Thứ Sáu, 08/05/2015, 22:39 (GMT+7)
.

Chiến thắng 30-4: Đỉnh cao của sự phối hợp giữa các phương thức đấu tranh

Trên địa bàn tỉnh Mỹ Tho và Gò Công, quân Mỹ thường dựa vào quân đông, khả năng cơ động cao, hỏa lực mạnh, kềm kẹp khống chế quần chúng gắt gao, bao vây phong tỏa lực lượng cách mạng từ mọi phía, hành quân càn quét và bình định “chà đi xát lại” nhiều lần, biến một số vùng ở Gò Công, Mỹ Tho thành vùng trắng.

Các đơn vị chủ lực về hỗ trợ địa phương chống phá địch bình định, gặp khó khăn về tiếp tế hậu cần và bảo đảm vũ khí, nhưng ta chủ động xây dựng tổ chức hậu cần nhân dân tại chỗ, nhờ có quần chúng tiếp tế giúp đỡ bộ đội về nhiều mặt, bảo đảm cho bộ đội có thể đứng chân tại địa phương nhiều ngày để chống địch bình định.

Để đảm bảo cách mạng thắng lợi, việc không ngừng giáo dục và quán triệt tinh thần tự lực tự cường, xây dựng, phát triển lực lượng và sự phối hợp các phương thức đấu tranh giữa các lực lượng cách mạng là vấn đề sống còn của cuộc đấu tranh ở tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công.

Nhân dân chào mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ảnh: Trần Nhã
Nhân dân chào mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ảnh: Trần Nhã

Tinh thần tích cực chủ động, tự lực tự cường thể hiện ở chỗ cấp dưới không thể ỷ lại vào cấp trên, cá nhân không thể ỷ lại vào sự cung cấp của đơn vị, địa phương, phải tự giải quyết những gì có thể giải quyết được cho địa phương mình và cho các đơn vị của cấp trên tác chiến trên chiến trường mình.

Thực tiễn ở Mỹ Tho, Gò Công từ những ngày đầu kháng chiến chống quân Mỹ và bọn tay sai đã chứng minh rằng: Thường xuyên đề cao tính chủ động, tích cực trong phối hợp các hình thức đấu tranh cách mạng giữa các lực lượng là yếu tố hết sức quan trọng bảo đảm thắng lợi của cách mạng.

Đối với Khu 8, tỉnh Mỹ Tho và Gò Công là địa bàn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng cả về quân sự, chính trị, kinh tế; là địa bàn tiếp giáp Sài Gòn, là điểm nút giao thông huyết mạch nối Đồng bằng sông Cửu Long với Sài Gòn; là nơi tập trung đông dân, nhiều của, nhân dân có truyền thống cách mạng từ khi Đảng ra đời.

Để duy trì chế độ thực dân và tiến hành chiến tranh xâm lược, cả thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều lấy trọng điểm đánh phá là Mỹ Tho. Từ thực dân Pháp cho đến quân Mỹ đều bố trí lực lượng quân sự hùng mạnh, mở nhiều cuộc hành quân quy mô lớn, dài ngày đánh ở tỉnh Mỹ Tho và Đồng Tháp Mười, điều những tên tay sai ác ôn như Nguyễn Văn Tâm, Nguyễn Trân, Nguyễn Đình Xướng… đến vùng này.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà Mỹ đưa tên Nguyễn Văn Tâm về Mỹ Tho tiến hành chiến dịch diệt cộng vô cùng tàn bạo. Cũng không phải ngẫu nhiên khi quyết định chiến tranh, Mỹ - Diệm đưa sư đoàn 7 - sư đoàn chuẩn bị cho Bắc tiến đang đóng ở vùng vĩ tuyến 17 về Mỹ Tho đánh phá phong trào cách mạng ở đây và cũng không phải ngẫu nhiên Mỹ đưa sư đoàn 9 bộ binh Mỹ đến Bình Đức, huyện Châu Thành (Mỹ Tho) để thực hiện âm mưu bình định. Mục đích của chúng là để đối phó với các cuộc đấu tranh cách mạng vô cùng mạnh mẽ, phong phú, biến hóa vô thường của quân và dân ta.

 Nhân dân xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo mít tinh mừng chính quyền cách mạng. Ảnh: Tư liệu
Nhân dân xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo mít tinh mừng chính quyền cách mạng. Ảnh: Tư liệu

Địch sử dụng mọi lực lượng từ chủ lực bảo an, dân vệ đến cảnh sát, gián điệp, biệt kích…; có lúc huy động cả quân Mỹ, phối hợp với hệ thống ngụy quyền các cấp vận dụng đủ mọi thủ đoạn nham hiểm, tàn bạo, kết hợp chặt chẽ hoạt động quân sự, chính trị với chiến tranh tâm lý để thực hiện dồn dân vào các ấp chiến lược, các khu tập trung. Địch thiết lập cả một hệ thống đồn bót dày đặc để kềm kẹp, áp bức quần chúng.

Cuộc Đồng Khởi năm 1960 bắt đầu từ tỉnh Bến Tre, nằm trong đợt võ trang tuyên truyền đột xuất thống nhất toàn Khu là sự quyết tâm và sáng tạo của tỉnh Bến Tre, đã nhanh chóng lan rộng ra các tỉnh Khu 8 (Khu Trung Nam bộ) và cả miền Nam. Ban đầu, quần chúng nổi dậy trừng trị và phá rã hàng loạt bộ máy các tổ chức kềm kẹp của Mỹ - ngụy ở ấp, xã, tiến đến giành quyền làm chủ các vùng nông thôn rộng lớn.

Từ đó các lực lượng chính trị võ trang cách mạng phát triển nhanh như Phù Đổng. 3 thứ quân từng bước hình thành ở tỉnh Mỹ Tho. Đội quân tóc dài ra đời, bộ đội, du kích non trẻ đầy khí thế kết hợp thực hiện tấn công chính trị kết hợp với đấu tranh võ trang mở rộng vùng làm chủ và sáng tạo 3 mũi giáp công chống địch phản kích rất hiệu quả.

Cuộc Đồng Khởi đã xóa tan sự hoài nghi trước đó là liệu khi ta võ trang nổi dậy rồi có thể giữ được hay lại bị địch dìm trong bể máu. Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ, lực lượng cách mạng giữ vững thế hợp pháp của nhân dân - bí quyết để phát huy thế đấu tranh 3 mũi rất hiệu quả của nhân dân.

Tháng 1-1963, quân và dân ta làm nên chiến thắng Ấp Bắc, bẻ gãy và làm thất bại cuộc càn quét lớn của địch bằng chiến thuật cơ động nhanh bằng trực thăng, xe lội nước và tàu chiến. Dù binh lực ít hơn địch cả chục lần, lại trang bị cũ kỹ nhưng đã biết cách đánh hiệu quả, biết kết hợp với lực lượng tấn công 3 mũi khắp trong vùng, giúp ta với lực lượng nhỏ, được chỉ huy tài giỏi đánh một lực lượng lớn của địch.

Chiến thắng Ấp Bắc báo hiệu cho sự thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Phong trào “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công” được Miền phát động đã mở ra một thời kỳ mới trên toàn khu luồn sâu đứng lại chống càn, giành quyền làm chủ nông thôn.

Cuối năm 1963, trong tình thế rối ren Ngô Đình Diệm bị đảo chính, trùng khớp với đợt tấn công thống nhất, ta mở đợt tấn công chi khu Vĩnh Kim và giải phóng một vùng liên hoàn Nam lộ 4, củng cố và giữ vững “vùng giải phóng 20-7”, gọi tắt là Vùng 20-7. Từ đó ra đời chiến dịch tổng hợp, với lực lượng chủ lực hạn chế, nhưng phối hợp tốt 3 thứ quân, 3 vùng và 3 mũi tấn công.

 Nhân dân phá đồn Bến Lội. Ảnh: Tư liệu
Nhân dân phá đồn Bến Lội. Ảnh: Tư liệu

Từ đầu năm 1966, địch tăng cường đánh phá để chuẩn bị điều kiện và sau đó đưa sư đoàn 9 bộ binh Mỹ đến lập căn cứ Đồng Tâm. Khu phát động thành lập vành đai diệt Mỹ ở xã Bình Đức, phối hợp lực lượng tại chỗ của các xã vùng ven thuộc Châu Thành (Mỹ Tho) và vài xã thuộc Châu Thành (Bến Tre).

Vành đai Bình Đức được đánh giá là rất hiệu quả và tiêu biểu về tấn công 3 mũi. Cùng với vành đai bình Đức, ta thiết lập các mặt trận giao thông trên lộ 4, trên sông Tiền, sông Hàm Luông, kinh Chợ Gạo. Kết quả, quân Mỹ bị tấn công liên tục, bị tiêu hao nặng về sinh lực và tinh thần, lính Mỹ đào ngũ và liên tục có sự kiện đại đội Mỹ phản chiến.

Mùa Xuân năm 1968, mặc dù Mỹ - ngụy tăng cường càn quét, đánh phá, nhất là trên các hành lang vận tải, toàn Khu đã đồng loạt tấn công vào các cơ quan đầu não ngụy ở các thị xã, thị trấn. Quân và dân ta đột nhập tấn công, làm chủ ở thành phố Mỹ Tho, thị trấn và các tuyến giao thông huyết mạch…

Cuộc tấn công nổi dậy mùa Xuân năm 1968 đã làm tiêu hao một số sinh lực địch, giải phóng một số xã ven làm rối loạn đầu não địch nhưng chưa đạt được yêu cầu như dự tính, dù vậy tỉnh Mỹ Tho, Gò Công có đóng góp lớn vào thắng lợi chung của toàn miền Nam.

Năm 1972, cùng với lực lượng của miền Nam, Mỹ Tho và Gò Công thực hiện Chiến dịch Nguyễn Huệ, tấn công và nổi dậy suốt thời gian từ đầu đến cuối năm. Chiến dịch đạt được thắng lợi to lớn: Tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng nông thôn, mở thông tuyến hành lang chiến lược từ biên giới Campuchia xuống đến Gò Công. Nói chung, lực lượng cách mạng đã làm thất bại về cơ bản kế hoạch lấn chiếm bình định của địch trên vùng trọng điểm Mỹ Tho - điều rất có ý nghĩa thúc đẩy Mỹ ký kết Hiệp định Paris, rút toàn bộ quân Mỹ về nước.

Mùa xuân năm 1975, cùng với toàn miền Nam, tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công và thành phố Mỹ Tho kịp thời nổi dậy tấn công với tinh thần xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh, làm tan rã toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền trên địa bàn trong ngày 30-4-1975.

Sân bay Giếng nước Mỹ Tho ngày 30-4-1975. Ảnh: Trần Biểu
Sân bay Giếng nước Mỹ Tho ngày 30-4-1975. Ảnh: Trần Biểu

Nếu phát động toàn dân đánh giặc là một sự sáng tạo về đường lối quân sự của Đảng ta trong chiến tranh giải phóng, thì việc sử dụng các phương thức đấu tranh thích hợp và tiến công tổng hợp là nét độc đáo về nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân.

Tiến công tổng hợp thể hiện rõ nét sự kết hợp chặt chẽ giữa chiến tranh với khởi nghĩa, tiến công với nổi dậy tiêu diệt địch và giành quyền làm chủ của nhân dân; kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị và binh vận tại xã, ấp; kết hợp 2 phương thức tiến hành chiến tranh, 2 lực lượng, 3 thứ quân, 3 vùng chiến lược trong từng đợt, từng chiến dịch.

Để đảm bảo thực hiện thành công phương thức tiến công tổng hợp nói trên, tỉnh Mỹ Tho và Gò Công đã rèn luyện cho bộ đội vận dụng thuần thục 3 cách đánh cơ bản là: Đánh đồn bằng kết hợp kỳ tập với cường tập, đánh vận động phục kích, đánh tập kích đêm. Đặc biệt, cách đánh đồn ở Mỹ Tho, Gò Công có nhiều hình thức phong phú được vận dụng tương đối phổ biến, có hiệu quả lớn, đã trở thành chiến thuật truyền thống và độc đáo của Mỹ Tho, Gò Công qua học tập được kinh nghiệm của các đơn vị bạn trong toàn Miền.

3 hình thức chiến thuật trên là 3 hình thức riêng biệt, nhưng khi được kết hợp chặt chẽ với nhau trong từng đợt hoạt động, từng khu vực đã tạo ra sức mạnh rất to lớn. Kết hợp cả 3 cách đánh, 3 mũi trên 1 khu vực trong 1 đợt tiến công, lại thực hiện đánh đi, đánh lại vào một số mục tiêu nhất định thì địch không thể chịu nổi.

Phương thức tiến công tổng hợp phát triển trong tình hình mà địch tiến hành bình định khống chế nhân dân, muốn tách rời nhân dân với cách mạng và sử dụng nhiều lực lượng, nhiều thủ đoạn, cả về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, tư tưởng, tâm lý, nhưng chúng vẫn phải dựa vào lực lượng quân sự là chủ yếu để đối phó với lực lượng cách mạng. Do vậy không thể có phương thức nào khác là vận dụng và phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân - chỗ mạnh tuyệt đối của lực lượng cách mạng để đánh bại quân địch.

Trận Ấp Bắc và cao trào phá ấp chiến lược năm 1963; chiến dịch đánh phá quốc lộ 4 năm 1967; các cuộc tiến công và nổi dậy Xuân  Mậu Thân năm 1968 và mùa hè năm 1972, nhất là Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã chứng minh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, quân và dân ta đã vận dụng linh hoạt phương thức tiến công tổng hợp với trình độ cao hơn, đã nâng cuộc tiến công 3 mũi của lực lượng cách mạng lên thành những chiến dịch tiến công và tổng hợp quy mô toàn tỉnh.

Trong chiến dịch tiến công tổng hợp, ta đã vận dụng linh hoạt nhiều hình thức và phương pháp tác chiến tổng hợp, phù hợp với khả năng và sở trường của từng thứ quân, từng lực lượng của ta và phù hợp cả với từng đối tượng địch.

Đó là sự kết hợp tác chiến tập trung của bộ đội chủ lực trên quy mô lớn, vừa và nhỏ với đánh phân tán linh hoạt của bộ đội địa phương, dân quân du kích bằng nhiều hình thức phong phú, kết hợp đánh địch ở chính diện với luồn sâu, ém sẵn, thọc sâu đánh hiểm sau lưng địch; kết hợp đánh địch trong công sự với ngoài công sự; kết hợp tiến công bằng sức mạnh quân sự với hình thức bao vây bức hàng bức rút đồn bót địch bằng lực lượng 3 mũi tại xã, ấp.

Vận dụng linh hoạt các hình thức tiến công, phản công chống càn, đánh hậu cứ, sở chỉ huy, các đồn bót quan trọng, đánh phá kho tàng bằng lực lượng đặc công, pháo binh, bộ binh với dùng tự vệ mật và biệt động đánh địch nằm sâu trong các đô thị. Kết hợp đánh trên bộ với bắn máy bay và khống chế trận địa pháo.

Chú trọng hình thức nghi binh, nghi trang để đánh lạc hướng, vận dụng cách đánh du kích rộng rãi của quần chúng để chia cắt lực lượng địch, căng kéo địch, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng ở chiến trường trọng điểm. Có khi dùng quần chúng kết hợp nghi binh áp đảo tinh thần địch, gỡ hàng loạt đồn bót giải phóng xã ấp…

    LÊ VĂN TÝ

.
.
.