Thứ Ba, 12/01/2021, 21:12 (GMT+7)
.
Đại biểu HĐND tỉnh Tiền Giang và huyện Châu Thành tiếp xúc cử tri:

Nhiều phản ánh, kiến nghị về giải pháp phòng, chống hạn, mặn

(ABO) Ngày 12-1, đại biểu HĐND tỉnh Tiền Giang và HĐND huyện Châu Thành đã có các buổi tiếp xúc cử tri các xã: Thạnh Phú, Long Hưng, Long Định, Song Thuận, Kim Sơn, Bình Đức của huyện Châu Thành.

Tại các buổi tiếp xúc, đại biểu HĐND tỉnh Tiền Giang đã thông tin đến cử tri kết quả nội dung kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Tiền Giang khóa IX; đại biểu HĐND huyện Châu Thành thông báo kết quả kỳ họp thứ 15, HĐND huyện Châu Thành khóa XI và trả lời một số kiến nghị của cử tri trong lần tiếp xúc trước.

Tiếp đó, cử tri các xã có nhiều ý kiến, kiến nghị những vấn đề liên quan đến đời sống và công tác xây dựng chính quyền.

NHIỀU CỐNG MỚI ĐƯA VÀO SỬ DỤNG ĐÃ HƯ HỎNG

Cử tri xã Thạnh Phú có ý kiến, công trình 62 cống ở kinh 6 Ầu - Xoài Hột mới đưa vào sử dụng hơn 1 năm, đến nay đã xuống cấp. Do đó, cử tri kiến nghị ngành chức năng sớm làm việc với đơn vị thi công công trình có giải pháp sửa chữa khắc phục, đảm bảo việc ngăn mặn trong thời gian tới.

Cử tri phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc
Cử tri xã Thạnh Phú phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc.

Trả lời vấn đề này, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) huyện Châu Thành cho biết: Công trình 62 cống ở kinh 6 Ầu - Xoài Hột hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2019 nhưng nay đã xuống cấp. Khi nhận được phản ánh của người dân, trước ngày 22-12-2020, UBND xã Thạnh Phú có báo cáo về UBND huyện Châu Thành và UBND huyện đã cử đoàn tư vấn giám sát đến khảo sát, kiểm tra có 41 cống hư nhưng do công trình đã hết thời gian bảo hành nên không thể yêu cầu đơn vị thi công sửa chữa. Mặt khác, do nguồn kinh phí của huyện có hạn nên trước mắt Phòng NN&PTNT tham mưu UBND huyện Châu Thành xem xét cân đối kinh phí trong năm 2021 sẽ sửa 14 cống hư hỏng nặng, số cống còn lại sẽ kiến nghị về tỉnh xem xét cho ý kiến chỉ đạo.

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri huyện Châu Thành
Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri huyện Châu Thành.

Trả lời kiến nghị cử tri, đại biểu HĐND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Kim Nhung cho biết, thời gian qua, vấn đề xây dựng cống, đập ngăn mặn được lãnh đạo tỉnh rất quan tâm. Cụ thể, sau đợt hạn, mặn vừa qua, tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn về kịch bản ngăn mặn, trữ ngọt trong năm 2021. Hiện tỉnh đang kiến nghị Bộ NN&PTNT đầu tư xây dựng cho Tiền Giang 4 cống đập gồm: Nguyễn Tấn Thành, Kim Sơn, Phú Phong (huyện Châu Thành) và Hai Tân (huyện Cai Lậy) với tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng để ngăn mặn, trữ ngọt.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Nhung đề nghị Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành nhanh chóng tham mưu cho UBND huyện sửa chữa các cống hư trong khả năng của huyện, số còn lại ngoài khả năng huyện thì báo cáo về Sở NN&PTNT, UBND tỉnh sớm có chỉ đạo xử lý.

BẤT CẬP TRONG QUY ĐỊNH TÁCH THỬA

Nhiều cử tri xã Thạnh Phú phản ánh về quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa trên địa bàn còn nhiều bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền được thừa hưởng, sử dụng đất của người dân. Theo đó, cử tri trình bày nếu diện tích đất ở hoặc đất nông nghiệp dưới 500 m2 sẽ không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trả lời phản ánh của cử tri về vấn đề này, lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Châu Thành cho biết: Vào tháng 5-2020, UBND tỉnh Tiền Giang có ban hành Quyết định 08 quy định về diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, quyết định này nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Luật Đất đai.

Theo đó, Quyết định 08 của UBND tỉnh Tiền Giang có quy định tách thửa đối với từng loại đất. Ở đây, cử tri chủ yếu thắc mắc 2 loại đất gồm đất ở và đất nông nghiệp và Quyết định 08 quy định rõ, đối với đất ở có vị trí tại mặt tiền đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ thuộc địa bàn các huyện, thành, thị thì diện tích tối thiểu để được tách thửa là 50 m2. Đối với khu vực đất nông nghiệp có vị trí tại mặt tiền quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ mà nằm trong khu vực quy hoạch có đất phi nông nghiệp thì diện tích tối thiểu tách thửa là 150 m2.

Cử tri huyện Châu Thành phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc
Cử tri huyện Châu Thành phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc.

Đối với đất ở nông thôn ở địa bàn huyện chủ yếu là đất không thuộc các vị trí quốc lộ, tuyến đường chính, khu vực quy hoạch đất không nhiều thì diện tích tách thửa phải trên 500 m2 trở lên, còn đối với đất ở xen nông nghiệp thì diện tích tối thiểu tách thửa là 300 m2.

Lý do là trước đây, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Quyết định 22 thì cho phép tách thửa đất nông nghiệp với diện tích nhỏ hơn, tuy nhiên đối với đất làm nông nghiệp với diện tích 100 m2, 200 m2, 300 m2 thì không đảm bảo chất lượng làm nông nghiệp và có một số người lợi dụng quy định của pháp luật để tách thửa, phân lô.

Quyết định 22 được ban hành một thời gian đã được thay thế bằng Quyết định 08 của UBND tỉnh Tiền Giang về diện tích tối thiểu được tách thửa. Quyết định 08 có hạn chế hơn đối tượng so với Quyết định 22, theo đó, đối với trường hợp cha mẹ chuyển nhượng đất cho con vẫn phải đảm bảo diện tích tối thiểu đất là 500 m2 mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Châu Thành cũng bày tỏ sự đồng cảm với cử tri về những gia đình đông con thì với diện tích đất nhỏ nếu phân tách thửa cho con sẽ không đảm bảo diện tích thửa đất theo Quyết định 08; đồng thời, ghi nhận ý kiến của cử tri và sẽ kiến nghị lên cấp trên xem xét.

NHIỀU GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ HẠN, MẶN

Nhiều cử tri xã Kim Sơn bày tỏ sự lo lắng về hạn, mặn trong thời gian tới sẽ gây thiệt hại đến diện tích cây trồng. Do đó, cử tri mong muốn được hỗ trợ về các giải pháp phòng, chống hạn, mặn kịp thời hiệu quả. Cũng trong buổi tiếp xúc, một số cử tri phản ánh về hệ thống cấp nước cho người dân ở xa nguồn nước chính không được đảm bảo, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân chưa được đáp ứng đầy đủ.

Trả lời về vấn đề này, đại diện Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành cho biết, theo dự báo của Bộ NN&PTNT và Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang thì mức độ hạn, mặn năm 2021 sẽ không nghiêm trọng như năm 2020 và năm 2016. Tuy nhiên, ảnh hưởng mặn sẽ đến sớm nhưng không kéo dài, do đó trước mắt về phía tỉnh sẽ có giải pháp ngăn mặn, trữ nước ngọt ở đập thép Nguyễn Tấn Thành và phía huyện Châu Thành sẽ cố gắng xử lý ở 3 đập gồm đập 26-3, đập Thuộc Nhiêu và đập Ông Hổ; trong đó, đập Thuộc Nhiêu và đập Ông Hổ là để bảo vệ nguồn nước cho kinh Nguyễn Tấn Thành, đảm bảo nước phục vụ sinh hoạt. Bên cạnh đó, Phòng NN&PTNT huyện cũng khuyến cáo người dân nên nạo vét, khai thông dòng chảy để trữ nước.

Cử tri phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc
Cử tri xã Kim Sơn phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc.

Còn đối với vấn đề nâng cấp hệ thống cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong mùa hạn, mặn, đại diện UBND xã Kim Sơn cho biết, hệ thống cấp nước xã Kim Sơn được xây dựng từ năm 2008, đến nay đã hơn 10 năm, với số hộ dân trong khu dân cư ngày càng đông nên hệ thống đường nước tải không đủ cung cấp cho những hộ dân ở các đường nước nhánh tẻ. UBND xã đã có văn bản đề nghị Trạm cấp nước xã Kim Sơn và Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang nâng cấp đường ống cung cấp nước, đảm bảo nước sạch sinh hoạt cho người dân xã Kim Sơn trong mùa hạn, mặn sắp tới.

đại biểu HĐND tỉnh, Nguyễn Thị Kim Nhung
Đại biểu HĐND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Kim Nhung trả lời các ý kiến thắc mắc của cử tri huyện Châu Thành.

Giải thích thêm về vấn đề cung cấp nước sinh hoạt mà cử tri quan tâm, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Kiệt cho biết, UBND tỉnh Tiền Giang đã có Kế hoạch 82 về việc phê duyệt cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và sau năm 2020. Theo đó, UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang, Sở NN&PTNT quan tâm, kiểm tra, tiến hành thực hiện tốt công việc này. Bên cạnh nguyên nhân đường truyền tải nước chưa đảm bảo, thì việc người dân thuộc các xã Kim Sơn, Bàn Long, Vĩnh Kim ở đầu nguồn nước tranh thủ lấy nước nhiều để dự trữ đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc sử dụng nước của người dân ở cuối nguồn.

Do đó, Phòng TN&MT huyện Châu Thành đã tham mưu UBND huyện làm tốt công tác kiểm tra, nhắc nhở các hô dân về vấn đề này. Đồng thời, Sở TN&MT tỉnh Tiền Giang đã tham mưu UBND tỉnh cấp phép thăm dò, khai thác 2 giếng ở xã Bàn Long nhằm cung cấp nguồn nước cho cả xã Kim Sơn và xã Song Thuận, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân trong thời gian tới.

HOÀI THU - NHƯ NGỌC

.
.
.