Thứ Hai, 31/10/2016, 10:09 (GMT+7)
.
ĐẠI BIỂU NGUYỄN THANH HẢI, PHÓ TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH TIỀN GIANG:

Đề nghị chỉnh lý, bổ sung 3 điểm vào Luật Tín ngưỡng, tôn giáo

Quốc hội vừa làm việc tại Hội trường để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (gọi tắt là dự thảo Luật).

Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) cơ bản thống nhất với Báo cáo giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua nhiều lần thảo luận, dự thảo Luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình rõ ràng, tiếp thu tối đa và chỉnh lý, cơ bản đã hoàn thiện.

Qua nghiên cứu dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị cần nghiên cứu để xem xét chỉnh lý, bổ sung một số điểm để đảm bảo nội dung quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được cụ thể và khả thi hơn, cụ thể như sau:

Một là, tán thành các nội dung mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh sửa, đã chuyển nhiều nội dung dự thảo trước đây về quy định đăng ký - cấp phép, đề nghị - chấp thuận sang hình thức thông báo, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo…, thể hiện sự tôn trọng của Nhà nước đối với những vấn đề thuộc nội bộ của tổ chức tôn giáo.

Tuy nhiên, nội dung quy định tại khoản 1 của Điều 44, đề nghị bổ sung quy định trong thời gian bao lâu thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không đồng ý với thông báo của tổ chức tôn giáo tổ chức hội nghị thường niên phải có văn bản gửi cho tổ chức tôn giáo đã thông báo; văn bản không chấp nhận phải nêu rõ lý do và những yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước. Tổ chức tôn giáo nhận văn bản của cơ quan quản lý Nhà nước có nghĩa vụ phải thực hiện, nếu không đồng ý có thể khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật, có như vậy mới cụ thể và rõ ràng, đảm bảo sự thống nhất chung trong thực thi Luật.

Hai là, về đăng ký hoạt động tín ngưỡng. Tại các điều của dự thảo Luật như: Điều 12 quy định việc đăng ký hoạt động tín ngưỡng; khoản 2, Điều 44 quy định về hội nghị của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; Điều 45 quy định về đại hội của tổ chức tôn giáo và một số điều khác có quy định thời hạn Ủy ban nhân dân, cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm trả lời bằng văn bản với các đăng ký, đề nghị… các hoạt động này.

Hiện nay, Chính phủ tập trung quyết liệt trong thực hiện và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác cải cách hành chính, nhưng có cấp chính quyền ở một số nơi vẫn còn trì trệ, thường trễ hạn cấp phép dù đã được pháp luật quy định rất cụ thể, gây khó khăn cho các hoạt động của tổ chức tôn giáo theo quy định của pháp luật. Vậy, theo quy định của dự thảo Luật, nếu quá hạn mà Ủy ban nhân dân chưa trả lời thì sao? Để thuận lợi cho các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, đề nghị Luật bổ sung quy định: “quá thời hạn quy định của Luật, Ủy ban nhân dân (hoặc cơ quan quản lý Nhà nước) chưa có văn bản trả lời, thì được coi là đương nhiên chấp nhận”.

Ba là, khoản 1, Điều 33 quy định thông báo việc phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức sắc của các tôn giáo. Tuy nhiên, quy định việc này với các chức sắc của Giáo hội Phật giáo, các tổ chức Tin lành, các Hội thánh Cao Đài nhưng chưa quy định rõ đối với các tổ chức Công giáo; bởi, các tổ chức Công giáo hiện có nhiều tín đồ trên phạm vi cả nước, đề nghị có quy định rõ như các tôn giáo khác đã nêu trên.

Mặt khác, điều này có quy định: “…những phẩm trật tương đương của các tổ chức tôn giáo khác”. Tuy nhiên, dự thảo Luật lại không quy định cụ thể tôn giáo khác là những tôn giáo nào? Phẩm trật nào là tương đương? Ai xác định phẩm trật tương đương?... Tôi đề nghị cần xem xét để bổ sung quy định rõ những nội dung này trong Luật hoặc giao cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết nhằm đảm bảo hiệu quả thực thi Luật khi có hiệu lực thi hành.

ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.