Thứ Sáu, 21/10/2016, 13:51 (GMT+7)
.

Chuyện rèn tứ đức của phụ nữ hiện đại

Sau 5 năm triển khai thực hiện, Đề án tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2010 -2015 (Đề án 343) do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã khép lại, nhưng sức lan tỏa của nó rất mạnh mẽ. Phụ nữ ngày nay vẫn tiếp tục nỗ lực rèn mình về tứ đức để xứng tầm với thời cuộc.

Ông Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể và cá nhân thực hiện tốt Đề án 343.
Ông Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể và cá nhân thực hiện tốt Đề án 343.

TỨ ĐỨC THỜI HIỆN ĐẠI

Từ bao đời nay, hình ảnh của người phụ nữ luôn gắn liền với những giá trị đạo đức chuẩn mực. Thước đo giá trị luôn luôn có sự biến chuẩn theo thời gian. Trong cuộc sống hiện đại, đòi hỏi giá trị chuẩn mực của phụ nữ Việt Nam phải là “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.

Tự tin ở đây là tin vào bản thân mình. Biểu hiện cụ thể của tự tin là: Tự đánh giá được bản thân; có chí tiến thủ, không ngại khó khăn, thử thách và coi khó khăn là môi trường để rèn luyện; sẵn sàng nhận nhiệm vụ, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm; quyết đoán, chủ động, bình tĩnh xử trí mọi tình huống khó khăn trong cuộc sống; tự lực, tự chủ, thích độc lập; thái độ hợp tác cao, sẵn sàng tôn vinh thành công của người khác; thắng không kiêu, bại không nản, “coi thất bại là mẹ thành công”; mạnh dạn trong giao tiếp, bày tỏ quan điểm, chính kiến của bản thân.

Tự trọng là coi trọng phẩm giá, danh dự của bản thân mình. Biểu hiện của tự trọng là: Tôn trọng pháp luật của Nhà nước, quy tắc ứng xử của tập thể, cộng đồng; tôn trọng chuẩn mực, đạo đức xã hội; coi trọng danh dự bản thân và có lòng tự tôn dân tộc.

Trung hậu là trung thực, trung thành, nhân hậu trong quan hệ với mọi người. Biểu hiện của lòng trung hậu là: Trung thành với Tổ quốc, với nhân dân; thủy chung trong các mối quan hệ; sống nhân ái, vị tha và trung thực, thẳng thắn, cương trực. Trung hậu luôn là phẩm chất đạo đức thể hiện cách sống đẹp của người Việt Nam nói chung và phụ nữ nói riêng. Trong bất cứ thời đại nào, lòng trung hậu vẫn luôn là phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp, đáng tự hào của phụ nữ Việt Nam.

Đảm đang là biết lo toan, sắp xếp để thực hiện được cả công việc gia đình và xã hội. Đức tính đảm đang không phải là người phụ nữ phải cáng đáng hết mọi việc, mà sự đảm đang của người phụ nữ thể hiện: Sắp xếp, phân công công việc hợp lý, thu hút các thành viên tích cực tham gia công việc gia đình; chăm chỉ, sáng tạo trong lao động, tạo thu nhập ổn định đóng góp vào nguồn thu của gia đình; tạo sự gắn kết các thành viên trong gia đình; quan tâm, chăm sóc, nuôi con khỏe, dạy con ngoan; chi tiêu hợp lý, có kế hoạch phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, thực hành tiết kiệm; biết sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, nâng cao trình độ và chăm sóc bản thân.

SỨC LAN TỎA LỚN

Đề án 343 do Hội LHPN là đơn vị chủ trì phối hợp với các thành viên triển khai thực hiện. Sau 5 năm, Hội LHPN đã tổ chức được trên 37.500 cuộc tuyên truyền cho hơn 1,5 triệu lượt hội viên, phụ nữ. Qua tuyên truyền, có hơn 1.000 gương phụ nữ  “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” được nêu gương. Riêng Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng thí điểm tại 4 đơn vị, biên soạn và phát hành tài liệu tuyên truyền đến tất cả các trường học; Sở Thông tin và Truyền thông đã tập huấn cho phóng viên về bình đẳng giới và có gần 600 tin, bài viết về giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ, bình đẳng giới… được đăng tải trên báo, đài địa phương; Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng hàng chục kịch bản sân khấu hóa, tiểu phẩm phục vụ trên địa bàn tỉnh… Với sự triển khai tích cực của các cấp, các ngành, tứ đức của người phụ nữ mới đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực.

Bà Lê Thị Kim Châu, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh cho rằng “công, dung, ngôn, hạnh” vốn là tứ đức truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, tứ đức truyền thống ấy chỉ thể hiện được chuẩn mực của phụ nữ trong gia đình. Hiện nay, vai trò và vị thế của người phụ nữ được nâng lên, phụ nữ có mặt và cống hiến trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Để đáp ứng yêu cầu của thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phụ nữ cần có một chuẩn mực mới để phấn đấu và rèn luyện. Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã đưa ra 4 phẩm chất của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới là: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang. Hệ quy chuẩn của tứ đức giai đoạn mới này có sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, rất phù hợp để phụ nữ phấn đấu.

Với sự thấu hiểu như vậy, bà Kim Châu đã đứng ra vận động thành lập Câu lạc bộ (CLB) Phụ nữ tứ đức tại xã Phú Quý (huyện Cai Lậy), với hơn 30 thành viên. Chị Ngô Thị Kim Anh là thành viên của CLB này cho rằng: “Các thành viên của CLB không phải ai cũng hoàn hảo cả 4 phẩm chất đạo đức của người phụ nữ mới, có thành viên còn hạn chế mặt này, có thành viên còn hạn chế mặt khác, nhưng điều quan trọng là chị em có chung một mong muốn là khắc phục hạn chế để hoàn thiện mình.

Bản thân nhận thấy mình cũng chưa được hoàn thiện, trong đó thiếu tự tin là hạn chế lớn nhất của tôi. Khi tham gia CLB, được chị em chia sẻ, động viên, tôi nhìn ra được điểm mạnh của mình để phát huy và biết đâu là điểm yếu của mình để khắc phục…”.

Tại TP. Mỹ Tho, Đề án tuyên truyền giáo dục phẩm chất phụ nữ được triển khai rất tốt. Tại các khu phố, những tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức phụ nữ mới được chi hội phụ nữ tuyên truyền đến hội viên và phụ nữ ngoài Hội với nhiều hình thức phong phú như: Giao lưu điển hình, hội thi tìm hiểu, diễn tiểu phẩm… Điều đáng ghi nhận là chị em hội viên, phụ nữ rất tâm đắc với những tiêu chuẩn đạo đức của phụ nữ mới.

Chị em phụ nữ đã mạnh mẽ hơn trước những vấn đề của bản thân và xã hội. Từ đó nhiều tấm gương điển hình phụ nữ mới đã được nêu gương cấp thành phố. Đặc biệt, một số chị em đã dám mạnh dạn chia sẻ về tình trạng bản thân bị bạo hành gia đình để được can thiệp, hỗ trợ… Cái hay của tứ đức theo chuẩn mực mới ở chỗ nó là tấm gương để phụ nữ soi vào, từ đó nhận ra đâu là thế mạnh và đâu là điểm yếu của mình để phát huy và hoàn thiện.

Bà Đoàn Thị Thanh Khỏi, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh khẳng định, tứ đức là điều kiện cần thiết để phụ nữ đạt được sự bình đẳng về giới. Bởi vì, khi người phụ nữ đạt được tứ đức thì sẽ được gia đình và xã hội đánh giá cao, tôn trọng. Điều đó có nghĩa, vị trí và vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội được nâng lên. Khi người phụ nữ đạt được tứ đức sẽ góp phần đem lại hạnh phúc, ấm no cho gia đình và sự phồn vinh cho xã hội.

THỦY HÀ

.
.
.