Thứ Bảy, 18/05/2019, 14:00 (GMT+7)
.

Nhớ mãi những lần kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ

Ngày 19-5-1946, lần đầu tiên nhân dân ta kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị cha già dân tộc, lãnh tụ vĩ đại của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Từ đó trở đi, hằng năm, cứ đến dịp 19-5, toàn dân ta lại được sống những giờ phút đặc biệt, niềm vui lâng lâng, tâm hồn phơi phới với lòng tự hào chính đáng của một dân tộc độc lập, tự do và với lòng kính yêu lãnh tụ vô hạn; đồng thời, toàn dân ta lại dấy lên phong trào thi đua lập thành tích mừng Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bác Hồ kính yêu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các Anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc năm 1969.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các Anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc năm 1969.

Là lãnh tụ tối cao nhưng Bác Hồ không quan cách, không có sự phân biệt giữa lãnh tụ với dân thường. Hằng năm, cứ đến ngày sinh của Bác, Bác thường dặn các địa phương, các cơ quan không nên chúc thọ linh đình.

Ở Hà Nội, đúng ngày 19-5, Bác thường tìm cách đi một nơi khác để tránh những lễ nghi phiền phức, tốn kém. Và cũng vào dịp sinh nhật Bác, Bác thường viết thư, gửi điện cảm ơn đồng chí, đồng bào, các cơ quan, đoàn thể trong nước và bầu bạn quốc tế đã dành cho Bác những tình cảm thân thiết nhân ngày sinh của mình.

KỶ NIỆM LẦN ĐẦU TIÊN NGÀY SINH CỦA BÁC

Sáng 19-5-1946, tại Bắc bộ Phủ, các đại biểu thiếu nhi Thủ đô, tự vệ, hướng đạo và hơn 50 đại biểu Nam bộ đã đến chúc mừng sinh nhật Bác. Bác tặng các đại biểu thiếu nhi một cây bách trồng trong chậu và nói: Bác có cây này tặng các cháu. Mai sau, cái cây sẽ mọc ra một chậu trăm cái tán. Các cháu chăm nom cho cây lớn, cây tốt, thế là các cháu yêu Bác lắm đấy.

Trong lời phát biểu đáp lại lòng kính mến của đồng bào: Tôi chưa xứng đáng với sự săn sóc của đồng bào. Vì tôi hãy còn là một thanh niên, tuổi 56 chưa đáng được đồng bào chúc thọ. Chỉ vì một nhà báo nào đó biết đến ngày sinh của tôi mà đem ra làm rộn đồng bào. Từ trước đến nay tôi đã là người của đồng bào, thì từ nay về sau tôi vẫn thuộc về đồng bào. Tôi quyết giữ lòng trung thành với Tổ quốc. Tôi xin hứa với đồng bào gắng sức làm việc, nhưng tôi hy vọng vào sự cộng tác chặt chẽ của đồng bào. Việc nước là lớn, không ai có thể làm một mình nổi. Tôi mong rằng ngày này năm sau các đồng bào sẽ làm cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cường thịnh hơn. Hôm nay đồng bào cho tôi nhiều hoa bánh. Những thứ đó đáng giá cả. Nhưng xin đồng bào nghĩ đến các đồng bào nghèo khó, hơn là hao phí cho tôi. Cũng chính ngày này, lực lượng thanh niên Thủ đô đã tuần hành thị uy chúc thọ Bác Hồ. Việc đó làm cho các đại biểu Đồng minh thấy rõ uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bác vẫn luôn từ chối việc tổ chức mừng sinh nhật mình. Năm 1949, Bác có bài thơ “Không đề” trả lời ý kiến một số cán bộ đề nghị tổ chức sinh nhật mình: Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà/ Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già/ Chờ cho kháng chiến thành công đã/ Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta.

Đến năm 1963, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa II họp đúng vào dịp chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 73 Ngày sinh của Bác kính yêu. Quốc hội có ý định tặng Bác Hồ Huân chương Sao Vàng. Tại phiên họp cuối cùng của kỳ họp, Bác Hồ đã bày tỏ ý kiến của mình trước Quốc hội: Tôi vừa nhận được một tin tức làm tôi rất cảm động và sung sướng. Ðó là tin Quốc hội có ý định tặng cho tôi Huân chương Sao Vàng, huân chương cao quý nhất của nước ta. Tôi xin tỏ lòng biết ơn Quốc hội. Nhưng tôi xin Quốc hội cho phép tôi chưa nhận huân chương ấy. Vì sao? Vì huân chương là để thưởng cho người có công huân, nhưng tôi tự xét chưa có công huân xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội…

Sau đó, Bác Hồ đề nghị Quốc hội: Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng vui mừng.

TRÒN 75 TUỔI, BÁC VIẾT TÀI LIỆU “TUYỆT ĐỐI BÍ MẬT”

Kỷ niệm sinh nhật Bác năm 1965 là dịp hết sức đặc biệt: Bác Hồ tròn 75 tuổi. Dường như đoán trước được quy luật khắc nghiệt của cuộc đời, vì vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Buổi sáng thứ Hai, ngày 10-5-1965, tại phòng làm việc ở nhà sàn trong khu Phủ Chủ tịch, vào lúc 9 giờ - giờ đẹp nhất của một ngày, Bác Hồ đã đặt nét bút viết những dòng đầu tiên của tài liệu “Tuyệt đối bí mật” những điều dặn lại muôn đời con cháu mai sau. Mở đầu bản Di chúc, Bác viết: Nhân dịp mừng 75 tuổi, …Năm nay, tôi đã 75 tuổi. Tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn mạnh khỏe. Tuy vậy, tôi cũng đã là lớp người “xưa nay hiếm”...

Cũng như nhiều dịp kỷ niệm ngày sinh nhật của Bác, đúng vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác năm 1965, Bác Hồ lại đi công tác xa. Biết trước được điều đó, nên ngày 14-5-1965, các đồng chí trong Bộ Chính trị và một số đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng tranh thủ thời gian tới chúc thọ sinh nhật Người. Nhận bó hoa tươi và những lời chúc mừng của các đồng chí trong Bộ Chính trị, Bác liền hỏi: Bác muốn biết ai đứng ra tổ chức cuộc gặp mặt hôm nay? Đồng chí Trường Chinh thay mặt Bộ Chính trị thưa với Bác: Thưa Bác! Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 75 của Bác, chúng tôi thay mặt Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xin kính chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu!.. Bác xúc động nói: Cám ơn các chú đã có lòng, nhưng trong lúc toàn dân ta đang kháng chiến gian khổ, mọi công việc hết sức khẩn trương mà lại tổ chức chúc thọ một cá nhân là không nên. Rồi Bác hỏi: Chú Kỳ xem có gì chiêu đãi không? Thưa Bác! Có ạ! Đồng chí Vũ Kỳ vừa trả lời vừa ra hiệu để các đồng chí phục vụ chuyển bánh kẹo ra. Bác vui vẻ giơ cao tay mời tất cả mọi người ăn kẹo, ăn bánh và dặn: Nhớ để phần cho các thím và các cháu ở nhà nữa.
Tất cả mọi người đều cười vang trong không khí gần gũi, đầm ấm, chan hòa.

KỶ NIỆM SINH NHẬT CUỐI CÙNG CỦA BÁC HỒ

Bước sang năm 1969, sức khỏe của Bác Hồ có phần yếu nhiều. Dịp kỷ niệm sinh nhật năm ấy Bác không đi “công tác xa” như những năm trước đó. Và cũng khác với những lần Bác sửa Di chúc trong những dịp sinh nhật Bác, lần đầu tiên trong 4 năm (1965 - 1969), Bác Hồ viết và sửa Di chúc muộn hơn, từ 9 giờ 30 phút đến 10 giờ 30 phút ngày 10-5-1969. Bác viết: Năm nay, tôi vừa 79 tuổi, đã là lớp người “xưa nay hiếm” nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt, tuy sức khỏe có kém so với vài năm trước đây. Khi người ta đã ngoài 70 xuân, thì tuổi tác càng cao, sức khỏe càng thấp. Điều đó cũng không có gì lạ… Vì vậy, tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi phải đi gặp các cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi thấy đột ngột…

Chiều ngày 18-5-1969, các đồng chí trong Bộ Chính trị và một số đồng chí Ủy viên Trung ương vào chúc thọ Bác ở căn nhà họp Bộ Chính trị gần ngôi nhà sàn trong khu Phủ Chủ tịch. Buổi lễ mừng sinh nhật Bác lần thứ 79 rất đơn giản và đầm ấm. Mọi người đều đứng xung quanh Bác. Đồng chí Tố Hữu tặng hoa, đồng chí Lê Duẩn đọc lời chúc thọ mừng sinh nhật Bác. Bác cười vui thân mật mời mọi người ăn bánh kẹo và không quên dặn: Nhớ mang phần về cho các cô và các cháu ở nhà.

Đầu giờ sáng ngày 19-5-1969, Bác tiếp các cháu thiếu nhi là con các đồng chí phục vụ đến chúc thọ Bác. Đúng 9 giờ sáng của ngày sinh nhật lần thứ 79, Bác lại ngồi vào bàn làm việc, xem và chỉnh sửa, bổ sung bản Di chúc. 10 giờ 30 phút, Bác tiếp chị Phan Thị Quyên (vợ Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi) và chị Nguyễn Thị Châu (Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Thanh niên và Sinh viên giải phóng khu Sài Gòn Chợ Lớn - Gia Định) đến chúc thọ Bác. 14 giờ 30 phút, Bác lên nhà sàn viết thư khen thiếu niên Hợp tác xã măng non thôn Phú Mẫn, xã Hàm Sơn, huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc đã có nhiều thành tích trong việc chăm sóc trâu bò. Trong ngày, Bác gửi tặng cán bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An tấm ảnh chân dung của Bác. Phía dưới tấm ảnh, Bác viết: Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong công tác, phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.

Sinh nhật Bác Hồ năm 1969 diễn ra bình thường như những ngày làm việc của Bác và tất cả mọi người đều không ai nghĩ rằng đó là dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ lần cuối cùng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mãi đi xa, nhưng hình ảnh giản dị mà cao cả của Bác sống mãi trong trái tim của nhân dân Việt Nam và nhân loại yêu chuộng hòa bình, chính nghĩa trên toàn thế giới.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.