Thứ Bảy, 06/10/2018, 09:52 (GMT+7)
.

Đỗ Mười - Tổng Bí thư của đổi mới

Tổng Bí thư Đỗ Mười là một con người đặc biệt, đảm nhiệm vị trí lãnh đạo cao nhất Đảng Cộng sản Việt Nam vào một thời kỳ đặc biệt.

Thời kỳ đất nước buộc phải giải quyết vấn đề “đổi mới hay tiếp tục tụt hậu”.Từng trải qua nhiều cương vị, chỉ huy trưởng nhiều lĩnh vực, là một nhà chính trị bản lĩnh, có chất “thép”. Nhưng những gì người ta nhớ nhất về ông là ở vị trí Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN giai đoạn 1991 - 1997.

a
Nền móng đổi mới dưới thời Tổng Bí thư Đỗ Mười giúp Việt Nam tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. (Ảnh: AFP)

Tầm nhìn chiến lược

Chủ trương đổi mới, chuyển từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng XHCN bắt đầu đẩy mạnh ở đại hội Đảng lần thứ VI (1986). Nhưng mãi đến đại hội lần thứ VII (1991) hình hài của đổi mới thật sự rõ ràng.
Tổng Bí thư Đỗ Mười lên nắm quyền cũng là lúc Đảng ra một văn bản tối quan trọng, đó là: “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”. Đến nay, sau gần 30 năm thực hiện, Cương lĩnh 1991 vẫn cho thấy tầm nhìn chiến lược rất dài.

Trước năm 1990, Việt Nam rơi vào khó khăn toàn diện. Thời kỳ này siêu lạm phát hoành hành. Suốt trong thời kỳ 1976 - 1985 chỉ số giá bán lẻ hàng hóa năm sau so năm trước luôn tăng ở mức hai con số và dao động ở mức 19 - 92%. Năm 1986, lạm phát đạt đỉnh điểm với tốc độ tăng giá 774,7%. Đời sống nhân dân hết sức khó khăn thiếu thốn.

Yêu cầu phải đổi mới, bắt đầu từ tư duy. Dĩ nhiên, đó là một quá trình khó khăn vất vả, mở cửa bang giao đồng nghĩa với việc chấp nhận cựu thù là đối tác, đập bỏ quan niệm cũ kỹ về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội để dung nạp cái mới. Chấp nhận cái mới trong thời điểm đó không hề đơn giản. Với cương vị Tổng Bí thư - Ông đã định hình đúng con đường phải đi.

Ông đã nhận ra rằng: “Trong thời đại hiện tại, không có quốc gia - bất kể mức độ phát triển cao thế nào có thể đóng cửa đối với thế giới. Với quốc gia có điểm khởi đầu rất nghèo nàn như Việt Nam, điều rất quan trọng là phải nỗ lực để tiếp cận được các nguồn lực bên ngoài”.

Thành quả dài hạn

Thành quả đầu tiên của đổi mới là đảm bảo an ninh lương thực - một trong những vấn đề rất quan trọng của một đất nước vừa thoát ra khỏi chiến tranh. Thời gian sau đó, Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu lúa gạo.

Những năm đầu thập niên 90 là khoảng thời gian phát triển thành công của nước ta, gắn chặt với nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng Bí thư Đỗ Mười và vị Thủ tướng lỗi lạc Phạm Văn Đồng. Bước chuyển từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng XHCN đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo quốc gia.
Giai đoạn 1991 - 2000, kinh tế Việt Nam tăng trưởng bình quân 7,6%/năm. Có những năm kỷ lục như 1995 (9,54%) và 1996 (9,34%). Tiền đề kinh tế tạo cú hích bứt ra khỏi cơ chế quan liêu bao cấp và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Giai đoạn 1993-1997 là thời kỳ kinh tế Việt Nam kiềm chế thành công lạm phát đồng thời lại tăng trưởng nhanh chóng. Thành quả này giúp Việt Nam “cách ly” với cơn khủng hoảng tài chính tiền tệ hoành hành khắp Châu Á từ tháng 7 năm 1997.

Nền móng đổi mới dưới thời Tổng Bí thư Đỗ Mười giúp Việt Nam tích cực hội nhập kinh tế những năm sau đó, mà đỉnh cao là việc ký Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ năm 2000 và hiệp định gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2006 của Việt Nam.

Những đổi mới về đường lối lập tức phát huy trong lĩnh vực kinh tế, và lan tỏa khắp các lĩnh vực khác. Dưới thời Tổng Bí thư Đỗ Mười, Việt Nam đã được dự báo sẽ trở thành “con hổ” mới trong kinh tế.
Thời thế tạo anh hùng, nhưng không chỉ có thế, mà còn là anh hùng làm xoay chuyển thời cuộc. Nếu những năm 90 Việt Nam không gấp rút chuyển mình thì phải mất nhiều chục năm nữa mới đạt được kết quả như hiện tại.

Với Tổng Bí thư Đỗ Mười, dường như thời cuộc đã định đoạt số mệnh chính trị của ông. Một con người cương quyết, bản lĩnh được đặt vào tình huống phải dũng cảm chọn lựa. Ông đã chọn lựa đúng.

(Theo enternews.vn)

 

.
.
.