Thứ Hai, 18/05/2015, 08:00 (GMT+7)
.

Suy ngẫm từ những lần kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ

Trong lời phát biểu đáp lại lòng kính mến của đồng bào nhân được mừng sinh nhật lần đầu tiên - ngày 19-5-1946, Bác Hồ viết: “Tôi chưa xứng đáng với sự săn sóc của đồng bào. Vì tôi hãy còn là một thanh niên, tuổi 56 chưa đáng được đồng bào chúc thọ. Chỉ vì một nhà báo nào đó biết đến ngày sinh của tôi mà đem ra làm rộn đồng bào. Từ trước đến nay tôi đã là người của đồng bào, thì từ nay về sau tôi vẫn thuộc về đồng bào. Tôi quyết giữ lòng trung thành với Tổ quốc…”.

Cách nói đó đã thể hiện tầm vóc của nhà văn hóa kiệt xuất, biết rõ phong tục Việt Nam không có mừng sinh nhật mà có lễ chúc thọ, nhưng người được chúc ít nhất phải được 60 tuổi. Rõ ràng, Bác Hồ không muốn tổ chức và cũng không muốn mọi người tổ chức kỷ niệm sinh nhật của mình một cách đình đám. Điều này được minh chứng bởi từ đó trở đi cho đến khi về cõi vĩnh hằng (ngày 2-9-1969) Người luôn tìm cách từ chối, tránh khéo những lần kỷ niệm ngày sinh của mình.

Ngày 19-5-1947, khi ở Việt Bắc, các đồng chí phục vụ chuẩn bị sẵn một bó hoa rừng mang đến chúc thọ Bác. Người rất xúc động khi nhận được bó hoa này và đề nghị dành những bông hoa đó để đi viếng mộ đồng chí Lộc (người được phân công lo việc ăn uống cho Bác) vừa mới mất vì bị bệnh sốt rét.
Ngày 19-5-1948, do không muốn tổ chức lễ mừng sinh nhật của mình, nên trước đó 1 ngày Người đã làm bài thơ “Không đề” để trả lời một số cán bộ đề nghị tổ chức sinh nhật Bác:

Vì nước nên chưa nghĩ đến nhà,
Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già.
Chờ cho kháng chiến thành công đã,
Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta.

Ngày 19-5-1953, Bác đã bí mật sang thăm lớp mẫu giáo nội trú đầu tiên của quân đội ở Định Hóa, Thái Nguyên, vừa để tránh việc chúc tụng, vừa để thăm các cháu nhi đồng.

Khoảng thời gian từ tháng 12-1954 đến tháng 9-1969, Bác Hồ sống và làm việc tại khu Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, nhưng cứ đúng vào ngày 19-5 Người thường tìm cách đi một nơi khác để tránh những nghi lễ phiền phức, tốn kém.

Ngày 19-5-1955, Bác đi thăm công nhân ở Nhà máy Xe lửa Gia Lâm - Hà Nội. Ngày 19-5-1957, Bác đi thăm nông dân ở Quốc Oai, Hà Tây. Ngày 19-5-1958 Bác đến chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Tây), căn dặn nhân dân tích cực trồng cây, bảo vệ rừng. Ngày 19-5-1959, Bác đi thăm cán bộ, nhân dân các dân tộc Tây Bắc.

Những năm khác, nếu không đi đâu thì kỷ niệm ngày sinh của Bác cũng được tổ chức gọn nhẹ. Thường chỉ là những lời chúc mừng, cảm ơn và một ít kẹo bánh mời người đến trực tiếp chúc thọ Bác.

Sinh nhật lần thứ 73 (ngày 19-5-1963), Quốc hội có ý tặng Bác Huân chương Sao Vàng cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam, Bác nói: “Tôi xin tỏ lòng biết ơn Quốc hội. Nhưng Quốc hội cho phép tôi chưa nhận, vì tôi tự thấy chưa xứng đáng... Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng bào miền Nam tặng thì tôi xin nhận”.

Năm 1965, trong tháng sinh nhật mình, Bác đã bắt đầu viết Di chúc. Ngày 14-5-1965, các đồng chí trong Bộ Chính trị và một số đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng tranh thủ tới chúc thọ Bác. Sau lời cảm ơn, Bác hỏi: Chú Kỳ xem có gì chiêu đãi không? Đồng chí Vũ Kỳ ra hiệu cho các đồng chí phục vụ chuyển bánh kẹo ra. Bác vui vẻ giơ cao tay mời tất cả mọi người ăn kẹo, bánh và dặn: “Nhớ để dành phần cho các thím và các cháu ở nhà nữa!”. Tất cả cười vang, đầm ấm, chan hòa. Lễ sinh nhật lần thứ 75 của một vị Chủ tịch nước diễn ra như thế đó.

Từ năm 1960 đến năm 1967, vào trung tuần tháng 5 Bác thường đi Trung Quốc để làm công tác ngoại giao, tranh thủ nước bạn ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bác cũng thẳng thắn từ chối việc bạn tổ chức chúc thọ. Ngày 18-5-1965, Bác nói với Nguyên soái Diệp Kiếm Anh: “Tôi sang đây vào dịp này là để tránh việc chúc thọ ở trong nước. Vì vậy tôi yêu cầu các đồng chí cũng không tổ chức chúc thọ”. Ngày 19-5-1965 Bác đi thăm Khúc Phụ, quê hương của Khổng Tử.

Ngày 19-5-1968, Bác xem và bổ sung Bản Di chúc. Sau đó, ngày 20-5-1968 Bác viết bài thơ:

Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm,
Vẫn vững hai vai việc nước nhà.
Kháng chiến dân ta đang thắng lớn,
Tiến bước ta cùng con em ta.

Năm 1969 cũng vẫn vậy. Chiều ngày 18-5, các đồng chí trong Bộ Chính trị và một số đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng vào chúc thọ Bác Hồ ở nhà họp Bộ Chính trị, ngay sau nhà sàn. 10 giờ 30 phút ngày 19-5, Bác tiếp chị Phan Thị Quyên (vợ Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi), chị Nguyễn Thị Châu (Ủy viên BCH Hội Liên hiệp Thanh niên sinh viên giải phóng khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định) đến chúc thọ Bác. 14 giờ 30 phút, Bác lên nhà sàn viết thư khen thiếu niên Hợp tác xã Măng Non (thôn Phú Mẫn, xã Hàm Sơn, huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc) và gửi tặng tỉnh Nghệ An tấm ảnh chân dung của Người. Nhưng có ai biết, đó là lần cuối cùng nhân dân ta được mừng thọ Bác!

“Bác Hồ - Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân, cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam...”. Cuộc đời 79 mùa xuân tươi sáng, Bác đã cống hiến trọn vẹn cho dân, cho nước. Bác vui với niềm vui chung của dân tộc. Bác đau khi nhìn thấy nhân dân lầm than, nước mất, nhà tan… Điều đó đã lý giải vì sao Bác luôn có ý định từ chối việc tổ chức mừng kỷ niệm ngày sinh hay chúc thọ cho mình.

Nhà thơ Tố Hữu trong bài “Theo chân Bác” đã viết: “Như đỉnh non cao tự giấu mình/ Trong rừng xanh lá, ghét hư vinh”. Sự từ chối lễ nghi phiền phức của vị Chủ tịch nước, lãnh tụ tối cao của Ðảng trong những dịp kỷ niệm ngày sinh của mình thể hiện sự khiêm tốn, giản dị mà cao thượng biết bao! Đó là bản chất của người cách mạng chân chính - người ‘‘đầy tớ” thật trung thành của nhân dân. Nhân cách ấy, sự cao thượng ấy càng làm cho hình ảnh Người trở nên cao đẹp, vĩ đại. Tấm lòng và đạo đức cách mạng sáng ngời của Người mãi mãi là tấm gương sáng để các thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo.

LÊ MINH HOÀNG

.
.
.