Thứ Hai, 16/11/2020, 09:36 (GMT+7)
.

5 thành tựu của cuộc khởi nghĩa tháng 11-1940 ở tỉnh Mỹ Tho

Cuộc khởi nghĩa tháng 11-1940 ở tỉnh Mỹ Tho dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho được đông đảo nhân dân tham gia, với tinh thần chiến đấu anh dũng, nhưng do điều kiện khách quan chưa thuận lợi, thời cơ giành chính quyền chưa xuất hiện, kế hoạch khởi nghĩa bị lộ nên khởi nghĩa chưa giành thắng lợi. Quân Pháp dìm cuộc khởi nghĩa trong biển máu, nhưng đã để lại cho dân tộc ta, đất nước ta những thành tựu có ý nghĩa lịch sử to lớn.

THÀNH LẬP CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG

Cuộc khởi nghĩa nổ ra mạnh mẽ, đồng loạt ở hầu khắp các xã trong tỉnh. Quân khởi nghĩa giải tán ban hội tề ở các xã, đốt hồ sơ, sổ sách của ban hội tề tại nhà việc, hạ cột điện, cắt đường dây thép, đốn cây chặn các tuyến đường lớn. Trước khí thế tiến công cách mạng của quần chúng, bộ máy cai trị của địch từ tỉnh đến xã hoảng sợ, nhiều nơi tan rã. Ở tỉnh Mỹ Tho, tuy chưa giành quyền làm chủ ở tỉnh lỵ, nhưng chính quyền cấp tỉnh, cấp xã đã được thành lập.

Lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng và Quốc hiệu “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quốc” xuất hiện tại đình Long Hưng. Ảnh: TL
Lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng và Quốc hiệu “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quốc” xuất hiện tại đình Long Hưng. Ảnh: TL

Đình Long Hưng, xã Long Hưng, quận Châu Thành được chọn làm trụ sở của Tỉnh ủy và Ban Khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho. Ngày 23-11-1940, tại đình Long Hưng, trước hơn 3.000 đồng bào, chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho được thành lập và ra mắt nhân dân. Đồng chí Phan Văn Khỏe, Xứ ủy viên Nam kỳ, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, Trưởng Ban Khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho được cử làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho.

Quân khởi nghĩa làm chủ một vùng nông thôn rộng lớn ở hai quận Châu Thành và Cai Lậy. Chính quyền cách mạng ban hành nhiều chính sách xóa bỏ các thứ thuế, xóa nợ của nông dân với địa chủ, phá kho thóc của địa chủ chia cho nông dân, trừ gian diệt ác, giành lại tự do, dân chủ cho nhân dân. Chính sách của chính quyền cách mạng thể hiện đầy đủ mục tiêu chống đế quốc, phong kiến của cuộc khởi nghĩa, có ý nghĩa sâu sắc, bồi đắp thêm niềm tin của nhân dân vào thắng lợi của cách mạng.

Ở cấp xã, chính quyền cách mạng được thành lập. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng cấp xã thường do đồng chí bí thư chi bộ nắm giữ. Ngoài ra, trong các thành viên Ủy ban nhân dân cách mạng còn phân công các đồng chí cán bộ, đảng viên phụ trách quân sự, tiếp tế, tuyên truyền, kiểm soát…

Chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho chỉ tồn tại 49 ngày. Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nòng cốt bị xử tử, chết trong tù, hoặc bị đày ra Côn Ðảo, bị giam trong các trại tập trung ở Bà Rá, Tà Lài... Từ khi Pháp xâm chiếm nước ta, chưa có cuộc nổi dậy đấu tranh nào bị thực dân Pháp xử tử hình, tù chung thân và các loại tù khác nhiều như cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940.

Cuộc khởi nghĩa ở tỉnh Mỹ Tho cho ra đời một chính thể cách mạng của nhân dân. Đây là chính quyền cách mạng cấp tỉnh của chính thể Việt Nam Dân chủ cộng hòa lần đầu tiên trên cả nước. Nền thiết chế Dân chủ Cộng hòa thành lập lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc ta. Đây là thành tựu có ý nghĩa hết sức to lớn và là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc ta.

LẦN ĐẦU TIÊN LÁ CỜ ĐỎ SAO VÀNG VÀ QUỐC HIỆU “VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA QUỐC” XUẤT HIỆN

Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ chứng minh rằng, muốn lật đổ ách thống trị của thực dân đế quốc, giành độc lập, tự do cho dân tộc, nhất thiết phải bằng khởi nghĩa cách mạng, bạo lực cách mạng của toàn dân chống lại bạo lực phản cách mạng. Cuộc khởi nghĩa trở thành tiền đề thực tiễn để Đảng ta đề ra đường lối đúng đắn dẫn dắt cuộc vận động cách mạng của nhân dân đi đến thắng lợi trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Về Quốc hiệu và lá cờ để tập hợp lực lượng được Xứ ủy thống nhất trong Hội nghị Xứ ủy, tổ chức ở xã Tân Hương, quận Châu Thành tháng 7-1940. Tuy nhiên, trong khởi nghĩa Nam kỳ, duy nhất chỉ ở tỉnh Mỹ Tho xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng năm cánh. Tại đình Long Hưng, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc ta, lá cờ đỏ tung bay phấp phới trên ngọn cây bàng cao chót vót đầy kiêu hãnh dưới bầu trời tự do, biểu tượng của tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, quyết chiến đấu vì độc lập, tự do.

Lá cờ Mặt trận Thống nhất Dân tộc Phản đế Đông Dương, Quốc kỳ của chính thể Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã nêu cao chính thể, cổ vũ tinh thần cách mạng của nhân dân Nam kỳ trong cuộc chiến đầy gian khổ, hy sinh chống thực dân Pháp thống trị để giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Trong khí thế hào hùng của cách mạng, cũng lần đầu tiên trên cả nước, Quốc hiệu “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quốc” rạng rỡ, sáng ngời trên tấm biểu ngữ treo trước cửa đình Long Hưng - trụ sở của Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho.

Sau đó, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8, họp tháng 5-1941 ở Pác-Pó (tỉnh Cao Bằng), dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với tư cách là đại diện của Quốc tế Cộng sản, đã quyết định lấy lá cờ đỏ sao vàng làm lá cờ của Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Mặt trận Việt Minh) để tập hợp nhân dân và cũng là lá cờ của nước Việt Nam sau khi giành được độc lập. Đồng thời, Hội nghị cũng xác định tên nước Việt Nam sau khi giành được độc lập là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Sau khi đánh đuổi được đế quốc Pháp, Nhật, sẽ thành lập một chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lấy lá cờ đỏ ngôi sao vàng năm cánh làm lá cờ toàn quốc”.

TÒA ÁN NHÂN DÂN CÁCH MẠNG CẤP TỈNH ĐƯỢC THÀNH LẬP LẦN ĐẦU TIÊN Ở NAM KỲ VÀ CŨNG LÀ LẦN ĐẦU TIÊN TRONG CẢ NƯỚC

Tỉnh Mỹ Tho trong cuộc khởi nghĩa tháng 11-1940 đã làm nên 5 thành tựu: Nơi hình thành nên chính quyền cách mạng đầu tiên của cả nước, rồi cờ Tổ quốc, Quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Tòa án nhân dân cách mạng và Lực lượng vũ trang nhân dân cũng lần đầu tiên xuất hiện trên cả nước, đã tạo mốc son chói lọi trong lịch sử hào hùng của dân tộc ta.

Song song với thành lập chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho, Tòa án nhân dân cách mạng cấp tỉnh cũng đã nhanh chóng được thành lập, gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Thường, Chánh án; Nguyễn Thị Thập, Biện hộ; Nguyễn Văn Ghè, Đặng Văn Hiệp, Ủy viên Hội đồng…, trụ sở của Tòa án đặt tại đình Long Hưng, xã Long Hưng, quận Châu Thành. Hội đồng Tòa án nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho xét xử và trừng trị những tên phản cách mạng, có tội ác với nhân dân, chỉ kết tội những tên Việt gian gian ác, còn lại đều được giáo dục, khoan hồng và trả tự do, nhằm mục đích làm cho họ ăn năn, hối cải, quay về con đường chính nghĩa.

Hoạt động xét xử công khai bọn tay sai của Tòa án nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho có sự tham dự của đông đảo quần chúng nhân dân. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam nhân dân lao động trực tiếp tham gia luận tội những tên tay sai bán nước hại dân, đã thể hiện tính dân chủ của cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Việc thành lập Tòa án nhân dân cách mạng trong hoàn cảnh lúc đó có tác dụng lớn trong việc nâng cao trình độ giác ngộ và tinh thần cách mạng của quần chúng nhân dân, ảnh hưởng trực tiếp đến người bị đưa ra xét xử. Nhiều người đã hiểu chính sách của Đảng, nhận thức được cái nhục của người dân mất nước phải làm nô lệ cho ngoại bang mà quay về với nhân dân, với cách mạng.

Trước khí thế cách mạng của nhân dân, để đối phó với cuộc khởi nghĩa ở tỉnh Mỹ Tho, địch tìm mọi cách đối phó, tăng quân từ nơi khác đến đàn áp. Ngoài lực lượng tại chỗ, quân Pháp còn điều động tới tỉnh Mỹ Tho một tiểu đoàn lính Lê dương và mấy đại đội quân chủ lực, gồm cả lục quân, hải quân trang bị vũ khí hiện đại, có cả máy bay, tàu chiến, xe cơ giới. Mỹ Tho là nơi nhân dân nổi dậy mạnh mẽ nhất và cũng là nơi bị địch đàn áp khốc liệt nhất.

Địch cho máy bay ném bom, đánh phá ác liệt những vùng có phong trào phát triển mạnh như chợ Giữa xã Vĩnh Kim, xã Long Hưng, xã Phú Mỹ... quận Châu Thành; các xã Long Tiên, Long Trung, Tam Bình, Tân Bình, Mỹ Hạnh Trung, Mỹ Hạnh Đông, Nhị Quí... quận Cai Lậy... Chúng càn quét, bắn giết, bắt bớ nhiều người. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 5-1941) đánh giá cao tinh thần chiến đấu của nhân dân tỉnh Mỹ Tho: “Quân cách mạng nổi lên đánh rất hăng, có nơi chỉ ba bốn ngày là bị quân Pháp đàn áp ngay, chỉ có Mỹ Tho là quân Pháp phải đánh đến 15 ngày mới dẹp tan”.

Trước sự đàn áp của địch, lực lượng khởi nghĩa rút lui vào khu căn cứ để bảo toàn lực lượng, chuyển sang chiến tranh du kích, tiếp tục chiến đấu lâu dài, chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa lần thứ hai.

LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN RA ĐỜI SỚM NHẤT CẢ NƯỚC

Để bảo đảm công tác xây dựng và chỉ huy lực lượng vũ trang, ngày 12-8-1940, tại nhà ông Tư Tĩnh ở xóm Vườn, ấp Miễu Hội, xã Long Hưng, Tỉnh ủy Mỹ Tho tổ chức Hội nghị bàn công tác tổ chức lực lượng vũ trang, mua và chế tạo vũ khí, dự trữ lương thực, thuốc men, may cờ, in tài liệu, luyện tập quân sự chuẩn bị khởi nghĩa. Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Hữu Thường, Nguyễn Thanh Phong, Nguyễn Văn Ghè, Lê Văn Giác, Huỳnh Văn Chín, đồng chí Hòa, đồng chí Kỉnh, do đồng chí Phan Văn Khỏe, Xứ ủy viên Nam kỳ, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì.

Hội nghị quyết định thành lập Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Mỹ Tho gồm 7 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Hữu Thường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Chỉ huy trưởng; Ban Tham mưu cũng do đồng chí Nguyễn Hữu Thường làm Tham mưu trưởng; đồng chí Huỳnh Văn Chín và đồng chí Lê Văn Quới làm Ủy viên; Ban Quân nhu do đồng chí Nguyễn Văn Tân phụ trách; Ban Quân báo do đồng chí Trần Bá Thọ phụ trách; Ban Phá hoại do đồng chí Nguyễn Văn Ghè và đồng chí Lê Văn Quới phụ trách.

Giữa tháng 11-1940, Xứ ủy Nam kỳ quyết định phát động toàn xứ nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 21-11-1940, Thường vụ Xứ ủy thông báo cuộc khởi nghĩa bắt đầu lúc 24 giờ ngày 22-11-1940 và lệnh khởi nghĩa sẽ được phát đi từ thành phố Sài Gòn. Tại quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, hàng chục ngàn quần chúng đủ mọi tầng lớp tỏa khắp nơi trong tỉnh với cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm, trống, mõ tre cùng vũ khí giáo mác, tầm vông vạt nhọn nhất tề nổi dậy đánh chiếm đồn bót, đốt phá nhà việc, điếm canh, giải tán ban hội tề. Ngay trong ngày 23-11-1940, lực lượng vũ trang các cấp đã đóng vai trò chủ lực trong khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, trong bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ Tòa án nhân dân cách mạng xét xử bọn tay sai ác ôn...

Lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng cũng lần đầu tiên ra đời trên cả nước để tiến hành khởi nghĩa và bảo vệ thành quả cuộc khởi nghĩa giành được. Ngày 12-8 trở thành ngày truyền thống của Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Tiền Giang.

LÊ VĂN TÝ

.
.
.