Thứ Tư, 14/08/2013, 12:01 (GMT+7)
.

Tiếp tục thực hiện tốt NQ11 của BCT (khóa X) và Luật Bình đẳng giới

Luật Bình đẳng giới được Kỳ họp thứ 10  - Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29-11-2006. Tiếp đến, ngày 27-4-2007, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 11/NQ-TW về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đây là 2 văn bản quan trọng, thể hiện rõ những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, sự chỉ đạo tổ chức thực hiện của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới và công tác phụ nữ ở nước ta hiện nay; khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác phụ nữ. Phụ nữ cả nước nói chung và phụ nữ Tiền Giang nói riêng rất vui mừng vì sự ra đời của 2 văn bản quan trọng này.

Phụ nữ ngày càng nâng cao vai trò trong xã hội.
Phụ nữ ngày càng nâng cao vai trò trong xã hội. Ảnh: Huỳnh Ngọt

Ở Tiền Giang, qua nhiều năm thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh có liên quan và các huyện, thành, thị đã  nghiêm túc triển khai, quán triệt và tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 11, trong đó tập trung vào các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Nghị quyết 11; các chủ đề về giới, bình đẳng giới, Pháp lệnh Dân số, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình bằng nhiều hình thức phong phú như: Hội nghị, sinh hoạt chuyên đề, tọa đàm, hội thảo và thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Không dừng lại ở việc quán triệt và tuyên truyền Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, các huyện, thành, thị đã xây dựng chương trình hành động, lồng ghép vào các mục tiêu, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị. Các nội dung giáo dục về giới, bình đẳng giới, lao động, việc làm đã được đưa vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong các trường chính trị và cả các trường thuộc hệ thống giáo dục.

Lao động nữ tại cơ sở  đan len  Chiến Thắng. Ảnh: Huỳnh Ngọt
Lao động nữ tại cơ sở đan len Chiến Thắng. Ảnh: Huỳnh Ngọt

Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ nữ đã có những chuyển biến tích cực. Việc phát hiện, giới thiệu nguồn cán bộ nữ đưa vào quy hoạch cấp ủy và các chức danh lãnh đạo các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2015 đã được các cấp ủy quan tâm hơn trước.

Hàng năm, tỷ lệ cán bộ nữ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng đều tăng, tỉnh đã mở nhiều lớp đào tạo tại chức về chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý Nhà nước, tạo điều kiện cho cán bộ nữ trong diện quy hoạch đi học.

Mặc dù chưa có điều kiện tổng kết một cách chi tiết, nhưng có thể nhận thấy rằng, số cán bộ nữ được bố trí vào các vị trí lãnh đạo cấp ủy đã tăng hơn so với nhiệm kỳ trước. Các chính sách hỗ trợ về vốn, dạy nghề, tạo việc làm, đời sống, giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ cũng được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm.

Qua theo dõi và kiểm tra cho thấy, sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan trong việc thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị ngày càng chặt chẽ, đa dạng. Hội LHPN các cấp đã thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường các hình thức tập hợp, vận động hội viên hướng mạnh về cơ sở, chăm lo ngày càng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ, phát huy vai trò nòng cốt của các cấp Hội LHPN trong công tác vận động phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới.

Có thể nói rằng, nhiều nội dung trong Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị được thực hiện có kết quả, bước đầu đã tác động tích cực đến công tác phụ nữ và công tác cán bộ nữ ở các địa phương, đơn vị. Qua đó đã tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, của xã hội, gia đình và bản thân người phụ nữ về công tác phụ nữ trong thời kỳ mới.

Những kết quả vừa nêu đã chứng tỏ Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị đã đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của của phụ nữ.

Bên  cạnh những thành tích đạt được về công tác phụ nữ và bình đẳng giới, vẫn còn nhiều hạn chế cần có các giải pháp khắc phục như: Việc triển khai quán triệt Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị ở một số địa phương, đơn vị còn dừng lại ở mức phổ biến; xây dựng chương trình hành động còn chung chung, thiếu tính cụ thể theo điều kiện và tình hình ở mỗi địa phương, đơn vị; tỷ lệ nữ là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp còn thấp, chưa tương xứng với lực lượng và sự đóng góp của phụ nữ. Mặt khác, thiếu các chính sách cụ thể về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển đối với cán bộ nữ.

Thực tế ở một số điạ phương, đơn vị, qua kiểm tra, giám sát cho thấy việc thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị và thực hiện Luật Bình đẳng giới chưa đạt yêu cầu. Cụ thể, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp chỉ đạt dưới 15%, không đạt chỉ tiêu theo Chỉ thị 37-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về Đại hội Đảng bộ các cấp; nếu so với chỉ tiêu tỷ lệ nữ cấp ủy đề ra trong Nghị quyết đến năm 2020 chiếm 25% nữ thì tỉnh ta phải phấn đấu rất nhiều trong thời gian dài mới đạt được.

Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, các chính sách, pháp luật về công tác phụ nữ và Luật Bình đẳng giới chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là thiếu các giải pháp mạnh và chưa có lộ trình để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra…

Để đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ trong thời gian tới, cần tiếp tục quán triệt một cách sâu sắc Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ và Luật Bình đẳng giới đến tất cả các sở, ban, ngành, địa phương; cụ thể hóa thành chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các sở, ban, ngành, của cấp ủy, HĐND và UBND các cấp.

Trước mắt, cần thực hiện nghiêm túc một số nội dung cơ bản Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất chính trị cho cán bộ nữ, đủ sức đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Thực hiện tốt các chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chính sách về nhà ở, chăm lo về đời sống văn hóa, tinh thần cho phụ nữ. Nghiên cứu, xây dựng mô hình thí điểm về tăng cường phối hợp chỉ đạo giữa cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể nhằm thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới và Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị ở một số địa phương, đơn vị, từ đó tổ chức tổng kết thực tiễn và nhân rộng trong toàn tỉnh.

CHÂU HẢO

.
.
.