Thứ Sáu, 17/01/2020, 14:28 (GMT+7)
.
Thành tựu 90 năm lãnh đạo của đảng bộ tỉnh Tiền Giang: Hành trình vì nước vì dân

Bài 2: Lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong 2 cuộc kháng chiến

Bài 1: Lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền giai đoạn 1930 - 1945

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tỉnh Mỹ Tho và Gò Công bị quân Pháp tái chiếm, nhưng phong trào cách mạng vẫn phát triển, tạo cơ sở cho các đơn vị chủ lực của Khu, của Xứ ủy về đứng chân.

Ngày 15-10-1945, tại xóm Cầu Vĩ, xã Mỹ Phong, quận Chợ Gạo (nay là TP. Mỹ Tho), Xứ ủy Nam bộ tổ chức hội nghị bàn chủ trương kháng chiến. Tham dự hội nghị có đủ đại diện các tỉnh Nam bộ và các đồng chí từ nhà tù Côn Đảo mới về. Hội nghị quyết định: Thống nhất 2 tổ chức Đảng Giải Phóng và Tiền Phong, để lãnh đạo kháng chiến, tiêu thổ kháng chiến, kêu gọi nhân dân rời thị xã, thị trấn vào bưng biền kháng chiến...

Trận Giồng Dứa năm 1947.
Trận Giồng Dứa năm 1947.

VẬN DỤNG LINH HOẠT ĐƯỜNG LỐI KHÁNG CHIẾN

Đảng bộ 2 tỉnh lãnh đạo xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, tổ chức bầu cử Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 6-1-1946); chăm lo xây dựng chế độ mới, đời sống mới của nhân dân, tổ chức toàn dân tham gia kháng chiến chống quân Pháp xâm lược; trấn áp các thế lực phản động, bảo vệ chính quyền và thành quả của Cách mạng Tháng Tám; vận động toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, trường kỳ kháng chiến và tự lực kháng chiến, đưa cách mạng vượt qua khó khăn, thử thách, giành thắng lợi, tiêu biểu là các trận Giồng Dứa (ngày 25-4-1947), trận Cổ Cò (tháng 2-1947). 

Trong kháng chiến, Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho đề ra chủ trương “trang trải ruộng đất”, được địa chủ vừa và nhỏ hưởng ứng. Cuộc “trang trải ruộng đất” diễn ra êm đẹp trong tình làng nghĩa xóm. Thành công của chủ trương này chứng tỏ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho, tạo tiền đề xây dựng cơ sở xã hội vững chắc ở nông thôn để nhân dân ta hăng hái tham gia kháng chiến, bảo vệ độc lập dân tộc.

Đảng bộ  2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công vận dụng linh hoạt đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính; tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân cả nước, lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của quân Pháp, đỉnh cao là chiến dịch Đông - Xuân (1953 -1954).

Tỉnh ủy 2 tỉnh chỉ đạo kết hợp tấn công vũ trang với đấu tranh chính trị, binh vận bao bức đồn bót, mở vùng giải phóng. Kết hợp giữa chính trị, quân sự, binh địch vận áp dụng thành công ở tỉnh Gò Công. Trong 1 đêm, tỉnh Gò Công đã bao vây bức rút, bức hàng hơn 30 đồn bót, góp phần vào thắng lợi chung ở  2 tỉnh trong cuộc kháng chiến chống quân Pháp xâm lược.

GIÀNH THẮNG LỢI TỪNG BƯỚC, ĐI ĐẾN GIÀNH THẮNG LỢI HOÀN TOÀN

Trong 21 năm chống Mỹ, địch đưa đến 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công những tên phản động nhất, những đơn vị tinh nhuệ của Mỹ lẫn ngụy, với số lượng lớn và trang bị vũ khí hiện đại.

Quân Mỹ chọn Mỹ Tho xây dựng căn cứ quân sự hỗn hợp lớn, có sư đoàn 9 Mỹ chốt giữ và sư đoàn 7 ngụy bảo vệ vòng ngoài. Đến cuối của cuộc chiến tranh, địch điều thêm lực lượng tổng trù bị của Bộ Quốc phòng ngụy về tỉnh Mỹ Tho để cứu nguy.

Địch đánh phá phong trào cách mạng ở đây ác liệt cả về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội…; kết hợp nhiều thủ đoạn: Mị dân, lừa bịp thâm độc với sự đàn áp dã man. Cường độ chiến tranh diễn ra ác liệt về cả hai phương diện chính trị và quân sự trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đảng bộ 2 tỉnh vẫn đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác-Lênin, nắm vững đường lối cách mạng và chiến tranh nhân dân của Đảng, vận dụng vào thực tế địa phương mình. Đảng bộ biết dựa vào dân, cùng quân và dân giải quyết thành công những vấn đề đặt ra trong cuộc đấu tranh quyết liệt với kẻ thù.

Nhân dân 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công kiên quyết bám trụ, liên tục tiến công, từ đấu tranh chính trị tiến lên chiến tranh cách mạng, kết hợp tiến công và nổi dậy, hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng, nên giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác: Đồng khởi năm 1960, chiến thắng Ấp Bắc (ngày 2-1-1963), mở mảng chuyển vùng năm 1963, chiến thắng Ba Rài (ngày 15-9-1967), Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968, chiến thắng Xuân Hè năm 1972…

Trong khí thế cách mạng tiến công trên toàn miền, quân và dân 2 tỉnh đã tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn tỉnh nhà ngày 30-4-1975, góp phần cùng nhân dân cả nước quét sạch quân xâm lược khỏi đất nước, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công nằm trong thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Có được thắng lợi đó, trước hết do Đảng bộ nắm vững đường lối cách mạng của Đảng.

Với tư tưởng tiến công, Đảng bộ vận dụng sáng tạo đường lối của Trung ương Đảng vào thực tế địa phương, phát động và tổ chức quần chúng tạo nên sức mạnh tổng hợp, từng bước vận dụng phương pháp đấu tranh thích hợp, giành thắng lợi từng bước, đi đến giành thắng lợi hoàn toàn.

LÊ VĂN TÝ
 

.
.
.