Thứ Hai, 03/05/2021, 16:03 (GMT+7)
.
KHU DI TÍCH CHIẾN THẮNG NGÃ SÁU - BẰNG LĂNG:

"Địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng

“Chiến tranh, bom đạn trên đầu ai cũng sợ, nhưng vì quê hương, đất nước, quân và dân mình đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm, quyết tâm giành thắng lợi…” - cựu chiến binh (CCB) Lê Văn Trạng từng tham gia trận chiến Ngã Sáu - Bằng Lăng đã chia sẻ với chúng tôi về những năm tháng chiến tranh.

Những ngày tháng tư, trong không khí cả nước chào mừng kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2021), trở lại Khu di tích Ngã Sáu - Bằng Lăng, nghe các chú, các bác kể về những ngày chiến tranh gian khổ mà đầy tự hào, chúng tôi càng trân trọng và tri ân quá khứ…

Các cựu chiến binh xã Mỹ Trung  tham quan  Khu di tích  Chiến thắng  Ngã Sáu -  Bằng Lăng.
Các cựu chiến binh xã Mỹ Trung tham quan Khu di tích Chiến thắng Ngã Sáu - Bằng Lăng.

KÝ ỨC TRẬN CHIẾN NGÃ SÁU - BẰNG LĂNG

Chúng tôi hẹn Thiếu tướng Nguyễn Văn Lưỡng, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9 (viết tắt là Thiếu tướng) vào một ngày tháng tư. Thiếu tướng ngồi chờ sẵn khi hay tin chúng tôi đến thăm. Dù đã 46 năm trôi qua, nhưng khi nhắc về những năm tháng chiến tranh, nhất là trận chiến Ngã Sáu - Bằng Lăng tại xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), được Thiếu tướng kể lại một cách say sưa, với bao cảm xúc đầy tự hào về sự mưu trí của Đảng, của Quân đội, mà trực tiếp là Quân khu 8 và Tỉnh ủy Mỹ Tho đã phân tích, đánh giá đúng tình hình, âm mưu, thủ đoạn của địch và đề ra chủ trương phù hợp với thực tế chiến trường; chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ và địa bàn trọng điểm chuẩn bị tốt phương án tác chiến.

Thiếu tướng cho biết: Xã Mỹ Trung có vị trí địa lý hết sức đặc biệt, nằm sâu trong vùng Đồng Tháp Mười, nơi tiếp giáp giữa huyện Cái Bè (tỉnh Mỹ Tho nay là tỉnh Tiền Giang) và huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp). Tại đây, 2 xã Mỹ Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho) và Phú Điền (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) chỉ cách nhau bởi con kinh Bằng Lăng.

Do có vị trí địa chiến lược, Mỹ - ngụy đã xây dựng một căn cứ quân sự lớn, thường gọi là yếu khu Ngã Sáu, đồn trú tiểu đoàn bảo an với 250 lính, trang bị cả pháo binh hạng nặng, nhằm khống chế căn cứ cách mạng nằm trong vùng Đồng Tháp Mười.

Toàn bộ căn cứ như một pháo đài đồ sộ, áng ngữ tại một yếu điểm quan trọng ở cửa ngõ Đồng Tháp Mười, nơi tiếp giáp 3 tỉnh Mỹ Tho, Kiến Phong và Kiến Tường... Trung đoàn 24 có sở trường đánh công kiên, Trung đoàn 320 lập trận địa phục kích trên cánh đồng Bằng Lăng nhằm tiêu diệt quân tiếp viện, Trung đoàn 207 đứng chân trên kinh Nguyễn Văn Tiếp B làm đội dự bị…

Nhiệm vụ được giao cho Trung đoàn 24 giỏi về chiến thuật là đánh cường tập, nhiều kinh nghiệm diệt địch trong công sự vững chắc, thực hành trận đánh then chốt số 1, đã chiến đấu ngoan cường suốt 18 giờ, dứt điểm căn cứ Ngã Sáu. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chống Pháp và chống Mỹ ở Quân khu 8 ra quân công đồn tiêu diệt địch cấp tiểu đoàn, thu toàn bộ vũ khí, trong đó có 2 khẩu pháo 105 mm và 1 hầm đạn pháo…

Chiến thắng Ngã Sáu - Bằng Lăng có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với quân và dân tỉnh Mỹ Tho nói riêng, cả nước nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; không những thúc đẩy khí thế cách mạng dâng lên ở các tỉnh giáp ranh, mà còn là tiền đề để quân và dân tỉnh Mỹ Tho vững bước tiến vào cuộc Tổng chiến dịch Xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng tỉnh Mỹ Tho, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy gian khổ, hy sinh nhưng vô cùng hào hùng, vẻ vang của dân tộc ta.

VIẾT TIẾP TRANG SỬ HÀO HÙNG

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Di tích Ngã Sáu - Bằng Lăng góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng vẻ vang ở địa phương. Đến năm 2007, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang đã quyết định xây dựng công trình Bia Chiến thắng Ngã Sáu - Bằng Lăng tại xã Mỹ Trung trên nền đồn cũ của địch, với quy mô tổng diện tích san lấp nền trên 4.000 m2, gồm các hạng mục: Công viên, sân đường nội bộ, cổng rào, phòng trưng bày, Bia Chiến thắng.

Trong đó, Bia Chiến thắng có diện tích xây dựng 254 m2, chiều cao 20 m, với biểu tượng đóa sen vươn lên giữa Đồng Tháp Mười. Khu di tích nhằm khắc ghi lại chiến công vang dội của quân và dân ta trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Năm 2020, UBND tỉnh Tiền Giang quyết định xếp hạng Di tích Chiến thắng Ngã Sáu - Bằng Lăng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Trung Nguyễn Chí Phát cho biết, sau ngày giải phóng, cán bộ và nhân dân xã nhà tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng trong công cuộc kiến thiết lại quê hương, kinh tế - xã hội không ngừng phát triển, làm tốt công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người có công, phúc lợi xã hội và đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Năm 2015, Mỹ Trung vinh dự được công nhận danh hiệu Xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2017, Mỹ Trung được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đặc biệt, Khu di tích Chiến thắng Ngã Sáu - Bằng Lăng sau khi được lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đầu tư xây dựng, xã luôn quan tâm bảo tồn, gìn giữ, tạo điều kiện để các ban, ngành, đoàn thể xã, huyện và các tỉnh lân cận tổ chức “về nguồn” tưởng nhớ công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến Ngã Sáu - Bằng Lăng lịch sử năm xưa…

HOÀI THU

.
.
.