Thứ Ba, 13/10/2020, 11:52 (GMT+7)
.

Phát huy khối đại đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh

Những kết quả đạt được trong 5 năm qua là nền tảng vững chắc để Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” (gọi tắt là Cuộc vận động) ngày càng phát triển sâu rộng, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, tạo thành sức mạnh tổng hợp đại đoàn kết toàn dân tộc.

DÂN HIỂU, DÂN TIN, DÂN SẼ ĐỒNG THUẬN

Năm 2016, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 10 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động.

Tại Tiền Giang, trên cơ sở Nghị quyết 04 ngày 13-7-2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc lãnh đạo xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 và chỉ thị của Trung ương, Tỉnh ủy đã ban hành công văn triển khai quán triệt trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong lãnh, chỉ đạo và phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam cùng cấp tổ chức thực hiện có hiệu quả 5 nội dung cơ bản của Cuộc vận động, đó là: Đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng; đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân; xây dựng gia đình văn hóa; phát huy truyền thống đền ơn, đáp nghĩa, tương thân tương ái; đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; đoàn kết chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đoàn kết phát huy dân chủ, tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh.

TP. Mỹ Tho là địa phương đầu tiên của tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019. Đây là kết quả của sự đoàn kết,  đồng thuận của nhân dân trong thực hiện chủ trương đúng đắn của Đảng.
TP. Mỹ Tho là địa phương đầu tiên của tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019. Đây là kết quả của sự đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong thực hiện chủ trương đúng đắn của Đảng.

Là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện Cuộc vận động, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Tiền Giang đã xây dựng Kế hoạch 127 để tổ chức thực hiện Cuộc vận động; đồng thời, ký kết Chương trình phối hợp với UBND tỉnh về thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang triển khai cho các huyện, thị, thành trong tỉnh. Đây là cơ sở quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, hệ thống MTTQ và các tổ chức thành viên trong việc tổ chức thực hiện Cuộc vận động.

Để nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung, biện pháp, nguồn lực; làm cho mỗi người dân tự ý thức về vai trò, trách nhiệm của mình, tự giác, tích cực tham gia Cuộc vận động, trong 5 năm qua, hệ thống MTTQ và các tổ chức thành viên tỉnh nhà đã tổ chức trên 50.000 cuộc tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân với hơn 2 triệu lượt người dự. Ngoài ra, còn tuyên truyền qua đài truyền thanh, truyền hình, Báo Ấp Bắc, Tờ Thông tin Công tác Mặt trận, qua hệ thống các đoàn thể chính trị - xã hội và bằng những khẩu hiệu tuyên truyền trực quan, sinh động kết hợp với xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản ở khu dân cư để hướng dẫn thực hiện Cuộc vận động, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, nhất là tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Từ sự thống nhất về chủ trương, sự đồng bộ trong phối hợp giữa MTTQ và các cơ quan chức năng, tinh thần nhiệt huyết của hệ thống MTTQ và các tổ chức thành viên, cùng với sự chung sức, đồng lòng tham gia hưởng ứng tích cực của nhân dân trong tỉnh thực hiện Cuộc vận động, đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật như các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế; xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo giáo dục, y tế, đền ơn đáp  nghĩa; xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp và phòng, chống tội phạm được phát triển và ngày càng nhân rộng, lan tỏa tính tích cực trong cộng đồng, góp phần nâng cao các mặt đời sống xã hội.

Đáng chú ý là công tác vận động chăm lo cho người nghèo và thực hiện các chương trình an sinh xã hội 5 năm qua đạt kết quả to lớn. Cụ thể, toàn tỉnh đã vận động trên 477 tỷ đồng, giúp xây dựng hơn 2.400 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo; huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trên 600 tỷ đồng để thực hiện các công trình giao thông nông thôn; nhân dân hiến gần 287 ngàn m2 đất để thực hiện các công trình phúc lợi và giao thông nông thôn…

Cùng với kết quả Cuộc vận động, MTTQ các cấp cũng đã thực hiện tốt việc tổ chức lấy ý kiến người dân về kết quả các địa phương đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, thể hiện tính độc lập, khách quan của MTTQ, vừa phát huy vai trò chủ thể của người dân, tạo đồng thuận cao trong xã hội, vừa nâng cao chất lượng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh nhà theo hướng bền vững, góp phần hoàn thành vượt chỉ tiêu xây dựng xã, huyện nông thôn mới mà Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra.

Đến nay, toàn tỉnh có 2 huyện nông thôn mới, 1 thành phố và 2 thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 107/143 xã nông thôn mới; 25/29 xã, thị trấn văn minh đô thị và trên 500 cơ sở thờ tự văn hóa. Đáng chú ý là sự chung sức, đồng lòng trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 và hạn, mặn vừa qua. Từ đó góp phần kiểm soát dịch bệnh và hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

MANG LẠI LỢI ÍCH THIẾT THỰC CHO NGƯỜI DÂN

Theo Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Tiền Giang Nguyễn Chí Trung, để tiếp tục phát huy vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và thực hiện tốt hơn Cuộc vận động, trong thời gian tới MTTQ các cấp trong tỉnh sẽ tập trung thực hiện 5 giải pháp cơ bản. Trong đó, sẽ tiếp tục quán triệt sâu rộng chỉ thị, thông tri của Trung ương, công văn của Tỉnh ủy về tổ chức thực hiện Cuộc vận động để phát huy vai trò nòng cốt trong toàn hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện Cuộc vận động này. Mặt trận các cấp sẽ phát huy hơn nữa vai trò chủ động và tham mưu kịp thời cho cấp ủy trong lãnh đạo thực hiện Cuộc vận động, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức thành viên hướng mạnh về cơ sở tổ chức thực hiện Cuộc vận động đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn.

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, lấy 5 nội dung của Cuộc vận động làm nội dung trọng tâm công tác Mặt trận ở cơ sở; lấy sự phối hợp thống nhất hành động làm phương thức hoạt động; lấy ấp, khu phố, xã, phường, thị trấn làm địa bàn triển khai, làm cho Cuộc vận động ngày càng đáp ứng được nguyện vọng và đem lại lợi ích trực tiếp thiết thực cho người dân.

Ủy ban MTTQ tỉnh bàn giao hệ thống xử lý nhiễm mặn cho các xã Bình Đông và Bình Xuân (TX. Gò Công).     Ảnh: H.HẢI
Ủy ban MTTQ tỉnh bàn giao hệ thống xử lý nhiễm mặn cho các xã Bình Đông và Bình Xuân (TX. Gò Công). Ảnh: H.HẢI

MTTQ sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động về mục đích, ý nghĩa Cuộc vận động, chọn lọc những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế và nhiệm vụ chính trị của địa phương, gắn với nhu cầu và lợi ích thiết thực của cộng đồng để động viên nhân dân tham gia xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trên từng địa bàn cơ sở. Gắn kết chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện Cuộc vận động với việc thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động khác để huy động mọi nguồn lực tổ chức thực hiện tốt Cuộc vận động.

Chú trọng công tác biểu dương, khen thưởng và nhân rộng những cách làm hay, mô hình mới có hiệu quả để Cuộc vận động ngày càng lan tỏa rộng khắp trong nhân dân. Song song đó, Ủy ban MTTQ sẽ tổ chức tốt việc lấy ý kiến người dân về kết quả xây dựng đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đảm bảo tính độc lập, khách quan của MTTQ, vừa phát huy dân chủ trực tiếp về vai trò chủ thể của người dân, vừa nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững.

MAI HÀ

.
.
Liên kết hữu ích
.