Thứ Ba, 03/11/2020, 21:39 (GMT+7)
.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang:

Lưu ý các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội

(ABO) Sáng ngày 3-11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương (NSTƯ) năm 2021; kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 - 2020: Phát triển KT-XH, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; dự kiến mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và các kế hoạch: Đầu tư công trung hạn, tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang phát biểu ý kiến thảo luận.

Phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cơ bản thống nhất với nhiều nội dung được đề cập trong Báo cáo của Chính phủ, các báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội và nhấn mạnh một số điểm cần lưu ý về kết quả thực hiện Nghị quyết về phát triển KT-XH của Quốc hội trong 5 năm qua và phương hướng 5 năm tới, cụ thể như sau:

Vấn đề thứ nhất, về thu - chi NSNN: Trong 5 năm qua, cơ cấu thuế trực thu, gián thu tích cực hơn, chi đầu tư phát triển đạt cao hơn kế hoạch; cơ chế quản lý ngân sách có đổi mới, cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính được xếp thứ hạng cao. Thống nhất với nhận xét của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ở một số điểm:

Một là, việc thu NSNN chưa bền vững, số vượt thu ngân sách địa phương khá cao nhưng chủ yếu là các khoản thu từ vốn và thu từ đất đai có tính chất một lần. Cơ cấu NSTƯ/ngân sách địa phương trong tổng mức bố trí nguồn chi đầu tư phát triển chỉ đạt 40/60, không đạt theo Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 do thu NSTƯ những năm trước còn nhiều khó khăn, vai trò chủ đạo của NSTƯ trong đầu tư chưa được phát huy, trong lúc huy động nguồn lực ngoài ngân sách khó khăn dẫn đến một số dự án thiếu vốn, dở dang và tạo áp lực rất lớn cho giai đoạn tiếp theo.

Hai là, tình trạng thất thu thuế, nhất là ở khu vực ngoài quốc doanh chậm được cải thiện; công tác kê khai thuế, quản lý thuế đối với người nộp thuế là hộ kinh doanh còn không ít hạn chế. Nợ đọng thuế còn lớn, nhất là khoản thuế không có khả năng thu hồi.

Ba là, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN năm 2019 ước khoảng 18%, năm 2020 khả năng thu NSNN không đạt mục tiêu sẽ làm áp lực trả nợ tăng lên, tiến rất sát ngưỡng 25% đặt ra trong giai đoạn 2016 - 2020, cao hơn khá nhiều so với mức 15,8% cuối năm 2016.

Bốn là, tình hình giải ngân vốn đầu tư công và vốn ODA còn nhiều bất cập, có địa phương tỷ lệ giải ngân chưa đạt 50%. Do đó, cần quan tâm nhiều đến vấn đề giải ngân vốn ODA, bởi nguồn vốn này liên quan trực tiếp đến tiến độ hoàn thành dự án và nghĩa vụ trả lãi vay. Trong khi chúng ta thường xuyên nêu khó khăn trong đầu tư công là thiếu vốn, thì một nghịch lý đã tồn tại rất nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục triệt để chính là tình trạng giải ngân chậm, nhất là các dự án sử dụng vốn ODA.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nêu rõ: “Qua làm việc với một số bộ và báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương cho thấy, tại một số đơn vị, tỷ lệ giải ngân thực tế chỉ đạt khoảng 50%, còn các dự án sử dụng vốn ODA đều không giải ngân hết. Việc thực hiện điều chỉnh vốn từ các dự án chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân thấp sang các dự án có khả năng giải ngân chưa được triển khai quyết liệt.”

Năm là, tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN đã giảm dần, tuy nhiên vẫn còn ở mức cao (64,9% tổng chi NSNN năm 2017 xuống 64% năm 2020).

Sáu là, đối diện với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và một số ngành dịch vụ khác. Tình hình thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long. Tình hình mưa lũ thất thường gây thiệt hại rất lớn về tính mạng, tài sản của người dân và các công trình công cộng tại nhiều tỉnh, thành thuộc khu vực miền Trung. Do vậy, khả năng năm 2020 sẽ hụt thu NSNN, vì vậy Chính phủ đã kịp thời đưa ra các giải pháp điều hành NSNN xử lý hụt thu.

Tuy nhiên, trong 8 giải pháp Chính phủ đưa ra, chưa thấy Chính phủ có giải pháp đối với khoản chi mang tính khẩn cấp cho một số nhiệm vụ chi đặc biệt quan trọng và cần thiết. Cụ thể là nhiệm vụ cấp bách để khắc phục thiệt hại sau hạn hán, mưa lũ, hỗ trợ các địa phương, tiến hành sửa chữa xây dựng lại các công trình đảm bảo giao thông và an ninh quốc phòng.

Từ các điểm trên cho thấy, nhiệm vụ thu - chi NSNN trong giai đoạn tới sẽ là rất khó khăn. Cần có sự đồng lòng vào cuộc quyết liệt hơn của tất cả các ngành, các cấp. Việc thu hồi các khoản nợ tạm ứng NSNN cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt truy thu các khoản nợ thuế cần thực hiện công khai, đảm bảo công bằng cho tất cả những người nộp thuế.

Việc lập dự toán thu - chi ngân sách cần sát với thực tế hơn, đảm bảo khả thi, nhất là có tính toán đến mức độ hoàn thành dự toán. Rà soát, có kiểm điểm trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương có dự ODA chậm giải ngân, chậm tiến độ. Đồng thời, cần xem xét, cân nhắc tiếp tục cắt giảm nhiều nhiệm vụ chi thường xuyên chưa cấp bách.

Các giải pháp thuộc chính sách tài khóa trong thời gian tới cần được Chính phủ xây dựng cho nhiều tình huống khác nhau, trong đó, cần tập trung cho các kịch bản tài chính xấu nhất, khi mà dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu ngày càng bất thường. Để chia sẻ với khó khăn chung của nền kinh tế, Chính phủ đề xuất việc chưa tăng lương cơ sở trong năm 2021 để dành nguồn lực ưu tiên khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất, duy trì và phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới là phù hợp với tình hình thực tế.

Vấn đề thứ hai, về quy hoạch trong thời gian tới

Các tác động xấu của thời tiết, ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đã và đang làm nổi bật lên những hạn chế yếu kém của nước ta trong vấn đề quy hoạch, thực hiện quy hoạch, vấn đề đô thị hóa nhanh tại các thành phố lớn, cũng như các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong xây dựng… mà quan trọng nhất là tác động vào tự nhiên một cách có chủ đích để làm thay đổi, phá vỡ quy luật của tự nhiên, phát triển trái với quy luật tự nhiên. Cụ thể:

- Việc xây dựng quá nhiều các dự án thủy điện vừa và nhỏ làm phá vỡ một tỷ lệ diện tích rừng đáng kể, làm đất đá dễ xói mòn, nguy cơ lũ quét, lũ ống ngày càng gia tăng tại các vùng núi và trung du. Dù nhiệm kỳ vừa qua, đã rà soát và đưa ra ngoài danh mục đầu tư rất nhiều dự án đầu tư thủy điện vừa và nhỏ nhưng bên cạnh hiệu quả hoạt động của một số công trình thủy điện thời gian qua, thì một số công trình còn bộc lộ nhiều bất cập. Những tác động xấu từ các dự án thủy điện đã và đang được đầu tư này thể hiện công tác thẩm định dự án, công tác đánh giá tác động môi trường của dự án chưa thật sự tốt.

- Việc quy hoạch khu dân cư không đồng bộ, thiếu tầm nhìn để giải quyết các nhu cầu cấp bách về nhà ở, tình trạng lấp, lấn chiếm sông ngòi, kinh rạch để làm đất ở, xây dựng khu dân cư; hệ thống thoát nước ngầm chưa được chú trọng quy hoạch tương xứng, đồng bộ, nối kết với nhau đã và đang làm trầm trọng hơn tình trạng ngập lụt tại các thành phố lớn, khu đô thị đông dân cư. Giải pháp nâng đường chống ngập thời gian qua cho thấy chỉ là giải pháp tình thế, không mang lại nhiều hiệu quả, gây tràn ngập nhà dân, thiệt hại về tài sản, kinh tế và sức khỏe cho người dân bị ảnh hưởng và hàng loạt vấn đề dân sinh khác.

- Bên cạnh những tác động tích cực không thể phủ nhận của việc đắp đập ngăn mặn, đắp đê ngăn lũ để thực hiện các công trình ngọt hóa, bảo vệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp thì việc làm này cũng đã và đang gây ra nhiều hệ lụy. Trong đó có việc xâm nhập mặn ngày càng sâu vào nội đồng, giảm dần độ màu mỡ, phì nhiêu của đất, một phần do canh tác quá mức và phần khác do không được bồi đắp phù sa nhiều sau mỗi mùa lũ về như trước kia.

Từ những phân tích nêu trên cho thấy, công tác quy hoạch trong thời gian tới cần hết sức chú trọng và có sự phối hợp, kết hợp giữa nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau một cách đồng bộ, thống nhất, nhất là phải “thuận theo tự nhiên”, quy hoạch cần có tầm nhìn dài hạn hơn và gắn với phát triển bền vững.

Đồng thời, với vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, trong quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, cần nghiên cứu, ứng dụng nhiều hơn nữa trong sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ít ảnh hưởng xấu đến môi trường, sử dụng ít nguồn lực lao động… để tăng năng suất lao động của ngành, mang lại hiệu quả cao. Việc quy hoạch, khuyến nghị sản xuất nông nghiệp ngoài việc cần dựa trên điều kiện thổ nhưỡng, thì cần xem xét đến các yếu tố khác như mong muốn và nguyện vọng của người dân để đạt hiệu quả. Bởi, bao giờ người nông dân cũng luôn mong muốn đạt lợi nhuận cao trong đầu tư sản xuất nông nghiệp.

Mỗi loại đất tương ứng với từng loại cây trồng, vật nuôi khác nhau, mỗi loại cây trồng, vật nuôi lại có giá trị kinh tế không giống nhau, chưa tính đến việc điều kiện tự nhiên thuận lợi hay bất lợi cho sản xuất cũng ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng… nên việc có thực hiện đúng theo quy hoạch, khuyến nghị của cơ quan chức năng vẫn còn là ẩn số. Nguy cơ phá vỡ quy hoạch vẫn còn tiềm ẩn, gây nhiều hệ lụy đến việc xây dựng vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước, tác động trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong nước.

Vấn đề thứ ba, về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước

Báo cáo Chính phủ cho thấy, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn vẫn chậm. Theo danh mục doanh nghiệp nhà nước hoàn thành cổ phần hóa (hoàn thành việc bán cổ phần lần đầu) giai đoạn 2017 - 2020 là 128 doanh nghiệp nhưng đến nay mới đạt 28% kế hoạch. Theo danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 phải hoàn thành việc công bố giá trị là 93 doanh nghiệp nhưng đến nay mới hoàn thành có 3 doanh nghiệp. Lũy kế 8 tháng, đã thực hiện thoái vốn tại 20 doanh nghiệp, với giá trị sổ sách là 900 tỷ đồng, thu về 1.845 tỷ đồng.

Như vậy, gần như còn khoảng 70% nữa mới đạt kế hoạch doanh nghiệp nhà nước hoàn thành cổ phần hóa giai đoạn 2017 - 2020. Con số này quá cao, quá nhiều. Đề nghị Chính phủ cần chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nội dung này và mạnh dạn có các giải pháp tháo gỡ để thực hiện đạt các kế hoạch đề ra. Vấn đề này cũng được nhiều đại biểu đã kiên quyết bám đuổi tại nhiều kỳ họp Quốc hội trong nhiệm kỳ qua. Song đến nay, gần cuối nhiệm kỳ, các kết quả đạt được vẫn chưa được như mong muốn.

Bên cạnh đó, cần rà soát lại kết quả hoạt động của tất cả các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa. Vì, mục đích của việc cổ phần hóa doanh nghiệp chính là cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng đổi mới bộ máy quản lý, cách thức quản trị doanh nghiệp, vừa giảm bớt NSNN đầu tư cho một số lĩnh vực để tạo nguồn đầu tư cho các hoạt động khác, vừa đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp, tránh mất vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, cần xem xét, rạch ròi trách nhiệm của người đứng đầu các doanh nghiệp trong trường hợp điều hành doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, làm thất thoát, mất vốn nhà nước. Ở đây, cần nhận thức được rằng điều hành các doanh nghiệp có vốn sở hữu nhà nước chính là thực hiện song song hai nhiệm vụ kép, nhiệm vụ kinh tế và nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước phân công. Do đó, cần bảo tồn, phát huy nguồn vốn nhà nước đầu tư để làm tăng giá trị doanh nghiệp nói riêng và tăng nguồn lực NSNN nói chung.

Vấn đề thứ tư, về cải cách giáo dục

Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 32 ngày 26-12-2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông và thực hiện theo lộ trình như sau:

- Năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1.

- Năm học 2021 - 2022 đối với lớp 2 và lớp 6.

- Năm học 2022 - 2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10.

- Năm học 2023 - 2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11.

- Năm học 2024 - 2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Tuy nhiên, ngay tại giai đoạn đầu của lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông này đã vấp phải nhiều ý kiến dư luận xã hội khác nhau. Đa phần phản ánh đến những “hạt sạn” ngay chính trong sách giáo khoa, tài liệu để thực hiện giáo dục mà một số trường đã lựa chọn; vấn đề về giá sách giáo khoa và sự cần thiết của một số loại sách bài tập.

Song, nguyên nhân sâu xa của các vấn đề này phải chăng đến từ việc quá vội vàng trong khâu thẩm định nội dung sách giáo khoa của Hội đồng thẩm định. Vấn đề thiếu kiểm tra, giám sát của chính cơ quan chủ quản giáo dục trong thực hiện thẩm định hay chính trong sự quyết định lựa chọn sách giáo khoa của các địa phương để thực hiện theo lộ trình của Thông tư 32 mà vô tình xem nhẹ các yếu tố khách quan tác động đến việc thực hiện lộ trình, trong đó có sự bùng phát và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước đã ảnh hưởng đến việc nghiên cứu chọn lựa, tập huấn giảng dạy cho giáo viên đúng thời gian và đủ liều lượng.

Một điều đáng tiếc là sự phát hiện này đến từ cộng đồng xã hội, phụ huynh học sinh chứ không phải đến từ các cơ quan giáo dục có liên quan hoặc đến từ các cơ sở giáo dục. Như vậy, đâu là bất cập của tình trạng này? Các cơ sở giáo dục chưa quan tâm đến tài liệu giáo dục của mình lựa chọn để giảng dạy cho học sinh hay các ý kiến phản biện góp ý của các cơ sở giáo dục, của chính người trực tiếp giảng dạy chưa được ghi nhận, xem xét, tiếp thu một cách đúng mức, thấu đáo?  Hay do sự phân định và xác định trách nhiệm của chủ biên, tác giả trong biên soạn, chỉnh sửa nội dung sách giáo khoa cũng như trách nhiệm của chính Hội đồng thẩm định? Do đó, cần làm rõ các nội dung hạn chế này để có giải pháp khắc phục hữu hiệu hơn, vì giáo dục không chỉ dành riêng cho một cá nhân mà là chương trình giáo dục tác động đến cả một thế hệ.

Tóm lại, dù là gì đi chăng nữa, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần hết sức nghiêm túc rút kinh nghiệm để kịp thời chấn chỉnh, hoàn thiện hơn chương trình sách giáo khoa lớp 1 hiện hành. Đặc biệt, cần đảm bảo mục tiêu đổi mới chương trình, sách giáo khoa là nhằm giảm tải cho học sinh các cấp học. Đồng thời, cần chuẩn bị tốt hơn nữa việc biên soạn và cho ra đời bộ sách giáo khoa, chương trình giáo dục lớp 2 và lớp 6 trong năm học 2021 - 2022 theo Thông tư 32.

Theo đó, quan tâm nhiều hơn đến vấn đề giá sách giáo khoa, vì nếu sách giáo khoa trong những năm tới có giá bằng hoặc cao hơn giá bộ sách giáo khoa lớp 1 hiện hành thì sẽ là vấn đề khó khăn cho phần lớn các gia đình ở một số vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn có con em đi học. Bởi, sách giáo khoa chỉ là một phần chi phí đầu tư cho giáo dục, còn có các loại chi phí như trang phục, dụng cụ học tập... và các khoản chi phí học tập khác cần đầu tư.

          MINH NHỰT (tổng hợp)

 


 

.
.
.