Thứ Sáu, 22/09/2017, 21:59 (GMT+7)
.
KỶ NIỆM 72 NĂM NGÀY NAM BỘ KHÁNG CHIẾN (23-9-1945 – 23-9-2017)

Cả nước đã sát cánh cùng Nam bộ trong những ngày kháng chiến...

Tại Nam bộ, tình hình đã trở nên căng thẳng từ đầu tháng Chín.

Mồng 2 tháng Chín, hơn một triệu đồng bào Sài Gòn, Chợ Lớn rước cờ và giương cao những biểu ngữ chào mừng Ngày Độc lập. Bọn khiêu khích người Pháp đã bắn vào đoàn biểu tình. 4 ngày sau, phái bộ Anh bắt đầu đến Sài Gòn. Chúng ra lệnh cho bọn Nhật làm nhiệm vụ cảnh sát trong thành phố và đòi các lực lượng vũ trang của ta phải nộp vũ khí. Ngay từ ngày đầu, quân Anh đã lộ rõ bộ mặt can thiệp. Những đơn vị quân Anh, Ấn đầu tiên thuộc sư đoàn 20, dưới quyền chỉ huy của viên tướng Anh Gơ-ra-xây, lục đục kéo đến bằng máy bay…

Ngôi nhà tại Bàu Nga (tại Kinh Chà, ấp Hậu Quới, Thiên Hộ, huyện Cái Bè), nơi diễn ra cuộc họp  Xứ ủy Nam bộ ngày 25-10-1945.
Ngôi nhà tại Bàu Nga (tại Kinh Chà, ấp Hậu Quới, Thiên Hộ, huyện Cái Bè), nơi diễn ra cuộc họp Xứ ủy Nam bộ ngày 25-10-1945.

Sáng sớm ngày 23-9, bọn lính Pháp của trung đoàn 11 cùng một đơn vị lê dương mới từ Pháp sang, được quân Anh, quân Nhật yểm trợ, đổ xô ra các ngả đường. Chúng đánh chiếm các đồn cảnh sát của ta và bắn giết đồng bào. Bọn quan cai trị cũ và những kiều dân Pháp được trang bị vũ khí. Những tên lính lê dương ở thuộc địa và những tên thực dân Pháp trước đây mấy tháng ngoan ngoãn đầu hàng quân Nhật, đã tỏ ra vô cùng dã man trong việc tàn sát, ngược đãi những người dân tay không.

Cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược đã bùng nổ trên chiến trường Nam bộ. Đồng bào Nam bộ vừa giành được chính quyền chưa tròn một tháng, đã anh dũng đứng lên chống kẻ thù. Đó là những người dân đầu tiên của đất nước tự do đã đem xương máu thực hiện những lời thề trong Ngày Độc lập. Cuộc chiến đấu thần thánh của nhân dân miền Nam kéo dài một phần tư thế kỷ đã  bắt đầu từ đó.

Chiều ngày 23-9, nhân dân Sài Gòn triệt để tổng đình công, bất hợp tác với giặc Pháp. Các công sở, hãng buôn, nhà máy đều đóng cửa. Chợ búa không họp. Xe cộ ngừng chạy. Chướng ngại vật mọc lên khắp nơi. Trong không khí căm thù sôi sục, các chiến sĩ tự vệ và đồng bào Sài Gòn với mọi vũ khí có trong tay, gậy tầm vông, súng khai hậu, súng bắn chim, lập tức chiếm các vị trí chiến đấu, kiên quyết đánh trả bọn xâm lược.

Từ ngày 24 trở đi, một loạt nhà máy, kho tàng của địch ở Sài Gòn bị đánh phá. Điện, nước bị cắt. Các đội tự vệ, xung phong công đoàn đột nhập sân bay Tân Sơn Nhất, đốt cháy tàu Pháp vừa cập bến, phá khám lớn Sài Gòn, giải thoát cho đồng bào bị giặc giam giữ.

Tại Hà Nội, cả ngày 25-9 cho đến thâu đêm, Bác và Thường vụ đã theo dõi từng giờ tình hình Nam bộ, nhận được những báo cáo đầu tiên và ra những chỉ thị kháng chiến đầu tiên cho Đảng bộ và đồng bào Nam bộ.

Ngày 26-9, đứng trên vị trí chiến đấu của mình giữa thành phố, quân và dân Sài Gòn đã nghe những lời của Hồ Chủ tịch được Đài Tiếng nói Việt Nam từ Thủ đô Hà Nội truyền đi:

“Tôi tin và đồng bào cả nước đều tin vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ. … Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ!

Tôi chắc và đồng bào Nam bộ cũng chắc rằng Chính phủ và đồng bào toàn quốc sẽ hết sức ủng hộ những chiến sĩ và nhân dân đương hy sinh đấu tranh để giữ vững nền độc lập của nước nhà.

… Chúng ta nhất định thắng lợi, vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của toàn dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính nghĩa…”.

Cuộc chiến đấu để bảo vệ thành phố Sài Gòn đã mang một ý nghĩa mới. Không bao lâu, một khẩu hiệu được nêu lên: “Chiến đấu để bảo vệ thành phố Hồ Chí Minh” và rất nhanh chóng trở thành quyết tâm, thành hành động của mỗi người. Chính từ tấm lòng, từ hành động của các chiến sĩ, của đồng bào tại mặt trận Sài Gòn - Chợ Lớn mà thành phố bắt đầu mang một tên mới vinh quang: Thành phố Hồ Chí Minh.
… Trung ương quyết định tăng cường lực lượng vào Nam bộ để cùng quân và dân Nam bộ chiến đấu, giành những thắng lợi đầu tiên cho cuộc kháng chiến chống xâm lược. Các đội quân Nam tiến tổ chức nhanh chóng, nhiều đơn vị quân giải phóng cùng với những đồng chí chỉ huy ưu tú nhận lệnh lên đường. Nhiều đoàn cán bộ cũng được tăng cường cho Nam bộ. Chủ trương của Đảng là triệt để áp dụng chiến tranh du kích, làm thất bại bước đầu âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của kẻ thù.

Đi đôi với việc tăng cường lực lượng cho Nam bộ là việc phát động một phong trào ủng hộ kháng chiến Nam bộ sôi nổi trên cả nước, tích cực chuẩn bị đề phòng kẻ thù mở rộng chiến tranh. Cả nước hướng về Sài Gòn, sục sôi ý chí chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc.

Trong những ngày cuối tháng Chín, tại Hà Nội, trước những loa phóng thanh, lúc nào cũng đông nghịt đồng bào đón đợi từng tin tức của Nam bộ. Thanh niên nô nức tòng quân để được vào Nam chiến đấu tiêu diệt kẻ thù. Có những gia đình, hai cha con cùng một lúc viết đơn xin vào bộ đội. Có những nhà sư cũng cởi bỏ áo tu, đòi được đi giết giặc. Lực lượng Quân giải phóng phát triển rất nhanh.

Từ các tỉnh miền duyên hải đồng bằng Bắc bộ đến các tỉnh miền núi thuộc căn cứ địa Việt Bắc, từ Hà Nội, Thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa thành lập đến Huế, kinh đô cũ của nhà Nguyễn, các chiến sĩ sôi nổi ra đi. Riêng tại miền Bắc, nhiều chi đội Quân giải phóng cùng một lúc lên đường.
Thắng lợi mới của cách mạng đã làm cho những cuộc ra quân Nam tiến lần này rất khác trước. Không phải là những đội quân áo vải, chân đất được lệnh tiến về phía Nam ngày Tổng khởi nghĩa. Chính quyền mới và nhân dân đã chăm sóc chu đáo cho những người con hôm nay lên đường ra trận. Những vũ khí tốt nhất của chúng ta lúc bấy giờ. Quân trang mới. Mũ ca lô rực rỡ sao vàng. Áo trấn thủ. Giày da. Biển người đưa tiễn tràn ngập các sân ga. Đồng bào miền Bắc, miền Trung cống hiến những giọt máu của mình cho miền Nam, gửi gắm vào những người con ra đi nghĩa tình ruột thịt.

Cuộc Nam tiến vì miền Nam của cả dân tộc đã bắt đầu. Những chuyến tàu tốc hành chạy ngày đêm không nghỉ. Những chi đội Quân giải phóng Nam tiến đầu tiên đã đến kịp thời. Họ được giao nhiệm vụ giữ mặt trận đông bắc Sài Gòn. Cả đất nước đã sát cánh với đồng bào Sài Gòn, đồng bào Nam Bộ trong những ngày kháng chiến đầu tiên của dân tộc.

Với sự trợ lực của quân Anh, Ấn và quân Nhật, bọn thực dân Pháp dự tính bình định Nam bộ trong 3 tuần. Quân và dân Sài Gòn mặc dù không có thời gian chuẩn bị, được sự giúp đỡ của đồng bào các tỉnh Nam bộ và sự chi viện của cả nước đã anh dũng chiến đấu, kìm chặt kẻ thù suốt 1 tháng trong thành phố, gây cho chúng những tổn thất nặng nề.

Ngày 25-10, Hội nghị toàn xứ Đảng bộ Nam kỳ họp tại một địa điểm thuộc tỉnh Mỹ Tho. Bác Tôn, anh Ba (đồng chí Lê Duẩn) và một số đồng chí vừa thoát khỏi nhà ngục Côn Đảo trở về đã có mặt. Đây là cuộc hội nghị lớn của Đảng bộ Nam bộ. Anh Hoàng Quốc Việt được Trung ương và Tổng bộ Việt Nam cử vào Nam từ trung tuần tháng Tám đã dự hội nghị. Hội nghị đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng để lãnh đạo đồng bào Nam bộ đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống xâm lược và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các lực lượng vũ trang…

HỒNG LÊ

(Lược trích hồi ký: Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Những năm tháng không thể nào quên)
 

.
.
.