Thứ Năm, 13/12/2012, 19:48 (GMT+7)
.

Tổng kết Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ Việt Nam – Lào"

* Trên 3 triệu bài viết dự thi cấp cơ sở.

* Đôi vợ chồng quân tình nguyện Việt Nam từng chiến đấu trên đất bạn Lào đoạt giải nhất.

Chiều ngày 12-12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức họp báo tổng kết Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam”. Sau 8 tháng triển khai sâu rộng, cuộc thi đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được đông đảo các thế hệ người dân Việt Nam và Lào quan tâm dự thi.

tongket
Họp báo tổng kết cuộc thi.

Tại Việt Nam, cuộc thi được tổ chức dưới dạng bài viết và trắc nghiệm, đã thu hút đông đảo nhân dân mọi dân tộc, độ tuổi, ngành nghề tham gia.

Sau khi được phát động, cuộc thi trắc nghiệm đã nhanh chóng thu hút đông đảo các đối tượng dự thi. Mỗi tuần có hàng chục triệu lượt người truy cập vào website của các cơ quan phối hợp tổ chức như: Tạp chí Tuyên giáo, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Tiền Phong, Báo Thanh Niên, Báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh... để tìm hiểu tư liệu và tham gia cuộc thi.

Mỗi tuần, có hàng chục triệu lượt người truy cập website của Ban Tổ chức (BTC) Cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào; có gần 2 vạn người trực tiếp dự thi. Chất lượng bài thi tương đối tốt, đa số người tham gia dự thi đều trả lời đúng từ 2 đến 3 đáp án câu hỏi, số người trả lời đúng tất cả các câu hỏi chiếm trên 70% trong tổng số người tham gia thi.

Đối tượng dự thi rất phong phú, đa dạng, là đông đảo các tầng lớp nhân dân như: học sinh, sinh viên, trí thức, công nhân, nông dân, cán bộ, chiến sĩ; không chỉ ở miền xuôi, thành phố lớn mà còn ở cả những vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo...

BTC cuộc thi công bố kết quả hàng tuần trên Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam và các website của các cơ quan phối hợp tổ chức. BTC đã tiến hành trọng thể 2 lễ trao giải cuộc thi trắc nghiệm tại Hà Nội cho các thí sinh thuộc các tỉnh phía Bắc và tại TP. Hồ Chí Minh cho các thí sinh các tỉnh phía Nam.

Sau 31 tuần thi trắc nghiệm, đã có 215 giải thưởng, gồm: 30 giải nhất, 30 giải nhì và 155 giải khuyến khích.

Ở cuộc thi viết, sau 6 tháng phát động trên toàn quốc, đến hết tháng 9, BTC cuộc thi cấp cơ sở trong cả nước đã nhận được 3.000.320 bài dự thi… Bộ Quốc phòng, Bộ Công an là những đơn vị quan tâm tổ chức tốt cuộc thi, có số lượng người dự thi đông đảo và chất lượng bài thi đạt cao.

Đến hết thời hạn nộp bài dự thi, BTC cuộc thi cấp Trung ương đã nhận được trên 3 nghìn bài của 60 tỉnh, thành phố và 2 bộ Công an và Quốc phòng (có 3 tỉnh không có bài dự thi). Đây là số bài dự thi có chất lượng cao, hình thức đẹp, trình bày công phu, với nhiều nội dung phong phú, bám sát 11 chủ đề theo Thể lệ cuộc thi.

Ngoài phần bài thi theo quy định, nhiều tác giả đã sưu tầm được nhiều tư liệu, ảnh minh họa, kể cả hiện vật, xây dựng thành mô hình với nhiều nét sáng tạo, độc đáo. Từ đầu tháng 11, BTC cuộc thi cấp Trung ương đã tiến hành phân loại bài thi theo từng chuyên đề và tổ chức 2 vòng chấm: Vòng sơ khảo và vòng chung khảo…

Kết quả, theo đề nghị của Hội đồng Chung khảo, BTC đã xét, quyết định công nhận giải thi viết, gồm: 1 giải nhất, 2 giải nhì và 5 giải ba.

Giải nhất thuộc về đồng tác giả Lê Reo và Đỗ Thị Yên (tỉnh Thanh Hóa) là cặp vợ chồng cùng là cựu chiến binh, từng là quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu trên các chiến trường Lào. 2 giải nhì thuộc về Hoàng Văn Đông, học viên Học viện An ninh nhân dân, Bộ Công an và Trần Thị Kim Hoa, Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Lào Cai.

Được biết, các cá nhân đoạt giải nhất, nhì, ba đã được BTC tổ chức đi tham quan và giao lưu bên đất bạn Lào. Lễ trao giải cuộc thi diễn ra tối ngày 12-12 tại tỉnh Savanakhet (Lào) cùng với chương trình giao lưu văn hóa và màn bắn pháo hoa do Bộ Quốc phòng Việt Nam thực hiện, được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam.

Q.V (Tổng hợp)
 

.
.
.