Thứ Ba, 20/06/2017, 10:13 (GMT+7)
.
ĐẠI BIỂU NGUYỄN KIM TUYẾN (ĐOÀN ĐBQH TỈNH TIỀN GIANG):

Kiến nghị xem xét 3 vấn đề về dự án Luật Quản lý nợ công

Ngày 16-6, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) thống nhất Luật Quản lý nợ công cần được sửa đổi nhằm khắc phục những vướng mắc, sự thiếu đồng bộ... và kiến nghị Quốc hội xem xét 3 vấn đề sau:

 

Thứ nhất, về tính đồng bộ giữa quản lý nợ công với quản lý ngân sách và đầu tư công: Việc huy động vốn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội phải đảm bảo an toàn và bền vững. Vì vậy, luật dự thảo một số điều mang tính đồng bộ hóa giữa luật này với Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công. Cụ thể, ở Điều 11 về chiến lược nợ công, Điều 12 về kế hoạch vay trả nợ công 5 năm, Điều 13 về chương trình quản lý nợ công trung hạn 3 năm và một số nội dung được đồng bộ, còn được lồng ghép trong một số điều quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong quản lý và sử dụng nợ công.
Về mặt lý luận, tuy thống nhất cao mục tiêu, quan điểm về vấn đề đồng bộ trong quản lý nợ công với quản lý tài chính trung hạn và đầu tư công trung hạn, tuy nhiên, thực tiễn thực hiện còn băn khoăn, như Luật Đầu tư công có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015, một trong những điểm mới và cũng là tính ưu việt của Luật Đầu tư công, đó là quy định về kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Dù vậy, thực tế khi thực hiện còn khá lúng túng, cụ thể là tháng 11-2016 Quốc hội mới ban hành được Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Từ tháng 12-2016 đến nay là một khoảng thời gian rất ngắn để chúng ta có thể đánh giá được mức độ ổn định và bền vững của kế hoạch đầu tư công trung hạn. Dự thảo Luật Quản lý nợ công xây dựng kế hoạch nợ trên nền của vấn đề còn nghi ngại về tính bền vững trên nền của kế hoạch đầu tư công trung hạn, e rằng sẽ dẫn đến sự nghi ngại về tính ổn định, tính bền vững của kế hoạch vay và trả nợ công. Như vậy, ý chí rất phù hợp với nhu cầu quản lý nợ công, nhưng thiếu cơ sở thực tiễn và còn khá sớm khi chúng ta quy định cho kế hoạch vay trả nợ 3, 5 năm gắn với kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Thứ hai, một số nội dung chi tiết trong dự thảo luật, đề nghị Quốc hội xem xét:

Một là, tại Điều 3 về giải thích từ ngữ, đề nghị sắp xếp lại thứ tự các từ cần giải thích theo hướng những khái niệm đơn giản đặt lên trước, những khái niệm nào sử dụng từ ngữ đã giải thích thì đặt phía sau, ví dụ như vay là gì thì phải đặt lên trước, khái niệm khoản vay hay người vay...  thì đặt phía sau để có tính logic.

Hai là, đối với giải thích từ “dư nợ” ở khoản 6, đề nghị ghi rõ những chủ thể bên cho vay và bên đi vay, vì đây là 2 chủ thể đối lập nhau, nếu ta lược bỏ như dự thảo thì sẽ gây khó hiểu và thiếu chặt chẽ. Do đó, đề nghị viết lại điểm này là “dư nợ là khoản tiền bên cho vay đã giải ngân nhưng bên cho vay chưa được hoàn trả hoặc bên vay chưa được xóa nợ tại một thời điểm nhất định”.

Ba là, tại khoản 16, đề nghị chỉnh sửa cụm từ “người được bảo lãnh Chính phủ” thành “người được Chính phủ bảo lãnh” cho dễ hiểu.

Bốn là, đề nghị thay tên Điều 4 từ tên  “phân loại nợ” thành “phân loại nợ công” cho phù hợp với tên của luật.

Năm là, tại điểm a, khoản 1, Điều 4, đề nghị bỏ cụm từ “như tín phiếu, trái phiếu, công trái và công cụ nợ khác của Chính phủ”, vì tại khoản 4, Điều 3, cụm từ “công cụ nợ” đã được giải thích.

Sáu là, tại Điều 7, đề nghị thống nhất sử dụng từ “nợ công” thay vì “vốn vay công”.

Thứ ba, thống nhất các điều kiện được vay lại quy định tại Điều 40 và nội dung thẩm định tài chính vay lại tại Điều 42. Tuy nhiên, hầu hết những nội dung này còn mang tính định tính và sự quyết định còn phụ thuộc nhiều vào ý chí của người thẩm định. Do đó, đề nghị bổ sung giao cho Chính phủ quy định cụ thể hơn những điều kiện chi tiết và chỉ tiêu tài chính cụ thể tương ứng với những nhóm đối tượng vay lại nhằm giảm thiểu những rủi ro của khoản vay. Trong đó, đề nghị cần lưu ý đến độ tin cậy thông tin đánh giá xếp hạng doanh nghiệp và lưu ý đến những dự án mà Nhà nước bảo lãnh do những nhiệm vụ chính trị, xã hội, không vì mục tiêu kinh tế, nhằm giúp nợ công được sử dụng đúng mục đích và tăng tính khả thi, tăng tính hiệu quả.

                                                                                                                                     ĐĂNG HIẾU(lược ghi)

.
.
.