Thứ Năm, 20/06/2019, 20:08 (GMT+7)
.
Kỷ niệm 94 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21-6:

Nhà báo phải chính danh trên không gian ảo

(ABO) Hiện nay, sự bùng nổ thông tin cũng như sự tác động mạnh mẽ của mạng xã hội (MXH) đã và đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức đối với các cơ quan báo chí chính thống. Để tồn tại và phát triển, báo chí truyền thống phải "hợp tác" với MXH.  Đây cũng là vấn đề được nhiều nhà báo bàn luận sâu tại buổi Tọa đàm Nhà báo và ứng xử thông tin trên MXH mới đây. Báo Ấp Bắc đã lược ghi một số ý kiến nổi bật của các nhà báo, nhà quản lý xoay quanh vấn đề trên.

* Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang Nguyễn Thanh Hiền:

Sự quản lý của Nhà nước là cần thiết nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức người dùng

Bản thân MXH không có lỗi, nó là công cụ hữu ích cho xã hội và cho con người, vấn đề là người sử dụng làm sao biến nó trở thành phương tiện để đạt được mục tiêu của mình. Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí lo lắng nếu làm báo theo kiểu chính thống thì không còn thời sự, không còn sức hút đối với độc giả nhưng thực tế đã chứng mình độc giả đã tỉnh táo hơn, có xem xét đối với từng vấn đề cụ thể, bởi MXH thông tin rất nhiễu loạn, độ tin cậy không cao.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hiền
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hiền.

Vì vậy, thế mạnh của báo là thông tin thật, tính trung thực cao và thông tin từ hơi thở cuộc sống. Đây là yếu tố mà MXH không thể cạnh tranh với báo chính thống.Tuy nhiên, để khai thác tốt thông tin từ MXH, ngành chức năng, các cơ quan báo chí cần tăng cường công tác giáo dục tư tưởng chính trị cho đội ngũ người làm báo, các phóng viên, biên tập viên và kể cả cộng tác viên; nâng cao nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm, đạo đức nhà báo; tạo hành lang pháp lý cũng như hỗ trợ các công cụ cần thiết về công nghệ đáp ứng nhu cầu làm báo trong tình hình mới.

Đặc biệt, quan trọng nhất vẫn là ý thức của các nhà báo khi dùng MXH. Các nhà báo phải luôn ý thức trách nhiệm của mình là người đưa tin, là tiếng nói của một cơ quan tuyền thông chính thống, vậy nên, phải luôn cân nhắc nên đưa tin hay, đưa vấn đề này thì được gì và mất gì, phải cân nhắc cẩn trọng, đây đòi hỏi sự nhạy cảm của người phóng viên, tính quyết đoán của Ban Biên tập. Nếu thông tin đưa lên chuẩn xác đáp ứng nhu cầu được cung cấp thông tin thật cho độc giả, thì việc chậm hơn MXH vẫn không phải là vấn đề lo ngại, độc giả vẫn trông đợi để được đọc tin từ tờ báo chính thống.

* Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Tiền Giang Trần Văn Dũng:  

Nhà báo phải chính danh trên không gian ảo 

Hiện nay, các phóng viên, nhà báo đã nhận thức mặt tích cực, ưu điểm của MXH, MXH là cánh tay nối dài của báo chí, cần quan tâm để đẩy mạnh thông tin chính thống lên MXH. Với trách nhiệm là cơ quan quản lý truyền thông, chúng tôi sẽ không ngừng đổi mới tư duy lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý báo chí điện tử, MXH và các loại hình truyền thông khác trên Internet theo kịp sự phát triển của công nghệ Internet. Đồng thời chú trọng tăng cường các biện pháp tuyên truyền nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức, trách nhiệm khi tham gia các nền tảng truyền thông xã hội của mọi công dân.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Văn Dũng
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Văn Dũng.

Tuy nhiên, bên cạnh việc quản lý của cơ quan chức năng thì rất cần sự chung tay, chung sức của các phóng viên, nhà báo nhằm hạn chế tối đa các thông tin xấu lan truyền trên MXH. Cá nhân nhà báo khi tham gia MXH phải chính danh thì mới làm được công tác tuyên truyền. Nhà báo phải tích cực bình luận (comment) định hướng thông tin bằng bản lĩnh ngòi bút sắc bén của mình, phản bác lại những thông tin xấu trên MXH, kịp thời đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật, thông tin tiêu cực từ các trang MXH gây tổn hại đến lợi ích của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng, đất nước. Đồng thời, đẩy mạnh thông tin chính thống lên MXH để người dân được tiếp cận thông tin chính thống nhiều hơn…

* Nhà báo Từ Anh Tuấn, Cơ quan Thường trú Báo Nhân Dân tại Tiền Giang:

Nhà báo cần tuân thủ nghiêm những quy tắc đạo đức nghề nghiệp

Hiện nay, sự đồng hành của MXH và báo chí đã trở thành điều tất yếu và được nói đến rất nhiều. Báo chí hoạt động dựa trên nền tảng của đạo đức và luật pháp, hai vấn đề này không tách rời nhau. MXH giúp cho nhà báo thuận lợi trong việc khai thác nguồn tin.

Tuy nhiên, có một thực tế là MXH đã tạo ra "những phóng viên salon" chuyên biên tập, xào nấu thông tin, mà không cần kiểm chứng. Điều đó đã gây hệ lụy không nhỏ tới sự ổn định của xã hội, làm suy giảm lòng tin đối với báo chí và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.

Vì vậy, Hội Nhà báo Việt Nam đã xây dựng Quy tắc sử dụng MXH của người làm báo Việt Nam với những quy định cụ thể về những nguyên tắc, chuẩn mực, những việc/điều cần làm và những việc/điều không được làm trong việc sử dụng MXH của người làm báo Việt Nam, bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật và đạo đức nghề nghiệp người làm báo.

Nhà báo Từ Anh Tuấn
Nhà báo Từ Anh Tuấn.

Điều 5, trong 10 Quy định đạo đức nghề nghiệp của Người làm báo Việt Nam đã nói rõ: Yêu cầu người làm báo phải chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia MXH và các phương tiện truyền thông. Việc ban hành Bộ Quy định về đạo đức người làm báo cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với những người làm báo trong xã hội hiện đại, giúp hoạt động báo chí ngày càng tốt hơn, giúp cho mỗi nhà báo thấy rõ trách nhiệm của mình khi tham gia MXH.

Có thể nói, người làm báo không chỉ là "người lính xung kích trên mặt trận tư tưởng" với nhiệm vụ chủ yếu của những người lính này không chỉ đơn thuần là cung cấp thông tin trên nguyên tắc "chân thật, khách quan, đúng bản chất", mà còn định hướng dư luận, xây dựng lòng tin, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội. Vì vậy, việc tuân thủ các quy định đạo đức người làm báo là rất cần thiết trong giai đoạn bùng nổ thông tin như hiện nay.

HOÀI THU

 

 

 

.
.
.