Thứ Tư, 04/09/2013, 06:52 (GMT+7)
.

Xây dựng đội ngũ nhà giáo theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Trong di sản để lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, coi trọng vị trí nhà giáo, Người nhấn mạnh: “Nhiệm vụ giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hóa”. Người khẳng định: “Những người thầy giáo tốt là những người vẻ vang nhất, là những anh hùng vô danh. Ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo thì phải sửa chữa”. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, Bác đòi hỏi “thầy giáo xứng đáng là thầy giáo”, xứng đáng với danh hiệu “Người kỹ sư tâm hồn”.

Muốn làm được điều đó, trước hết người thầy giáo phải cải tạo tư tưởng bản thân mình và “cần xây dựng tư tưởng dạy học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Đó là những người yêu nghề, yêu trường, hết lòng thương yêu, chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ, không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng, phải có chí khí cao thượng, với tinh thần cách mạng “tiên ưu hậu lạc”.

Trên tinh thần nắm vững quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin: “Bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục”,  nhằm nâng cao chất lượng dạy và học để xứng đáng là “người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Người huấn luyện phải học tập mãi thì mới làm tốt được công việc của mình. Người huấn luyện nào tự cho mình là biết đủ cả rồi thì người đó là dốt nhất”. Người dẫn lại câu nói của Khổng Tử: “Học không biết chán, dạy không biết mỏi” và dẫn lời dạy của V.I.

Lênin: “Học, học nữa, học mãi” để nhấn mạnh rằng người huấn luyện nào tự mãn cho mình giỏi rồi mà dừng việc học lại là lùi bước, là lạc hậu, là tự đào thải mình. Phải thường xuyên tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm để thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Thầy cô giáo và các em học sinh vui mừng chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm tại địa điểm chính của Trường Trung học GTVT Thủy - Bộ ngày 29-11-1961.
Thầy cô giáo và các em học sinh vui mừng chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm tại địa điểm chính của Trường Trung học GTVT Thủy - Bộ ngày 29-11-1961.

Ngoài việc nhắc nhở các thầy giáo phải không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, Người cũng lưu ý một vấn đề hết sức quan trọng, đó là học tập chính trị, vì “có học tập lý luận Mác - Lênin thì mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết về trình độ chính trị mới làm nòng cốt công tác Đảng giao phó”.

Trong giáo dục, Người nhắc nhở các thầy giáo và các nhà quản lý giáo dục cần quan tâm đến phương pháp giáo dục. Đặc biệt, Người rất quan tâm đến phương pháp nêu gương. Theo Hồ Chí Minh: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”, thầy cô giáo là những người đi khai sáng trí tuệ, mở mang tri thức, thắp sáng ngọn lửa tâm hồn cho học sinh.

Người nói: “Giáo dục được người thầy giáo được cả một thế hệ”, thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu. Một tấm gương sáng của người thầy sẽ có cả một thế hệ noi theo, ngược lại một hành vi xấu của người thầy có thể làm tổn thương, làm mất niềm tin cả một lớp người. Vì vậy, để nâng cao chất lượng của hoạt động dạy và học thì thầy giáo phải rèn luyện mình thêm trong thực tiễn đấu tranh của xã hội, tiếp thu và lấy chất lượng sống ở đó mà truyền lại cho thế hệ trẻ: “Thầy giáo và học trò, tùy hoàn cảnh và khả năng cần tham gia vào những công tác xã hội ích nước lợi dân”.

Trước lúc đi xa, tháng 5-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn toàn Ðảng, toàn dân ta phải ra sức chăm lo sự nghiệp giáo dục, có chương trình, kế hoạch chu đáo trong việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Cùng với việc phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh thì phải “sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân, như phát triển các trường nửa ngày học tập, nửa ngày lao động”.

Ðối với đội ngũ giáo viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của người dạy học là chăm lo dạy dỗ con em của nhân dân thành người công dân tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà”.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của giáo dục và vị trí của giáo viên, để xứng đáng là “người thầy” theo tư tưởng Hồ Chí Minh, mỗi thầy giáo, cô giáo cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc, toàn diện hơn những lời dạy quý báu của Người: “Người huấn luyện phải học tập mãi thì mới làm tốt được công việc của mình…”.

NGUYỄN VĂN THANH

.
.
.