Thứ Sáu, 07/09/2018, 08:26 (GMT+7)
.

Phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu

Sinh thời, Bác Hồ thường dùng khái niệm “người phụ trách”, “thủ trưởng”, có nghĩa là người nhận gánh vác, chịu trách nhiệm về một nhiệm vụ, công tác nào đó, mà hiện nay chúng ta hiểu là người đứng đầu. Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi việc, cán bộ tốt thì công việc thành công, cán bộ kém thì công việc thất bại”.

Bác Hồ từng chỉ rõ, cán bộ là gốc của mọi công việc. Người phụ trách, thủ trưởng lại càng là “gốc” quyết định sự bền vững của đơn vị, địa phương, đoàn thể cụ thể. Những năm gần đây, trong các văn bản của Đảng và Nhà nước xuất hiện khái niệm và nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm, những phẩm chất cần có của người đứng đầu. Theo đó, người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị là người lãnh đạo, quản lý, chịu trách nhiệm cao nhất của tổ chức, cơ quan, đơn vị đó.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI (tháng 1-2012) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” coi việc xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu là một vấn đề cấp bách của công tác xây dựng Đảng hiện nay. Nghị quyết đã xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị.

Theo Nghị quyết, xác định trách nhiệm của người đứng đầu thể hiện ở: Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; ở tính tiền phong gương mẫu; ở tính dân chủ, tinh thần tập thể trong công tác và văn hóa ứng xử các mối quan hệ của người lãnh đạo; ở trình độ, năng lực, phẩm chất, phong cách của người lãnh đạo.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng (tháng 10-2016) đề ra quy định cụ thể: Hằng năm, người đứng đầu có cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị; đề cao hơn trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu trong mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, vừa phải tôn trọng nguyên tắc tập thể, vừa phải phát huy vai trò cá nhân người đứng đầu.

Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhấn mạnh: Xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định, không đạt mục tiêu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.

Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ nhấn mạnh đến việc xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; trong việc lựa chọn, giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để thực hiện quy trình bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình… và phải chịu trách nhiệm về việc giới thiệu của mình. Nghị quyết cũng đã giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch, miễn nhiệm đối với cấp trưởng cấp dưới trực tiếp và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.


Người đứng đầu ví như là đầu máy của một đoàn tàu, đầu máy mạnh thì cả đoàn tàu mới lao nhanh về đích, không trật đường rầy, không chậm giờ. Hệ thống chính trị ở nước ta có rất nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị nhưng người đứng đầu của các tổ chức, cơ quan, đơn vị đó là con số ít nên dễ lãnh đạo, quản lý, kiểm soát. Nếu người đứng đầu nào cũng phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thì cả hệ thống chính trị sẽ được xây dựng trong sạch, vững mạnh.

Dân gian ta có câu nói rất hay: Mũi dạy thì lái chịu đòn, hay binh pháp xưa có câu: Quân thua chém tướng, rất đáng để người đứng đầu và cấp trên của người đứng đầu suy ngẫm theo hướng vai trò, quyền hạn của người đứng đầu ngày càng được quy định rõ, chặt chẽ và nâng cao thì phải đi đôi với trách nhiệm ngày càng nặng nề.

NHƯ NGỌC

.
.
.