Thứ Hai, 02/07/2018, 10:46 (GMT+7)
.

Những điều cần biết về dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt

Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là dự án Luật), Báo Ấp Bắc giới thiệu về những quan điểm, chủ trương, quá trình xây dựng dự án Luật; quá trình thảo luận, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật; những nội dung cơ bản của dự án Luật; một số vấn đề liên quan đến nội dung của dự án Luật được cử tri quan tâm...

Bài 1: Quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và quá trình xây dựng dự án Luật

Quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Việc nghiên cứu, xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để tạo cực tăng trưởng, thử nghiệm đổi mới về kinh tế, quản lý, tư pháp là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đã được xác định trong văn kiện nhiều kỳ đại hội, các nghị quyết của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng, các Kết luận của Bộ Chính trị và đã được thể chế hóa trong Hiến pháp 1992, Hiến pháp 2013 và nhiều đạo luật liên quan, mới đây nhất là Luật Quốc phòng.

Cụ thể, đối với các văn kiện Đại hội Đảng: Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X thông qua đã nêu rõ: “Phát triển một số khu kinh tế mở và đặc khu kinh tế, nâng cao hiệu quả của các khu công nghiệp, khu chế xuất”. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 được Đại hội XI thông qua năm 2011 yêu cầu: “... Lựa chọn một số địa bàn có lợi thế vượt trội, nhất là ở ven biển, để xây dựng một số khu kinh tế làm đầu tàu phát triển...”.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Xây dựng một số đặc khu kinh tế để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá”; “Lựa chọn một số khu có lợi thế đặc biệt để xây dựng đặc khu kinh tế với thể chế có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế”.

Các nghị quyết của Trung ương gồm: Nghị quyết 04 của Hội nghị Trung ương 4 khóa VIII (tháng 12-1997) xác định: “Nghiên cứu xây dựng thí điểm một vài đặc khu kinh tế, khu mậu dịch tự do ở những địa bàn ven biển có đủ điều kiện”. Kết luận 74 ngày 17-10-2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI ghi rõ: “Sớm xây dựng, phê duyệt, triển khai thực hiện một số đề án thành lập khu hành chính -kinh tế đặc biệt”.

Nghị quyết 05 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII (tháng 11-2016) yêu cầu: “Sớm triển khai xây dựng một số khu hành chính - kinh tế đặc biệt”. Nghị quyết 11 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII (tháng 6-2017) nêu rõ: “Xây dựng một số đơn vị hành chính -kinh tế đặc biệt với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị ”…

Quá trình xây dựng dự án Luật

Dự án Luật được Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, chuẩn bị từ giữa năm 2013 sau khi được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII theo Nghị quyết 45 ngày 18-6-2013 của Quốc hội.

Thực hiện Kết luận 21 ngày 22-3-2017 của Bộ Chính trị về thành lập 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã khẩn trương hoàn chỉnh dự án Luật để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2017).

Dự án Luật được xây dựng theo định hướng góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) với đặc điểm là thực hiện các chính sách kinh tế đặc thù, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, với mục tiêu lấy mô hình phát triển kinh tế bền vững, đan xen lợi ích, góp phần giữ vững độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ; với các biện pháp chủ yếu xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh, minh bạch, lành mạnh; áp dụng khoa học công nghệ cao, khuyến khích đầu tư tư nhân; phương pháp quản lý hiện đại, khoa học; cắt giảm thuế phù hợp, đủ sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Trong quá trình xây dựng dự án Luật, Chính phủ đã thực hiện: Tổng kết, đánh giá hoạt động và tổng hợp chính sách hiện đang áp dụng đối với các mô hình khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao ở nước ta trong 25 năm qua; nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế về các mô hình đặc khu kinh tế (ĐKKT) của 13 quốc gia, vùng lãnh thổ; khảo sát, đánh giá tiềm năng, lợi thế và nghiên cứu đề xuất chính sách đặc thù của từng đặc khu; tổ chức lấy ý kiến góp ý của 26 cơ quan, tổ chức có liên quan, tham vấn ý kiến của các tổ chức tư vấn quốc tế có uy tín và lấy ý kiến nhân dân trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ, Quốc hội; tổ chức nghiên cứu, đánh giá tác động của các cơ chế, chính sách quy định tại Luật về mặt kinh tế, xã hội, bình đẳng giới, thủ tục hành chính và hệ thống pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng ban.

THU HOÀI (tổng hợp)

(Còn tiếp)

.
.
.