Thứ Tư, 07/06/2017, 20:35 (GMT+7)
.
ĐẠI BIỂU LÊ QUANG TRÍ (ĐOÀN ĐBQH TỈNH TIỀN GIANG):

Góp ý 4 vấn đề vào dự án Luật Chuyển giao công nghệ

Ngày 2-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chuyển giao công nghệ (gọi tắt là dự án Luật). Tham gia phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Lê Quang Trí (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) cơ bản đồng tình với Báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý dự án Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đánh giá cao cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giao công nghệ, cải thiện trình độ công nghệ quốc gia, gia tăng quản lý về ngăn ngừa nhập khẩu vào Việt Nam những công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của quốc gia... và tham gia góp ý 4 vấn đề cụ thể như sau:

Thứ nhất, tại Điều 4, đề nghị bổ sung nội dung ưu tiên chuyển giao công nghệ, thích ứng với biến đổi khí hậu vào khoản 2 nhằm đảm bảo Nhà nước có chính sách ưu tiên với các công nghệ sản xuất giống cây trồng, chịu hạn, kháng mặn... Đề nghị chuyển nội dung tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ quy định tại khoản 6, điều này vào nội dung quy định tại Chương V cho phù hợp, vì nội dung này thuộc về nội dung quản lý Nhà nước được quy định tại Điều 57. Ngoài ra, đề nghị bổ sung một khoản vào cuối của điều này vào Điều 4, với nội dung Chính phủ quy định chi tiết điều này để tạo thuận lợi cho Chính phủ khi ban hành các chính sách về chuyển giao công nghệ cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Thứ hai, về thẩm định công nghệ dự án đầu tư tại Chương II, đề nghị xem xét cụ thể ở quy định của 3 điều luật như sau:

Một là, tại Điều 14 về thẩm định công nghệ của dự án đầu tư, tại điểm b, khoản 2 quy định dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường có sử dụng công nghệ, đề nghị viết lại quy định như sau: “Dự án đầu tư sử dụng công nghệ có nguy cơ tác động xấu đến môi trường” để nội dung quy định được chặt chẽ và rõ ràng hơn.

Hai là, Tại khoản 2 (Điều 19) nội dung thẩm định về công nghệ trong giai đoạn quyết định đầu tư, đề nghị bổ sung một điểm quy định như sau: “Đánh giá tác động ảnh hưởng của công nghệ đến môi trường”, vì ở giai đoạn quyết định, chủ trương đầu tư chỉ mới thẩm định sơ bộ tác động ảnh hưởng của công nghệ đối với môi trường, nên trong giai đoạn quyết định đầu tư phải cần thiết đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng, chi tiết để đảm bảo công nghệ trong các dự án đầu tư không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Ba là, tại Điều 20 về hội đồng tổ chức chuyên gia tư vấn thẩm định công nghệ dự án đầu tư, đề nghị bỏ cụm từ “các thành viên hội đồng phải chịu trách nhiệm về ý kiến của mình” tại khoản 4, vì nội dung này đã được quy định tại khoản 3 của điều này.

Thứ ba, về đăng ký chuyển giao công nghệ tại Điều 31, đề nghị mở rộng đối tượng đăng ký chuyển giao công nghệ bằng cách bỏ cụm từ “có sử dụng ngân sách Nhà nước”, “có sử dụng vốn Nhà nước” tại điểm c, khoản 1, vì 3 lý do sau:

Lý do thứ nhất, Luật Khoa học công nghệ 2013 cho phép các tổ chức khoa học công nghệ tư nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ không sử dụng ngân sách Nhà nước. Và thực tế hiện nay đã có rất nhiều công nghệ được hình thành không sử dụng vốn Nhà nước đã được chuyển giao. Như vậy, để đảm bảo quản lý Nhà nước về chuyển giao công nghệ cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khi đăng ký chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ thì các công nghệ này cần phải được đăng ký chuyển giao công nghệ.

Lý do thứ hai, đối với công nghệ khuyến khích chuyển giao thì không phải qua thẩm định công nghệ theo quy định tại khoản 2, Điều 14. Do đó, để đảm bảo Nhà nước quản lý chặt chẽ về lĩnh vực này, cũng như có cơ sở trong công tác xây dựng quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin thống kê về chuyển giao công nghệ quy định tại khoản 5, Điều 59 đối với trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, đề nghị các công nghệ này cần phải được đăng ký chuyển giao.

Lý do thứ ba, về thủ tục hồ sơ đăng ký chuyển giao công nghệ rất đơn giản, không phức tạp, tại khoản 2, Điều 31 chỉ bao gồm 2 văn bản, đó là văn bản đề nghị đăng ký chuyển giao công nghệ và văn bản hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Từ 3 lý do này, chúng ta có thể thấy rõ việc mở rộng đối tượng đăng ký chuyển giao công nghệ sẽ không làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhưng rất thuận lợi cho quản lý Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ cũng như quản lý một cách chặt chẽ.

Thứ tư, về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Điều 59, đề nghị bổ sung cụm từ “kiểm tra, giám sát” vào khoản 2, điều này để đảm bảo ngăn chặn chủ đầu tư thay đổi thiết kế, thay đổi công nghệ, thiết bị đã được thẩm định trước đó. Như vậy, khoản này đề nghị viết lại như sau: “Tổ chức thẩm định có ý kiến kiểm tra, giám sát về công nghệ của dự án đầu tư theo thẩm quyền”.

ĐĂNG HIẾU (lược ghi)

.
.
.