Thứ Sáu, 06/09/2013, 08:01 (GMT+7)
.

Cả nhà địa chủ hy sinh vì sự nghiệp cách mạng

Sau khi Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 thành công, Đảng bộ quận Chợ Gạo nói chung, xã An Thạnh Thủy nói riêng đã lãnh đạo nhân dân vượt qua bao khó khăn, thử thách, giữ vững chính quyền dân chủ nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang…, làm thay đổi đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân.

Sau khi được củng cố, Quận ủy Chợ Gạo tiến hành nhiều cuộc họp bàn kế hoạch thực hiện các chủ trương của Tỉnh ủy, xác định nhiệm vụ trước mắt của quân và dân Chợ Gạo là phát triển lực lượng vũ trang; phát triển các đoàn thể cứu quốc; vận động nhân dân tích cực ủng hộ kháng chiến.

Đặc biệt là thực hiện chính sách ruộng đất cho nông dân, Quận ủy đã lãnh đạo đẩy mạnh các cuộc vận động “Nhường cơm xẻ áo”, “Lá lành đùm lá rách”; tịch thu đất của Việt gian, địa chủ ác ôn vắng mặt hoặc vận động địa chủ hiến đất, chia đất cho nông dân trên cơ sở giữ nguyên canh của tá điền.

Nông dân nghèo, thiếu đất được cấp thêm đất, đã thực sự có cuộc đổi đời, từ kiếp nô lệ làm thuê trở thành người chủ mảnh đất mà cha ông họ đã từng đổ mồ hôi và xương máu mới có được.

Chính sách ruộng đất sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã được Đảng bộ và chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm, nông dân trong vùng giải phóng đều được tạm cấp đất, không còn tình trạng người cày thiếu ruộng, đem lại niềm tin cho quần chúng trong cuộc kháng chiến do Đảng ta lãnh đạo.

Quận ủy, Ủy ban Kháng chiến hành chánh quận Chợ Gạo tập trung phát động phong trào hiến đất của “địa chủ khai minh”. Tiêu biểu trong phong trào này là gia đình cụ ông Ngô Quang Lập - Hương sư Lập và cụ bà Nguyễn Thị Khải ở xã An Thạnh Thủy, thành phần địa chủ với tài sản hơn 40 mẫu ruộng. Sau khi cụ Lập qua đời, đã để lại đất đai cho 3 con là ông Ngô Quang Liêm (Năm Lèo, Thanh Triết), bà Ngô Thị Chín và ông Ngô Quang Lữ (Mười Xệ, Mười Trung).

Dù là thành phần giai cấp địa chủ nhưng ông Ngô Quang Liêm sớm giác ngộ cách mạng, đã tích cực tham gia lực lượng Thanh niên Tiền phong của xã An Thạnh Thủy. Sau khi giành chính quyền 19-8-1945, ông Liêm là thành viên của Mặt trận Việt Minh xã, đã bàn bạc với các em hiến đất cho cách mạng để cấp cho nông dân nghèo. Từ đó lý lịch mỗi người trong gia đình là thành phần “Trung nông mới”.

Về việc chia đất, xã An Thạnh Thủy chia 5 công cho mỗi nhân khẩu, gia đình 10 nhân khẩu được chia 5 mẫu, lấy đất đang canh tác làm gốc, ai thiếu ăn thì được chia thêm và chấm dứt việc thu tô. Bà Trần Thị Ba, vợ Liệt sĩ Ngô Quang Liêm kể lại: Sau khi được cấp đất, người nông dân vẫn nghĩ đến nguồn gốc xa xưa của mảnh đất được cách mạng cấp cho, dù chấm dứt việc thu tô nhưng họ tự đi đóng tô cho bà, ít hay nhiều tùy theo số lúa làm ra.

Trở lại chuyện cả nhà tham gia kháng chiến. Gia đình ông Ngô Quang Liêm không ai còn nhớ thời gian ông Liêm công tác ở Ủy ban Kháng chiến hành chánh xã cho đến khi nào thì ông được bầu vào Ban Chấp hành Quận ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy Chợ Gạo và được giao nhiệm vụ Chính trị viên Huyện đội Chợ Gạo.

Quá trình công tác, ông xây dựng gia đình với bà Trần Thị Ba (Nguyễn Ngọc Trâm) là Đoàn trưởng Phụ nữ cứu quốc quận. Hai người sinh được một con trai đặt tên  Ngô Hoàng Trung (nay là cán bộ nghỉ hưu). Khi Trung chưa tròn 1 tuổi thì giặc bắn ông Liêm hy sinh (tháng 1-1951) tại đìa Gốc (bờ làng ấp Thạnh Thới, xã An Thạnh Thủy).

Bà Ba vừa nuôi con vừa vừa tham gia công tác cho đến năm 1954 kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Sau hòa bình năm 1954, bà được chuyển ra công tác hợp pháp, thời gian hoạt động nhiều nhất ở Ban Trí vận TP. Mỹ Tho cho đến ngày giải phóng 30-4-1975 và vẫn tiếp tục công tác cho đến ngày nghỉ hưu.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, bà Ngô Thị Chín là đội viên, phụ trách Đội Thiếu niên cứu quốc xã An Thạnh Thủy, sau đó phụ trách Đội Thiếu niên cứu quốc quận. Quá trình công tác, bà xây dựng gia đình với ông Hai Tranh, cán bộ trong lực lượng vũ trang Quận An Hóa (lúc đó An Hóa thuộc tỉnh Mỹ Tho).

Sống với nhau chưa được bao lâu, năm 1949 trong một lần chạy càn phải lội qua kinh Chợ Gạo, bà bị tàu địch bắn, hy sinh mất xác trong lúc đang mang thai. Ông Tranh tiếp tục chiến đấu trong lực lượng vũ trang cho đến ngày tập kết ra Bắc năm 1954.

Còn ông Ngô Quang Lữ  phụ trách Đội Thiếu niên cứu quốc xã An Thạnh Thủy và tham gia công tác tại xã trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp. Không thuộc diện đi tập kết, ông cùng với cán bộ cơ sở ở lại chăm lo việc củng cố tổ chức quần chúng và lãnh đạo quần chúng đấu tranh quyết liệt với địch trong những năm 1954 - 1960.

Năm 1960, ông được điều động về công tác tài chánh ở huyện.Tháng 12-1969, bám đánh địch đi càn trong vùng căn cứ, bị vướng lựu đạn nổ, ông Lữ hy sinh.

Có 3 người con hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cụ bà Nguyễn Thị Khải đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

NGUYỄN HỮU CHÍ

.
.
.