Thứ Hai, 17/05/2021, 14:12 (GMT+7)
.
KỶ NIỆM 120 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ PHÙNG CHÍ KIÊN (18-5-1901 - 18-5-2021):

Nhà chính trị, quân sự song toàn, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(ABO) Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Phùng Chí Kiên đã vượt qua mọi gian khổ, hiểm nguy để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hai lần bị bắt giam, đày ải trong chốn lao tù tàn bạo của chính quyền Tưởng Giới Thạch và thực dân Anh, đồng chí Phùng Chí Kiên luôn vững vàng tinh thần cách mạng, giữ vững khí tiết của người cộng sản.

Đồng chí Phùng Chí Kiên
Đồng chí Phùng Chí Kiên.

Đồng chí Phùng Chí Kiên tên thật là Nguyễn Vĩ, sinh ngày 18-5-1901 trong một gia đình nông dân ở làng Mỹ Quan, tổng Vạn Phần (nay là xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), quê hương giàu truyền thống cách mạng. Học hết bậc sơ học, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Nguyễn Vĩ phải nghỉ học ở nhà làm ruộng. Vốn là người thông minh, có ý chí, ham học hỏi và lớn lên trong cảnh đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, tận mắt chứng kiến bao nỗi đau của quê hương, đất nước, Nguyễn Vĩ sớm mang trong mình những khát khao, hoài bão cứu nhà, cứu nước, cứu dân.

Năm 1925, Nguyễn Vĩ ra làm thuê ở ga Yên Lý, huyện Diễn Châu. Tại đây, Nguyễn Vĩ gặp gỡ, giao lưu với nhiều tầng lớp người, nhiều luồng tư tưởng, trong đó có cả những người đã từng tham gia Hội Duy Tân của Phan Bội Châu. Từ đó, Nguyễn Vĩ biết được những hoạt động của Hội Duy Tân và sớm tiếp cận ánh sáng tư tưởng tiến bộ; được biết những tin tức về thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, về phong trào cộng sản quốc tế, những hoạt động của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu. Thời gian này, Tổng hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu, Trung Quốc đã cử cán bộ về Nghệ Tĩnh hoạt động, Nguyễn Vĩ được giác ngộ, dìu dắt, giúp đỡ, kết nạp vào Hội.

Với 16 năm hoạt động cách mạng liên tục, kể từ khi được giác ngộ lý tưởng đấu tranh giải phóng dân tộc cho đến hơi thở cuối cùng, đồng chí Phùng Chí Kiên đã có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đồng chí là nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà chính trị, quân sự song toàn, người chiến sĩ kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Tháng 10-1926, Nguyễn Vĩ được tổ chức cử đến Quảng Châu dự lớp huấn luyện chính trị đầu tiên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Nguyễn Vĩ đổi tên là Phùng Chí Kiên, sau khóa học, đồng chí Phùng Chí Kiên được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gửi vào học tại Trường Quân sự Hoàng Phố. Năm sau, do Tưởng Giới Thạch phản bội, nhà trường bị đóng cửa, đồng chí Phùng Chí Kiên cùng với cán bộ cách mạng Việt Nam đứng về phía Đảng Cộng sản Trung Quốc chống lại hành động phản cách mạng của bọn quân phiệt.

Tháng 12-1927, khi khởi nghĩa ở Quảng Châu nổ ra, đồng chí Phùng Chí Kiên chỉ huy một đơn vị của đội quân cộng sản. Ngày 30-12-1928, đồng chí Phùng Chí Kiên bị quân Tưởng bắt và giam trong nhà tù Quảng Châu. Sau 9 tháng giam cầm, đồng chí Phùng Chí Kiên được trả tự do và trở lại Trường Quân sự Hoàng Phố.

Tháng 12-1929, đồng chí Phùng Chí Kiên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc, gia nhập Hồng quân và thời gian sau được tín nhiệm và được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 4, Quân đoàn 2, Hồng quân Đông Giang.

Tháng 12-1930, Đảng Cộng sản Đông Dương gọi đồng chí Phùng Chí Kiên về Hồng Kông. Tại đây, đồng chí gặp lại lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được truyền đạt những chủ trương, đường lối mới của Đảng sau hội nghị hợp nhất. Những ngày ở Hồng Kông, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Tháng 1-1931, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã gửi đồng chí Phùng Chí Kiên sang học tại Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế cộng sản.

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Phùng Chí Kiên đã vượt qua mọi gian khổ, hiểm nguy để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Phùng Chí Kiên đã vượt qua mọi gian khổ, hiểm nguy để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

“Đồng chí Phùng Chí Kiên với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An” - đó là chủ đề Hội thảo khoa học do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp tổ theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An.

Hội thảo là hoạt động thiết thực kỷ niệm 120 năm ngày sinh của đồng chí Phùng Chí Kiên nhằm tưởng nhớ, tri ân và tôn vinh cuộc đời cách mạng cao đẹp, những cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, dân tộc Việt Nam và quê hương Nghệ An.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Phùng Chí Kiên đã vượt qua mọi gian khổ, hiểm nguy để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hình ảnh đồng chí Phùng Chí Kiên dù bị kẻ địch phục kích bắn trọng thương, vẫn kiên quyết ở lại đánh chặn địch để đồng đội rút lui, kiên cường chiến đấu đến hơi thở cuối cùng trước mũi súng quân thù là biểu tượng sâu sắc cho bản lĩnh, khí phách và tình cảm cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản.

Đồng chí ngã xuống nhưng cuộc đời cách mạng cao đẹp, những hoạt động và cống hiến to lớn của đồng chí vẫn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc Việt Nam, vẫn mãi là tấm gương đạo đức cách mạng ngời sáng cho các thế hệ cán bộ, đảng viên học tập, noi theo.

Năm 1934, đồng chí Phùng Chí Kiên về Ma Cao, Trung Quốc và tham gia Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng. Tháng 3-1935, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng họp ở Ma Cao, Trung Quốc, đồng chí Phùng Chí Kiên được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được chỉ định vào Ban Thường vụ của Đảng.

Giữa năm 1937, đồng chí Phùng Chí Kiên được cử về Sài Gòn cùng đồng chí Hà Huy Tập trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước. Do yêu cầu mới của cách mạng, cuối năm 1937, đồng chí Phùng Chí Kiên quay lại Hồng Kông, Trung Quốc lãnh đạo Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng thay cho đồng chí Lê Hồng Phong về nước hoạt động.

Với tư cách là người được Ban Chấp hành Trung ương Đảng phân công phụ trách công việc ở ngoài của Đảng, đồng chí Phùng Chí Kiên không thể rời bỏ công việc của mình mà thường xuyên giữ liên lạc không bị ngắt quãng với trong nước, với Đảng Cộng sản Xiêm, Đảng Cộng sản Trung Quốc cho đến cuối tháng 10-1938 khi đồng chí bị bắt. Sau khi được trả tự do và bị trục xuất khỏi Hồng Kông, đồng chí Phùng Chí Kiên đến các tỉnh Quảng Đông, Vân Nam, Trung Quốc. Giữa năm 1939, đồng chí Phùng Chí Kiên có mặt tại Côn Minh, sẵn sàng cho những công việc mới của Đảng, của cách mạng trong hoàn cảnh mới.

Đầu năm 1940, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến Côn Minh, Trung Quốc, thời gian này, đồng chí Phùng Chí Kiên được làm việc gần Người và nhiều lần đưa lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đi thăm, khảo sát những cơ sở cách mạng dọc tuyến đường sắt Côn Minh - Hà Khẩu.

Tháng 6-1940, Pháp đầu hàng Đức, Nhật nhảy vào Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc xem đây như là thời cơ đã từng mong đợi cho việc trở về nước của mình, Người cùng với Ban Chỉ huy ở ngoài lựa chọn địa điểm trở về Tổ quốc.

Ngày 28-1-1941, đồng chí Phùng Chí Kiên theo lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Pác Bó, tỉnh Cao Bằng. Ở đây, đồng chí hoạt động bên cạnh Người và đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng, bảo vệ khu căn cứ. Để có tài liệu giảng dạy cho cán bộ địa phương, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lại giao cho đồng chí Phùng Chí Kiên soạn thảo các bài viết về “Con đường giải phóng dân tộc”, trong đó có nội dung về đấu tranh vũ trang, chiến tranh cách mạng, chiến thuật chiến tranh du kích; đồng thời, tổ chức các lớp huấn luyện quân sự cho các địa phương ở Cao Bằng, đào tạo cán bộ Việt Minh cho các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn và các tỉnh miền xuôi.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VIII (tháng 5-1941), đồng chí Phùng Chí Kiên được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và phân công phụ trách công tác quân sự Đảng, trực tiếp chỉ đạo khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai và Đội Cứu quốc quân.

Tháng 9-1940, khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra, gây tiếng vang lớn trong cả nước, làm thực dân Pháp ra sức tìm cách đối phó. Cuối tháng 6-1941, chúng mở cuộc càn quét lớn vào khu căn cứ cách mạng của ta nhằm bắt các đồng chí lãnh đạo Đảng, tiêu diệt cơ quan đầu não của Việt Minh và lực lượng vũ trang cách mạng mới hình thành.

Chúng huy động tới 4.000 quân, đủ các sắc lính cùng bọn cường hào phản động địa phương, tổ chức tấn công khu căn cứ. Đồng chí Phùng Chí Kiên chỉ huy Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn chiến đấu, phá một số trận càn lớn của Pháp. Do chênh lệch lực lượng và vũ khí, Ban lãnh đạo căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai quyết định để lại một tiểu đội chặn đối phương, còn hai tiểu đội phá vòng vây, rút lên Cao Bằng để bảo toàn lực lượng.

Toàn cảnh hội thảo tại điểm cầu Hà Nội.
Toàn cảnh hội thảo tại điểm cầu Hà Nội.

Ngày 19-8-1941, cánh quân do đồng chí Phùng Chí Kiên và Lương Văn Tri (Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ) chỉ huy qua Pò Kép (châu Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) thì bị địch phục kích, nhưng đơn vị thoát được. Ngày 21-8, đơn vị lại bị phục kích tại xã Bằng Đức trên đường đi Cao Bằng. Mặc dù bị thương nặng, đồng chí Phùng Chí Kiên vẫn giữ chặt khẩu súng, bắn chặn quân địch để đồng đội thoát khỏi vòng vây. Đồng chí đã kiên cường chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và anh dũng hy sinh vào ngày 22-8-1941, khi mới 40 tuổi, lúc tài năng đang nở rộ.

Ngày 23-9-1947, ghi nhận công lao của đồng chí Phùng Chí Kiên trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 89 truy phong cấp tướng cho đồng chí Phùng Chí Kiên, đây là sắc lệnh phong tướng đầu tiên của Nhà nước ta.

Tháng 11-2003, Đảng, Chính phủ ra quyết định công nhận đồng chí Phùng Chí Kiên là nguyên Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, khóa I, cán bộ lãnh đạo Quân đội cấp tướng, liệt sĩ hy sinh anh dũng trong chiến đấu.

Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Phùng Chí Kiên, là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tôn vinh công lao, cống hiến to lớn của đồng chí đối với cách mạng Việt Nam. Qua đó, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam học tập, noi theo, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

HÀ ANH (tổng hợp)
 

.
.
.