ khí hạng nhẹ, Việt cộng đã gây gấp bốn lần thiệt hại cho họ, giết được khoảng 80 lính Sài Gòn, làm bị thương hơn 100; 3 người Mỹ chết và 8 người khác bị thương; 5 chiếc trực thăng bị họ bắn hạ (sau này chính quyền Sài Gòn công nhận có 63 người chết và 109 lính bị thương, làm giảm thiệt hại bằng bỏ sót những mất mát của đại đội dự phòng trước Ấp Bắc).

Việt cộng gây ra những tổn thất ấy mà tiết kiệm đạn dược. Từ những loạt đạn đầu bắn nhau với quân bảo an cho đến những loạt cuối cùng với lính dù họ chỉ dùng khoảng 5.000 đạn súng trường và súng máy.

(Theo Sự lừa dối hào nhoáng – Neil Sheehan)

 

.
.
.