Thứ Tư, 06/04/2016, 17:51 (GMT+7)
.

Những quy định về cử tri và quyền bầu cử của công dân

Theo quy định của pháp luật nước ta, tính đến ngày bầu cử, công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên và có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về bầu cử đều được quyền bầu cử.

QUYỀN BẦU CỬ CỦA CỬ TRI

Luật Bầu cử quy định những công dân đủ điều kiện tham gia bầu cử sẽ được UBND xã, phường, thị trấn (gọi tắt là UBND cấp xã) đưa tên vào danh sách cử tri, cấp thẻ cử tri và danh sách cử tri được niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã, nơi công cộng trước ngày bầu cử ít nhất 40 ngày.

Có 5 trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri: Người bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người bị kết án tử hình trong thời gian chờ thi hành án; người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo và người mất năng lực hành vi dân sự.

Tuy nhiên, khi đã có tên trong danh sách cử tri nhưng đến thời điềm bắt đầu bỏ phiếu mà bị tòa án tước quyền bầu cử, phải chấp hành hình phạt tù hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì UBND cấp xã sẽ xóa tên người đó trong danh sách cử tri và thu hồi thẻ cử tri.

Cử tri là người thường trú tại địa phương thì được bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) cả 3 cấp. Riêng một số trường hợp chỉ được bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện:

Người tạm trú tại địa phương chưa đủ 12 tháng; quân nhân Lực lượng vũ trang được ghi tên vào danh sách cử tri nơi tạm trú; công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong thời gian sau khi danh sách cử tri được niêm yết đến trước thời điểm bỏ phiếu 24 giờ nếu có nơi đăng ký thường trú thì đến UBND cấp xã nơi đăng ký thường trú xuất trình hộ chiếu có ghi Quốc tịch Việt Nam để được bổ sung vào danh sách cử tri và được cấp thẻ cử tri; người từ nơi khác chuyển đến tạm trú trước thời điểm bỏ phiếu 24 giờ được bổ sung vào danh sách cử tri nơi tạm trú.

GIẢI QUYẾT TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT

Theo quy định, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri. Những bệnh nhân tâm thần sống tự do trong địa phương nhưng chưa được khám và xác nhận bệnh của cơ quan y tế, nếu gia đình cam kết và chính quyền địa phương xác nhận họ là người tâm thần thì những người này bị coi là mất năng lực hành vi dân sự và không được ghi tên vào danh sách cử tri.

Người bị mất trí là người mất năng lực hành vi dân sự nên không được quyền tham gia bầu cử. Tuy nhiên, việc xác định người mất năng lực hành vi dân sự phải được căn cứ vào quyết định của tòa án hoặc xác nhận của Bệnh viện Tâm thần hay Khoa Tâm thần của bệnh viện đa khoa.

Người bị câm, điếc và không biết chữ vẫn được quyền bầu cử. Bởi vì người bị câm, điếc không thuộc các trường hợp quy định không được ghi tên vào danh sách cử tri, do đó vẫn có quyền tham gia bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp.

Trong trường hợp họ không tự viết được thì có quyền nhờ người khác viết hộ, sau đó tự bỏ phiếu vào thùng phiếu. Riêng người tàn tật không tự bỏ phiếu được thì có quyền bầu cử, sau đó nhờ người khác bỏ phiếu vào thùng phiếu.

THỦY HÀ (lược ghi)

.
.
.