Thứ Sáu, 29/12/2017, 17:42 (GMT+7)
.

Những tờ báo tiền thân của Báo Ấp Bắc

Sau Chiến thắng Ấp Bắc (ngày 2-1-1963), không lâu sau đó, Tỉnh ủy Mỹ Tho chính thức đặt (đổi) tên tờ báo Đảng của tỉnh là Báo Ấp Bắc. Xin điểm lại các tờ báo tiền thân mà Báo Ấp Bắc tiếp nối.

Đầu tiên, Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã cho ra đời tờ báo đầu tiên của tỉnh là Lao Nông, in bằng xu xoa, khổ giấy nhỏ, phát hành bí mật. Báo Lao Nông đã trở thành phương tiện tuyên truyền hữu hiệu, được quần chúng tìm và chuyền nhau đọc, góp phần to lớn vào việc tuyên truyền, vận động cách mạng ở địa phương. Tuy hình thức tờ báo còn đơn giản, số lượng ít, nhưng đây là viên gạch đầu tiên xây dựng nên nền báo chí cách mạng Tiền Giang.

Tờ Thông tin Mỹ Tho là tờ báo cuối cùng đổi tên thành Báo Ấp Bắc.
Tờ Thông tin Mỹ Tho là tờ báo cuối cùng đổi tên thành Báo Ấp Bắc.

Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Trong thời kỳ 1930 - 1931, truyền đơn bươm bướm là hình thức sơ khai của báo chí, phù hợp với hoàn cảnh hoạt động bí mật, thiếu thốn điều kiện in ấn, kỹ thuật còn thô sơ. Trong điều kiện đó, Đảng bộ Mỹ Tho đã vượt qua khó khăn trong hoạt động bí mật, xuất bản tờ Dân cày, là công cụ đắc lực trong việc tuyên truyền giác ngộ quần chúng, hướng dẫn các chi bộ và đảng viên lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Trong thời kỳ này, Chi bộ xã Đạo Thạnh cho in tờ Giải phóng, ra hằng tháng, hình thức đơn sơ, in bằng xu xoa, khổ nhỏ, số lượng ít.

Cuối năm 1932, Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Mỹ Tho được khôi phục và cho xuất bản tờ Nông dân - là cơ quan tuyên truyền và tập hợp lực lượng của Đảng bộ. Tháng 10-1932, một số đồng chí trong Tỉnh ủy lâm thời bị địch bắt, tờ Nông dân ra được 2 số thì bị đình bản.

Giữa năm 1933, Tỉnh ủy lâm thời được củng cố, do đồng chí Thái Văn Đấu làm Bí thư. Tỉnh ủy cho ra đời Báo Phấn Đấu để tuyên truyền, giáo dục đường lối, chủ trương đấu tranh của Đảng bộ trong nhân dân.

Năm 1938, tờ Đông Phương tạp chí của Đảng được xuất bản, tòa soạn đặt tại số 21, phường Galien (nay là đường Trưng Trắc, TP. Mỹ Tho). Đây là tờ báo công khai, phát hành rộng rãi. Thực tế, đây là tờ báo đại diện công khai của Đảng, gắn Đảng với quần chúng, nhằm tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối, chủ trương của Đảng…

Chuẩn bị cho cuộc Nam kỳ khởi nghĩa năm 1940, Xứ ủy Nam kỳ nhận thấy sự cần thiết phải có tờ báo để tuyên truyền trong Đảng và quần chúng. Báo Tiến Lên - cơ quan đấu tranh của Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương ra đời, được phát hành rộng rãi, kịp thời phổ biến chủ trương của Đảng trong tình hình mới.

Khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra ngày23-11-1940, ở Mỹ Tho, 56 xã giành quyền làm chủ, chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho được thành lập, nhưng sau đó bị địch đàn áp dã man, phong trào cách mạng tạm thời lắng xuống. Sau đó, Tỉnh ủy lâm thời Mỹ Tho được khôi phục. Xứ ủy lâm thời hoạt động chủ yếu ở Mỹ Tho và cho ra đời tờ báo Tiền Phong, để tuyên truyền tập hợp lực lượng, khôi phục phong trào. Cũng trong lúc này, do không bắt được liên lạc nên một số đồng chí đã lập Xứ ủy ở Xoài Hột, Châu Thành và cho ra tờ Giải Phóng. 2 tờ Giải phóng và Tiền Phong đã góp phần tập hợp lực lượng, khôi phục phong trào cách mạng ở Mỹ Tho và các tỉnh Nam bộ sau cuộc đàn áp dã man của địch trong khởi nghĩa Nam kỳ, tạo điều kiện thuận lợi cho Đảng chuẩn bị lực lượng, tập hợp quần chúng làm cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám. Ngày 24-8-1945, cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám đã nổ ra và thắng lợi ở tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công.

Cách mạng Tháng Tám thành công, tờ báo Cứu quốc của Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Mỹ Tho được xuất bản, in bằng chữ chì tại thị xã Mỹ Tho. Đây là tờ báo đầu tiên của tỉnh in theo công nghệ hiện đại thời bấy giờ, được phát hành rộng rãi trong hoàn cảnh đất nước được tự do, độc lập, góp phần quan trọng vào việc hướng dẫn và phổ biến mọi chủ trương, chính sách của Đảng, chính quyền và Mặt trận Việt Minh đến mọi tầng lớp nhân dân từ thành thị đến nông thôn.

Tháng 4-1947, để mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mở rộng hơn nữa Mặt trận Dân tộc thống nhất trong Mặt trận Việt Minh, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam tỉnh Mỹ Tho, Gò Công được thành lập. Tờ báo Chiến đấu - cơ quan  đấu tranh của Mặt trận Việt Minh tỉnh Mỹ Tho được đổi tên là Liên Việt - cơ quan đấu tranh của Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam tỉnh Mỹ Tho.

Đầu năm 1948, tờ Thông tin Mỹ Tho đã được xuất bản 3 ngày/số, cơ quan đóng tại xã Thạnh Phú, huyện Cai Lậy. Lúc này ta đã có các xưởng giấy để phục vụ cho công tác in báo. Ty Thông tin Mỹ Tho cũng đã cho xuất bản tờ báo Thông tin Mỹ Tho nhằm kịp thời cung cấp tin tức mọi mặt cho các ngành thực hiện công tác vận động quần chúng. Đầu năm 1951, tỉnh Mỹ Tho mới được thành lập (thường gọi là Mỹ - Tân - Gò) trực thuộc Phân liên khu miền Đông. Lúc này, lực lượng báo chí đã được tăng cường, cơ sở vật chất được cải thiện, bộ phận in đã được trang bị thêm máy in Pêđan, đồng chí Nguyễn Văn Minh, Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên truyền - Huấn học được phân công làm Chủ nhiệm báo, trụ sở được dời về kinh Dương Văn Dương. Báo Liên Việt và Thông tin Mỹ Tho đã qua hệ thống giao liên của các lực lượng vũ trang, các đại biểu đi dự hội nghị, lực lượng hợp pháp của các tổ chức tôn giáo tỏa đi khắp nơi, từ vùng tạm chiếm đến các vùng căn cứ kháng chiến, kịp thời phổ biến mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Mặt trận…

Sau Hiệp định Giơnevơ, Mỹ - Diệm ra sức phá hoại hiệp định, đàn áp trắng trợn những người kháng chiến. Trước tình hình trên, năm 1958, Tỉnh ủy quyết định cử đồng chí Huỳnh Văn Niềm (Ba Niềm) phụ trách tờ báo, lấy tên là Tranh đấu, nhằm mục đích tố cáo tội ác của Mỹ - Diệm, khẳng định sự tồn tại của Đảng, khơi dậy, giữ vững niềm tin của cán bộ, quần chúng đối với Đảng. Do hoàn cảnh kháng chiến cực kỳ khó khăn, mỗi số báo chỉ in hơn chục bản để gửi cho mỗi huyện một bản.

Cuối năm 1958, Tỉnh ủy giao cho đồng chí Năm Bi tiến hành ra tờ Thông tin, in bằng xu xoa, 4 trang, khổ 20 cm x 30 cm. Mỗi số báo ra khoảng 60 đến 80 tờ. Báo đã nêu được những gương dũng cảm, giữ vững khí tiết của người đảng viên Đảng Cộng sản, có tác dụng giáo dục tư tưởng, nâng cao ý chí chiến đấu, giữ vững lập trường trước mọi gian khổ, hy sinh của cán bộ, đảng viên. Sau Đồng khởi năm 1960, báo lấy tên là Vùng lên, sau lại lấy tên là Tranh đấu.

Tờ Giải phóng - cơ quan tranh đấu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Định Tường, số 1, ra ngày 15-1-1961, khổ 22 cm x 30 cm, 4 trang, in chữ chì, phát hành 30.000 tờ. Trên trang nhất báo Giải phóng in đậm tít lớn: Đồng bào Định Tường nhiệt liệt hoan nghênh Bản tuyên ngôn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, công bố ngày 20-12-1960. Tờ Giải phóng ra được vài số thì đổi tên thành Giải Phóng xã - cơ quan thông tin của Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Mỹ Tho, 4 trang, khổ 21cm x 32 cm, đặc biệt số báo Xuân Giải phóng Nhâm Dần 1962 ra 12 trang, in chữ chì, nội dung phong phú, có nhiều bài bình luận, phóng sự hấp dẫn và hình ảnh đẹp. Tờ Tin Tức (tỉnh Mỹ Tho), số ra ngày 7-10-1961, khổ 21 cm x 27 cm, in chữ chì, phát hành 2.000 tờ. Các số sau khổ 21 cm x 32 cm, 4 trang, phát hành 1.500 bản, mỗi tuần ra 1 số. Tờ Thông tin Mỹ Tho, ra số cuối năm 1961, khổ 21 cm x 32 cm, 4 trang, mỗi số phát hành 2.000 tờ. Nội dung thông tin các tờ báo nói trên khá phong phú, phần lớn phản ánh sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, đưa tin chiến thắng, tin xây dựng và bảo vệ vùng giải phóng…

Sau Chiến thắng Ấp Bắc (ngày 2-1-1963), đồng chí Lê Thái Hiệp (Bảy Hiệp), Phó Bí thư Tỉnh ủy, phụ trách Tuyên huấn - Tổ chức và đồng chí Hồ Văn Thạnh (Tám Thạnh), Trưởng Tiểu ban Thông tấn - Báo chí của Ban Tuyên huấn nêu ý kiến về việc lấy tên Ấp Bắc đặt tên cho báo; tuy nhiên Tỉnh ủy chưa có ý kiến. Sau đó không lâu, đồng chí Hồ Văn Thạnh tiếp tục đề xuất với đồng chí Huỳnh Văn Niềm về việc đặt (đổi) tên thành Báo Ấp Bắc. Tháng 3-1963, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chấp thuận ý kiến đề xuất của đồng chí Hồ Văn Thạnh về việc đổi tên tờ Thông tin Mỹ Tho thành Báo Ấp Bắc, trực thuộc Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho. Từ đó đến nay tròn 55 năm Báo Đảng tỉnh Tiền Giang mang tên Ấp Bắc.

HỒNG LÊ

.
.
.