Thứ Năm, 23/05/2019, 15:51 (GMT+7)
.
Đại biểu Tạ Minh Tâm – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang:

Đóng góp ý kiến với dự án Luật Thi hành án hình sự

(ABO) Chiều 23-5, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

 

Phát biểu ý kiến thảo luận, Đại biểu Tạ Minh Tâm – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cơ bản thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Thi hành án hình sự (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời, đóng góp một số ý kiến nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, cụ thể là:

  • Một là về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã trong thi hành án (Điều 19): Nội dung Điều này quy định “Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về giám sát, giáo dục người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân, người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được hưởng án  treo và quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; kiểm soát, giáo dục người chấp hành án phạt quản chế. Công an cấp xã tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện.”

Để cụ thể hóa Điều này, dự thảo Luật xác định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã ở một số điều Luật như: Điều 61, Điều 63, Điều 86, Điều 88, Điều 98, Điều 101, Điều 108, Điều 113...

Bên cạnh đó, sau khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù, được đặc xá, Ủy ban nhân dân cấp xã là một trong những chủ thể quan trọng tham gia vào quá trình tái hòa nhập cộng đồng của các đối tượng này.

Do đó, việc giao nhiệm vụ như trên cho Ủy ban nhân dân cấp xã là phù hợp. Tuy nhiên, với tính chất công việc quan trọng, khối lượng công việc rất lớn được phân công cho chính quyền cấp xã; trên cơ sở rà soát các vướng mắc đã nảy sinh trong thực tiễn thực thi Luật Thi hành án hình sự năm 2010. Đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh các quy định có liên quan trong dự thảo luật này và các văn bản pháp luật có liên quan về thẩm quyền, trách nhiệm, cơ chế thực hiện nhiệm vụ, về điều kiện bảo đảm. Và sau khi Luật có hiệu lực thực hiện cần có định hướng bố trí nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị; tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ; bảo đảm Ủy ban nhân dân cấp xã đủ cơ sở, điều kiện, phương tiện để thực thi chức trách, nhiệm vụ của mình.

  • Hai là về tái hòa nhập cộng đồng (Điều 45): Công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ những người vi phạm pháp luật hình sự sau khi chấp hành xong hình phạt sớm trở lại cuộc sống lương thiện tại cộng đồng có ý nghĩa vô cùng to lớn, góp phần giữ gìn ổn định trật tự xã hội. Do đó, công tác tái hòa nhập cộng đồng là hết sức quan trọng và mang tính nhân văn cao. Công tác này đòi hỏi cần thiết lập các điều kiện cần và đủ cho đối tượng chấp hành xong án phạt tạo lập cuộc sống bình thường trong cộng đồng; bồi dưỡng, tăng cường năng lực bản thân thích ứng với cuộc sống xã hội. Hiệu quả tái hòa nhập cộng đồng phụ thuộc vào vai trò trung tâm của cơ quan nhà nước được giao thẩm quyền, của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đối tượng cư trú; phụ thuộc vào sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền với gia đình, cộng đồng dân cư và sự tâm huyết, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, các hội đoàn quần chúng trên địa bàn dân cư.

Với ý nghĩa như vậy, nội dung thể hiện ở Điều 45 là phù hợp. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo quan tâm thêm mấy vấn đề sau:

+ Nguyên cứu, bổ sung nội dung “Phát huy vai trò gia đình, cộng đồng, xã hội trong cải tạo, giáo dục, quản lý người chấp hành hình phạt; tạo điều kiện người chấp hành xong hình phạt sớm hòa nhập cộng đồng” vào Điều 4 của dự thảo Luật.

+ Nội dung khoản 1 Điều 45 quy định: Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm tổ chức chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng trước khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù, được đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Tuy nhiên, khoản 2 Điều 45 chưa xác định rõ các chủ thể chịu trách nhiệm, đặc biệt là chủ thể có trách nhiệm đầu mối tạo điều kiện, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng. Mà quy định chỉ mới dừng lại ở việc ghi nhận chung là cơ quan, tổ chức, cá nhân. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cụ thể hóa vấn đề này, xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm; trong đó nghiên cứu xem xét thể hiện vai trò Ủy ban nhân dân cấp xã như là một trong những chủ thể then chốt quyết định hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn dân cư. Nhằm thực hiện có hiệu quả các nội dung tái hòa nhập cộng đồng như: Thông tin, truyền thông, giáo dục; dạy nghề giải quyết việc làm; trợ giúp tâm lý; hỗ trợ pháp lý ...

Bên cạnh đó, nội dung Chương 15 dự thảo Luật quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước trong quản lý công tác thi hành án hình sự. Có giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện nhiệm vụ “có chính sách phù hợp để khuyến khích cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện để người chấp hành xong án phạt tù tìm việc làm, ổn định cuộc sống, học nghề, hòa nhập cộng đồng”.

Để thực thi hiệu quả công tác này, bên cạnh quy định nêu trên, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu giao trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành có liên quan trong thiết lập chính sách khuyến khích các chủ thể sử dụng lao động tham gia công tác tái hòa nhập cộng đồng, làm cơ sở chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện tổ chức thực hiện trên địa bàn quản lý. Do việc dạy nghề, giải quyết việc làm là một trong những yếu tố quan trọng trong hành trình của người chấp hành xong án trở lại cuộc sống bình thường.

  • Ba là về vấn đề hòa nhập cộng đồng của các đối tượng bị áp dụng hình phạt không bị cách ly khỏi xã hội như án treo, án phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ ... Những đối tượng này không bị cách ly khỏi xã hội, hơn nữa cộng đồng xã hội là môi trường giáo dục, cải tạo họ trong quá trình chấp hành hình phạt nên cũng gặp những rào cản nhất định về mặt tâm lý, vừa của cả bản thân họ vừa của cả cộng đồng. Những tác động tiêu cực này tác động không nhỏ đến hiệu quả quá trình quản lý, giáo dục, cải tạo.

Do đó, những đối tượng này cũng cần được thông tin, truyền thông, được giáo dục; dạy nghề, giải quyết việc làm; trợ giúp tâm lý nên đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nội dung quy định các chính sách hỗ trợ, tăng cường năng lực thích ứng với xã hội đối với họ; tạo lập các điều kiện để các đối tượng này được lao động, làm việc, học tập, phấn đấu khắc phục bản thân trở thành người có ích cho xã hội.

MINH NHỰT (tổng hợp)

.
.
Liên kết hữu ích
.