Thứ Ba, 12/03/2013, 11:13 (GMT+7)
.

Những chuyển biến và kinh nghiệm thực tiễn về công tác phụ nữ

Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 11) đã được các cấp ủy Đảng trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao vai trò, trách nhiệm đối với công tác phụ nữ trong tình hình mới. 

Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Ngọc chúc mừng nữ cán bộ nhân kỷ niệm  Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 năm nay.		                                 Ảnh: HẠNH NGA
Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Ngọc chúc mừng nữ cán bộ nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 năm nay. Ảnh: Hạnh Nga

Theo báo cáo của Hội LHPN tỉnh, toàn tỉnh hiện có 1.017 chi hội, với 292.600 hội viên, chiếm 71,61% so với phụ nữ đủ điều kiện vào Hội. Trong 5 năm qua (2007 - 2012), Hội phối hợp Trường Chính trị tỉnh tổ chức 5 lớp đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ cho 400 cán bộ hội cơ sở; 2 lớp trung cấp xã hội học chuyên ngành công tác phụ nữ, với 160 học viên dự.

Công tác bồi dưỡng, giới thiệu cán bộ, phụ nữ ưu tú để Đảng xem xét kết nạp được chú trọng, góp phần tăng tỷ lệ đảng viên nữ toàn tỉnh năm 2012 chiếm 26,73% (9.511 đồng chí), tăng 2,48% so với năm 2007 (6.940 đồng chí).

Nổi bật là việc tuyển chọn cán bộ nữ vào làm việc tại các cơ quan trong hệ thống chính trị ngày càng được tăng cường, cụ thể là số lượng cán bộ nữ trong cấp ủy cơ sở nhiệm kỳ 2011 - 2015 đạt 17,10% (tăng 1,9% so nhiệm kỳ trước); nữ cán bộ chủ chốt cơ quan quản lý Nhà nước cấp cơ sở là 26,82%, cấp huyện 12,9%, cấp tỉnh 16,13% (tỷ lệ này trong nhiệm kỳ trước lần lượt ở từng cấp là 21,37%, 9% và 10,97%).

Cán bộ nữ chủ chốt trong cơ quan tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh năm 2012 đạt 33,33% và cấp huyện đạt 39,44%;  năm 2007 chỉ đạt 24% ở cấp tỉnh và 35,68% ở cấp huyện. Các cấp Hội LHPN bám sát quy trình và tiêu chuẩn chức danh cán bộ nữ để tham mưu, đề xuất, giới thiệu cán bộ nữ cho các cấp ủy quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, phân công vào các chức danh lãnh đạo, quản lý. Nhiều cán bộ nữ trưởng thành qua phong trào quần chúng và từng trải công tác từ cơ sở nên phát huy rất tốt chức trách, nhiệm vụ theo phân công của cấp ủy, chính quyền.

Hội LHPN không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở để triển khai các phong trào thi đua, các nhiệm vụ trọng tâm của Hội theo hướng phù hợp, thiết thực với đời sống, nhu cầu của chị em phụ nữ. Toàn tỉnh có 81% số hộ có phụ nữ tuổi 18 trở lên đủ điều kiện tham gia Hội. 100% cơ sở Hội có hội viên nòng cốt, có trách nhiệm tập hợp, vận động phụ nữ tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế - xã hội tại cơ sở.

Hàng năm, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã chủ động tổ chức giám sát việc thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; các chính sách an sinh xã hội liên quan trực tiếp đến đời sống phụ nữ và trẻ em như: cấp bảo hiểm y tế cho hộ nghèo và trẻ em. Hội còn chủ động khai thác các nguồn vốn liên kết ngân hàng, vốn Trung ương Hội, các tổ chức quốc tế, các nhà hảo tâm tài trợ để giúp phụ nữ nghèo trên 410 tỷ đồng, trợ giúp cho hơn 82.000 lượt hội viên, phụ nữ.

Hàng năm, có trên 80% phụ nữ nghèo được Hội giúp bằng nhiều hình thức, trong đó có 15% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được Hội giúp đỡ thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Trong 5 năm, các cấp Hội đã kết hợp với các ngành chức năng mở 486 lớp dạy nghề cho 14.480 lao động nữ, trong đó diện hộ nghèo, cận nghèo là 2.150; giới thiệu cho 32.248 lao động nữ có việc làm, thu nhập ổn định…

Từ thực tiễn lãnh đạo thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đúc kết 4 kinh nghiệm:

Một là, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vai trò, vị trí, tiềm năng của phụ nữ; đồng thời quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về những vấn đề liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới để tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả gắn với phát triển kinh tế, văn hóa và đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.

Hai là, cấp ủy, chính quyền cần quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ nữ giữ các chức vụ chủ chốt phù hợp năng lực, phẩm chất và tạo điều kiện để cán bộ nữ tham gia học tập, nâng cao trình độ.

Ba là, tổ chức Hội luôn bám sát chủ trương, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, tích cực phối hợp với chính quyền, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ và các sở, ban, ngành, đoàn thể tạo nên sức mạnh tổng hợp của tổ chức Hội theo hướng thiết thực, hiệu quả; phát huy quyền làm chủ, nắm được tâm tư nguyện vọng của hội viên để có phương pháp vận động hợp lý.

Bốn là, công tác phụ nữ phải thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với từng lứa tuổi, thành phần xã hội của hội viên, phụ nữ; thực hiện tốt hơn phương châm hướng về cơ sở, phát huy vai trò nòng cốt trong vận động phụ nữ chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật và tham gia các phong trào ở cơ sở.

THÁI SƠN

.
.
.