Thứ Tư, 20/11/2019, 16:04 (GMT+7)
.

Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến: Đóng góp dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư

(ABO) Sáng 19-11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang) cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo luật và tham gia đóng góp một số ý kiến để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, cụ thể như sau:

Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang.
Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến phát biểu ý kiến.

Thứ nhất, về xác định giá trị tài sản công tại điểm a khoản 3 Điều 40 quy định nhà đầu tư được cơ quan ký kết hợp đồng thanh toán dưới hình thức bằng tài sản công và điểm b khoản 4 Điều 65 quy định vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình từ tài sản công. Như vậy, việc sử dụng tài sản công tham gia vào dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (sau đây gọi tắt là PPP) là hợp lý, đa dạng hóa hình thức góp vốn, giảm áp lực bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy việc định giá tài sản công, định giá trị đất đai là vấn đề còn nhiều khó khăn dù đã có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, do đó cơ quan soạn thảo cần quan tâm các nội dung chưa được quy định cụ thể trong các luật như: Vấn đề giá trị tài sản được xác định là giá trị trên sổ sách kế toán hay giá trị được xác định lại theo giá thị trường, giá thực tế và vào thời điểm nào. Đối với trường hợp tài sản công chưa được theo dõi trên sổ sách kế toán thì định giá ra sao; việc xác định giá trị phần vốn đầu tư công đã đầu tư từ dự án đầu tư công được chuyển sang dự án PPP thì thực hiện như thế nào. Từ đó đề nghị dự thảo luật quy định giao Chính phủ hướng dẫn xác định giá trị tài sản công tham gia vào dự án đầu tư PPP.

Thứ hai, về thu xếp tài chính để thực hiện dự án quy định tại Điều 71 của dự thảo luật. Khoản 1 quy định nhà đầu tư doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm góp vốn chủ sở hữu, huy động vốn vay và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án theo quy định của hợp đồng. Thực tế, thời gian qua việc huy động nguồn vốn hợp pháp khác dù rất quan trọng nhưng chưa được quy định cụ thể. Có thể hiểu, vốn vay là vốn huy động từ các tổ chức tín dụng, còn vốn hợp pháp khác huy động từ các tổ chức, cá nhân không là tổ chức tín dụng được hay không, những tổ chức, cá nhân này có thực hiện chức năng kinh doanh tiền tệ của mình ra sao để được xem là cho vay hợp pháp và trách nhiệm của cơ quan nào trong việc khẳng định tính hợp pháp của nguồn vốn này; ngoài ra, nội dung quy định về lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư cũng chưa được đề cập. Đây là những vấn đề chưa được quy định, tạo nên tâm lý e ngại cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong một số dự án PPP thời gian qua khi ký hợp đồng. Vì vậy, đề nghị luật có quy định về những nội dung quan trọng này.

Thứ ba, về cơ chế chia sẻ rủi ro. Đồng tình với việc chia sẻ lợi ích và rủi ro, tạo sự công bằng hợp lý giữa công và tư khi cùng tham gia dự án. Tuy nhiên, tại Điều 77 quy định cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, quy định cụ thể đối với trường hợp doanh thu thực tế vượt quá doanh thu trong phương án tài chính của hợp đồng và cũng đồng tình với việc phải thực hiện điều chỉnh giảm mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công hoặc rút ngắn thời gian hợp đồng; trường hợp doanh thu thực tế thấp hơn doanh thu trong phương án tài chính, đề nghị quy định giao cho Hội đồng thẩm định dự án PPP xem xét, điều chỉnh tăng mức giá, phí sản phẩm dịch vụ công hoặc là gia hạn thời gian hợp đồng, bởi lẽ đối tượng trực tiếp tham gia dự án là các bên ký kết hợp đồng nhưng đối tượng hưởng lợi và tốn phí sử dụng sản phẩm và dịch vụ công là cộng đồng dân cư nên việc điều chỉnh này ảnh hưởng đến xã hội.

Ngoài ra, đề nghị nếu cơ quan có thẩm quyền sau khi xác định rủi ro từ các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng quy định tại Điều 45 và các điểm a, b, c khoản 2 Điều 46 thì xem xét việc điều chỉnh tăng mức giá và thời gian hợp đồng. Riêng điểm d khoản 2 Điều 46, đề nghị loại khỏi điều kiện thực hiện cơ chế chia sẻ rủi ro vì nội hàm của điểm này không phải là nguyên nhân dẫn đến biến động về doanh thu.

Tại khoản 2 Điều 77 quy định cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu đối với dự án trọng điểm thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ là Chính phủ chia sẻ không quá 50% phần hụt thu và doanh nghiệp chia sẻ không thấp hơn 50% phần tăng thu. Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét thêm các phương án là không xác định tỷ lệ 50% này mà chọn tỷ lệ là chia sẻ rủi ro theo tỷ lệ cơ cấu góp vốn của chủ sở hữu của doanh nghiệp và vốn nhà nước vào dự án. Ngoài ra, đề nghị luật quy định cụ thể nguồn kinh phí nhà nước sử dụng để chia sẻ rủi ro và các trình tự thủ tục sử dụng nguồn vốn này.

Thứ tư, về hoạt động kiểm toán nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP quy định tại Điều 80 của dự thảo luật. Tại điều này quy định Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán về sử dụng tài chính công, tài sản công trong dự án quy định tại Điều 65 và 67. Điều này có nghĩa là kiểm toán chỉ thực hiện kiểm toán trong phạm vi vốn ngân sách nhà nước của dự án, tuy nhiên sản phẩm của dự án là tài sản công và dự án có tác động đến lợi ích xã hội. Vì vậy, đề nghị xem xét quy định Kiểm toán nhà nước thực hiện toàn bộ dự án PPP, đặc biệt là lưu ý thêm công tác kiểm toán hoạt động đối với dự án nhằm giúp các bên liên quan thực hiện tốt công bắt đầu tư. Kiểm toán nhà nước đồng hành cùng nhà nước và doanh nghiệp kịp thời phát hiện các sai sót để chấn chỉnh thay vì kiểm toán khi dự án hoàn thành, khi đó các sai sót nếu có sẽ khó khắc phục hơn.

Năm là, về việc sử dụng các từ ngữ được định tính mang tính khái quát trong luật. Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét quy định chi tiết để dễ triển khai thực hiện và tránh bị lạm dụng; cụ thể là làm rõ như thế nào là dự án phức tạp, dự án có tính đặc thù được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 31.

MINH NHỰT (tổng hợp)

.
.
Liên kết hữu ích
.