Thứ Bảy, 10/09/2016, 10:01 (GMT+7)
.

Kết quả 10 năm thực hiện NQTW3 về phòng, chống tham nhũng

Qua tổng kết 10 năm thực hiện NQTW 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở tỉnh đã có chuyển biến theo hướng tích cực trong cả nhận thức và hành động.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã quán triệt nghiêm túc những quan điểm của Đảng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, gắn với việc triển khai Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động quần chúng kết hợp với thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm, khắc phục sơ hở, thiếu sót; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Các ngành Tư pháp tích cực điều tra, truy tố, đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng. Một số vụ án tham nhũng xảy ra đã được phát hiện, xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Đơn cử, Ngành Thanh tra đã tổ chức 786 cuộc thanh tra kinh tế, văn hóa, xã hội, phát hiện 464 đơn vị sai phạm về kinh tế với số tiền trên 411 tỷ đồng và trên 400 ngàn m2 đất, thu hồi về ngân sách Nhà nước 41 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đã khởi tố 37 vụ án với 43 bị can, số tiền tham nhũng trên 14 tỷ đồng; thu hồi 3,2 tỷ đồng. Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý và giải quyết 65 vụ án với 76 bị cáo; tài sản bị chiếm đoạt gần 40 tỷ đồng, tài sản thu hồi trên 5,7 tỷ đồng… Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra giải quyết đơn thư tố cáo và đã xử lý kỷ luật 72 đảng viên liên quan đến tham nhũng, tiêu cực.

Tuy vậy, tham nhũng còn xảy ra; hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi; các hành vi tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ vẫn còn xảy ra ở một số lĩnh vực như: Đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, thương mại tài chính,… Tài sản bị tham nhũng, gây thiệt hại đã được phát hiện trên 306 tỷ đồng nhưng kết quả thu hồi và khắc phục thiệt hại chỉ được 41,7 tỷ đồng, chiếm 13,62%.

Trong thời gian tới, để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra các giải pháp cơ bản như sau:

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới, nhận thức sâu sắc đây là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, rất khó khăn, phức tạp.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, tạo sự phối hợp chặt chẽ, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trong đó các cơ quan chức năng đóng vai trò tham mưu, nòng cốt. 

Tập trung tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về những nội dung liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng và các Luật mới được Quốc hội thông qua; gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo phải nêu gương về đạo đức, lối sống và kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Dấy lên trong toàn xã hội thái độ lên án nghiêm khắc đối với hành vi tham nhũng, lãng phí, đề cao ý thức thượng tôn pháp luật, tinh thần trọng danh dự của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức.

Tổ chức triển khai thực hiện “Quy định về cơ chế cung cấp thông tin và cơ chế chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng cho báo chí”. Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, các vi phạm trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng và kết quả xử lý những vi phạm đó.

Phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng và của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Kịp thời khen thưởng, động viên những cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện và đấu tranh với hành vi tham nhũng, lãng phí theo quy định của pháp luật.

Bí thư cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác về phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở đơn vị, cơ quan mình phụ trách. Việc phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng  có ý nghĩa quyết định, vì thế cần nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan trong Khối nội chính ở tất cả các khâu, từ phát hiện, khởi tố, điều tra, bắt giữ, truy tố, xét xử và thi hành án.

Thực hiện nghiêm việc chuyển cơ quan điều tra để xử lý đối với các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, kiên quyết không để xảy ra oan sai, để lọt tội phạm, không có trường hợp ngoại lệ. Tiếp tục cải cách tư pháp, cải cách hành chính, hoàn thiện tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp, xây dựng các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh. 

Chú trọng xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, khắc phục những sơ hở, thiếu sót về quản lý kinh tế - xã hội, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí. Xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống tham nhũng, nhất là kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập; công khai minh bạch các khâu tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ. Xử lý và thay thế kịp thời người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, địa phương mình trực tiếp quản lý. Xây dựng cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn quan hệ “lợi ích nhóm”.

M.T

.
.
.