Thứ Sáu, 20/03/2015, 08:02 (GMT+7)
.

Đã có 163 đoàn đại biểu đăng ký tham dự IPU-132

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó Trưởng ban Tổ chức IPU- 132, Trần Văn Hằng cho biết: Dự kiến, IPU-132 sẽ thu hút hơn 700 nghị sĩ trong số gần 1.600 đại biểu quốc tế gồm Nghị viên thành viên, quan sát viên, thành viên liên kết, các vị lãnh đạo và nhân viên của IPU, cùng đại diện cấp cao của các tổ chức quốc tế.

Tính đến ngày 18-3, đã có 163 đoàn quốc tế đăng ký tham dự IPU-132 tại Hà Nội. Về thành phần, 45 vị Chủ tịch Quốc hội (QH), 50 vị Phó Chủ tịch QH dẫn đầu các đoàn nghị viện tham dự. Con số này còn tiếp tục tăng trong những ngày tới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Trưởng tiểu ban Thông tin - tuyên truyền IPU-132, Ngô Đức Mạnh, khẳng định: Việt Nam đã sẵn sàng cho IPU-132. Hiện tại, công tác chuẩn bị cho IPU-132 được triển khai tích cực về mọi mặt, chu đáo và bài bản.

Đối với Việt Nam, việc tổ chức IPU-132 nhằm mục đích tiếp tục củng cố và nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế, toàn cầu như hòa bình, dân chủ và phát triển bền vững, tăng cường quảng bá với các nước trên thế giới về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam. Thành công của việc tổ chức IPU-132 sẽ tạo đà thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư vào Việt Nam cũng như của Việt Nam ra các nước.

Việt Nam trở thành thành viên chính thức của IPU năm 1979 đến nay, Quốc hội Việt Nam luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm tại diễn đàn này, được bạn bè khu vực và quốc tế đánh giá cao.

Thông qua IPU, quan hệ song phương của Quốc hội Việt Nam với Nghị viện các nước được thiết lập và tăng cường. Quốc hội Việt Nam từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch nhóm địa chính trị Châu Á-Thái Bình Dương (APG) và nhóm ASEAN +3 trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU (2006, 2010).

Tại IPU tháng 10-2007 (Geneva, Thụy Sĩ) lần đầu tiên đại diện của Quốc hội Việt Nam được Đại hội đồng tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành- cơ quan lãnh đạo cao nhất của IPU. Qua đó, Việt Nam có nhiều điều kiện đóng góp thiết thực và trực tiếp vào các hoạt động của IPU cũng như công việc chung của cộng đồng quốc tế.

Việc Việt Nam được chọn tổ chức IPU-132 và các hội nghị liên quan trong năm 2015 là thắng lợi quan trọng của ngoại giao nghị viện Việt Nam nói riêng, ngoại giao Việt Nam nói chung, thể hiện đường lối đối ngoại tích cực, chủ động do Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra. Đây là điểm nhấn quan trọng trong nền ngoại giao nghị viện nước nhà.

Mục tiêu đề ra của đoàn đại biểu Việt Nam tại IPU-132 là sẽ có những đóng góp tích cực vào các phiên thảo luận chung và các cơ chế của IPU mà Quốc hội Việt Nam là thành viên, bảo đảm IPU-132 đạt kết quả tốt, phù hợp với yêu cầu chính trị của Việt Nam.

Theo chương trình, IPU-132 sẽ chính thức khai mạc vào chiều tối 28-3, tại hội trường Diên Hồng - Nhà Quốc hội mới. Các phiên họp chính thức của đại hội đồng diễn ra từ 28-3 đến 1-4, tại Trung tâm hội nghị Quốc gia.

Các nội dung làm việc chính của IPU-132 gồm: Thông qua chương trình nghị sự; Thông qua báo cáo tổng kết về phiên họp của Ủy ban được tổ chức tại IPU-131; Bầu Ban lãnh đạo Ủy ban Thường trực; Dự thảo và thông qua nghị quyết về chủ đề: Nghị quyết chiến tranh mạng: Mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh toàn cầu; Nghị quyết Định hình cơ chế mới về quản trị nước: thúc đẩy hành động của nghị viện về vấn đề nước; Nghị quyết về Luật pháp quốc tế trong mối quan hệ với chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và quyền con người…

(Theo nhandan.com.vn)

.
.
.