Thứ Hai, 26/10/2015, 10:23 (GMT+7)
.

Đại biểu Trần Văn Tấn:Góp ý dự thảo Luật Hoạt động giám sát của QH&HĐND

Ngày 21-10, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND). Đại biểu Trần Văn Tấn (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) phát biểu ý kiến đóng góp, nội dung cụ thể như sau:

1/ Về “Bỏ phiếu tín nhiệm”: Đề nghị xem lại quy định tại khoản 3, Điều 19: “… Trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ của người đó có trách nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm người không được Quốc hội tín nhiệm.”, vì:

- Chưa phù hợp và thống nhất với quy định tại Điều 64 (HĐND bỏ phiếu tín nhiệm thì tại khoản 3 quy định:… Trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người đã giới thiệu để HĐND bầu chức vụ đó có trách nhiệm trình HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm người không được HĐND tín nhiệm).

- Điều 21 (Thẩm quyền của Quốc hội trong việc xem xét kết quả giám sát) có quy định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm những người do Quốc hội bầu, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức đối với những người do Quốc hội phê chuẩn.

Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét quy định “Bỏ phiếu tín nhiệm” giữa Quốc hội và HĐND cho thống nhất đối với những người do Quốc hội và HĐND bầu.

2/ Về “Xem xét nghị quyết của HĐND cấp tỉnh có dấu hiệu trái Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên” (Điều 29): Tại khoản 1 quy định: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình hoặc theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội hoặc đại biểu Quốc hội xem xét nghị quyết của HĐND cấp tỉnh có dấu hiệu trái Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên”; nhưng tại điểm a, khoản 2 quy định: “Chủ thể đề nghị quy định tại khoản 1 điều này trình bày đề nghị về bãi bỏ nghị quyết của HĐND cấp tỉnh có dấu hiệu trái Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên” thì quy định này là chưa đủ, chưa chính xác vì thiếu chủ thể kiến nghị. Vì vậy, đề nghị bổ sung từ kiến nghị vào sau từ đề nghị tại điểm a, khoản 2, thể hiện lại như sau: “Chủ thể đề nghị, kiến nghị quy định tại khoản 1 điều này trình bày đề nghị về bãi bỏ nghị quyết của HĐND cấp tỉnh có dấu hiệu trái Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên”.

ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.