Thứ Tư, 27/01/2021, 10:43 (GMT+7)
.
KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY BÁC HỒ VỀ NƯỚC, TRỰC TIẾP LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG VIỆT NAM (28-1-1941 - 28-1-2021)

Mùa Xuân năm 1941 - một mùa xuân kỳ diệu

Đối với dân tộc Việt Nam, mùa Xuân năm 1941 thực sự là một mùa xuân kỳ diệu, bởi đó là mùa xuân lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Người trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đã mang theo sắc xuân bất diệt cho đất nước Việt Nam. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng, kết thúc chặng đường dài tìm đường cứu nước, hoạt động sôi nổi, đầy khó khăn, hiểm nguy của Người ở nước ngoài; đồng thời, mở ra thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam - thời kỳ chuẩn bị về mọi mặt, tiến tới phát động cao trào Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Tỉnh Cao Bằng - mảnh đất phía Đông Bắc của Tổ quốc, chính là sự lựa chọn của Người. Ngày 28-1-1941 (nhằm mùng Hai Tết Tân Tỵ), Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt qua mốc 108 (nay là cột mốc 675) biên giới Việt Nam - Trung Quốc về đến Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Đồng bào Pác Bó và nhân dân các dân tộc Cao Bằng vinh dự, tự hào thay mặt nhân dân cả nước đón Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

CAO BẰNG - CĂN CỨ ĐỊA CÁCH MẠNG ĐẦU TIÊN

Trong quá trình hoạt động ở nước ngoài, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc luôn theo dõi sát sao tình hình trong nước để tìm thời điểm thích hợp trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Đầu năm 1940, tình hình thế giới có nhiều biến chuyển mau chóng. Sự kiện Chính phủ Pháp đầu hàng phát xít Đức (tháng 6-1940) theo Người nhận định “là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”. Tháng 10-1940, khi chính thức quyết định chọn Cao Bằng để xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi.

Tranh vẽ Bác Hồ về nước ngày 28-1-1941.
Tranh vẽ Bác Hồ về nước ngày 28-1-1941.

Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”. Cũng trong thời gian này, đồng chí Hoàng Văn Thụ được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ đi đón Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tháng 12-1940, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã gặp Người tại Tĩnh Tây (Trung Quốc), báo cáo với Người về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần thứ VIII và đề nghị Người về nước theo hướng Cao Bằng. Lời đề nghị trên trùng với nhận định của Người. Trong thời gian chuẩn bị về nước, Người còn tổ chức một lớp huấn luyện chính trị cho 40 thanh niên Cao Bằng yêu nước tại Nặm Quang, Ngàm Tảy (Trung Quốc), làm hạt nhân cho việc xây dựng phong trào cách mạng ở địa phương sau này.

Kỷ niệm 80 năm Ngày Bác Hồ trở về nước vào thời điểm đang diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; từ đó khẳng định ý nghĩa, giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay. Qua đó giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, truyền thống lịch sử, thể hiện lòng tự hào, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước; thi đua lập thành tích thiết thực chào mừng thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đồng thời, góp phần sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống.

Ngày 28-1-1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Thế An, Đặng Văn Cáp, Hoàng Văn Lộc vượt qua mốc 108 biên giới Việt Nam - Trung Quốc về đến Pác Bó - một nơi “bí mật”, có “hàng rào quần chúng bảo vệ và có đường rút lui”. Đến cột mốc biên giới 108, Bác dừng lại cúi đọc những dòng chữ khắc sâu trên đá, rồi đứng lặng hồi lâu hướng tầm mắt nhìn về phía dải đất Tổ quốc điệp trùng. Đất trời đang vào xuân, hoa nở thắm núi rừng. Tại đây, thời gian đầu, Người ở với đồng bào Pác Bó, nhưng để đảm bảo bí mật, ngày 8-2-1941 Người chuyển vào hang Cốc Bó thuộc bản Pác Bó, nơi có đường sang biên giới, có thể rút lui an toàn khi bị lộ.

Từ đây, Cốc Bó trở thành đầu nguồn của cách mạng Việt Nam. Tại Pác Bó, tháng 5-1941 Người triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hoàn chỉnh chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng, quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh. Đây là một quyết sách đúng đắn và sáng tạo, một sự chuyển hướng chiến lược cách mạng kịp thời trong tư tưởng chính trị của Đảng ta trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối cách mạng Hồ Chí Minh. Và cũng chính mùa xuân đầu tiên ấy, từ nơi đầu nguồn thiêng liêng, Người đã cho ra đời bài thơ xuân tuyệt tác tựa đề Pác Bó hùng vĩ: Non xa xa, nước xa xa / Nào phải thênh thang mới gọi là / Đây suối Lênin, kia núi Mác / Hai tay xây dựng một sơn hà.

TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC CỦA VỊ LÃNH TỤ THIÊN TÀI

Với nhận định, đánh giá và sự lựa chọn thiên tài của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Pác Bó - Hà Quảng - Cao Bằng đã trở thành “đại bản doanh” của căn cứ Việt Bắc, trở thành “cội nguồn”, “chiếc nôi của cách mạng Việt Nam”. Đúng như lời khẳng định của Người, chỉ hơn 4 năm sau, giang sơn Tổ quốc đã thu về một mối, từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ và sự đồng lòng của nhân dân, cách mạng Việt Nam đã giành thắng lợi vang dội trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Và mùa xuân độc lập đầu tiên - Xuân Bính Tuất năm 1946 đã trở về trên toàn cõi đất nước ta. Sự thành công của Cách mạng Tháng Tám đánh dấu một bước ngoặt mới cho cách mạng Việt Nam, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của độc lập, tự do, hạnh phúc với những mùa xuân thắng lợi.

Sự kiện Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam cho thấy tầm nhìn chiến lược của vị lãnh tụ thiên tài, không chỉ tạo ra bước ngoặt to lớn của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, mà còn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là bài học về xây dựng căn cứ địa cách mạng; bài học về dự báo và nhận định, đánh giá đúng tình hình, xu thế vận động của cách mạng, từ đó kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, sách lược cách mạng phù hợp với tình hình thực tiễn đặt ra; bài học về  xác định “thời cơ” và chớp thời cơ cách mạng; bài học về xây dựng thế trận lòng dân, tuyệt đối trung thành, ủng hộ, bảo vệ Đảng và cách mạng thành công; bài học về xác định nhiệm vụ cách mạng; bài học về tập hợp, xây dựng lực lượng cách mạng trong một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi (Mặt trận Việt Minh); bài học về công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trước sự thay đổi của tình hình. Những bài học này có giá trị và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay và mãi mai sau.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.