Thứ Hai, 31/05/2021, 09:07 (GMT+7)
.
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT TRONG ĐẢNG:

Góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Từ năm 2016 đến năm 2021, công tác kiểm tra, giám sát được các cấp ủy tỉnh Tiền Giang quan tâm thực hiện. Lịch kiểm tra, giám sát đều thể hiện cụ thể trong các kế hoạch, chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm của cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp và được xây dựng hợp lý, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, như công tác xây dựng và triển khai thực hiện Quy chế làm việc; việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…

Đồng chí Nguyễn Ngọc Trầm, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy trao thưởng cho các tập thể, cá nhân làm tốt công tác kiểm tra, giám giát của Đảng năm 2020.                                                                                                                                                                                                     Ảnh : PHƯƠNG MAI
Đồng chí Nguyễn Ngọc Trầm, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Tiền Giang trao thưởng cho các tập thể, cá nhân làm tốt công tác kiểm tra, giám giát của Đảng năm 2020. Ảnh : PHƯƠNG MAI

KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang tổ chức giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Quy định 101 của Ban Bí thư gắn với thực hiện Thông báo Kết luận 18 của Ban Bí thư tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 10 của Ban Bí thư khóa X về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ đối với Đảng ủy và đảng viên là Giám đốc, các Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra chuyên đề 7.527 tổ chức đảng cấp dưới và 1.491 đảng viên; giám sát chuyên đề 4.160 tổ chức đảng cấp dưới và 3.902 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra các cấp kiểm tra 161 tổ chức đảng cấp dưới và 641 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; nhận và giải quyết xong 85 đơn tố cáo liên quan đến 1 tổ chức đảng và 88 đảng viên.

Cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 4 tổ chức đảng với hình thức khiển trách 2 đơn vị, cảnh cáo 2 đơn vị; thi hành kỷ luật 641 đảng viên với các hình thức khiển trách 392 đảng viên, cảnh cáo 170 đảng viên, cách chức 23 đảng viên, khai trừ 156 đảng viên; giải quyết 14 trường hợp khiếu nại kỷ luật trong Đảng, kết quả giữ nguyên hình thức kỷ luật 13 trường hợp, tăng hình thức kỷ luật 1 trường hợp.

Qua kiểm tra, giám sát giúp tổ chức đảng, đảng viên thấy được những hạn chế, thiếu sót để sửa chữa, khắc phục, góp phần giữ vững kỷ luật, kỷ cương và thúc đẩy thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương...

Bác Hồ đã dạy: “Đảng ta là Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch. Phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân”. “Tham ô, lãng phí nếu không sớm được ngăn chặn sẽ phát triển từ hiện tượng nhỏ lẻ và trở thành quốc nạn, đe dọa sự tồn vong của chế độ mới mà nhân dân ta xây dựng”. “Phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công”.

Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong Đảng chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu trong tình hình mới, chất lượng, hiệu quả chưa đồng đều ở các cấp. Việc kiểm tra, giám sát thực hiện một số nghị quyết của Đảng chưa thường xuyên.

Công tác kiểm tra ở một số nơi thiếu trọng tâm, trọng điểm; việc tự kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng vẫn là khâu yếu; còn nhiều tổ chức đảng và đảng viên có vi phạm nhưng chưa được phát hiện kịp thời; công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy chưa đi vào nền nếp. Công tác giám sát ở các cấp chưa thường xuyên, có nơi, có lúc chưa thực chất, phạm vi, đối tượng còn hẹp; hiệu quả cảnh báo, phòng ngừa vi phạm còn hạn chế. Việc thi hành kỷ luật trong Đảng ở một số nơi chưa nghiêm, còn hiện tượng nể nang, ngại va chạm. Giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm, có nơi còn né tránh.

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống tham nhũng còn hạn chế trong thực thi pháp luật chưa hiệu quả, chấp hành pháp luật có nơi chưa nghiêm, việc giám sát chưa chặt chẽ. Thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích và bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm cả ở khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân. Khiếu kiện về đất đai vẫn còn phức tạp, kéo dài ở một số địa phương chưa được giải quyết dứt điểm, nhất là trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng...

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tiền Giang phát động hội viên, phụ nữ hưởng ứng phong trào  “Nuôi heo đất” - là một trong những mô hình hiệu quả trong thực hành tiết kiệm (Ảnh chụp  trước khi dịch Covid-19 bùng phát).                                                                                                     Ảnh : HẠNH NGA
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tiền Giang phát động hội viên, phụ nữ hưởng ứng phong trào “Nuôi heo đất” - là một trong những mô hình hiệu quả trong thực hành tiết kiệm (Ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh : HẠNH NGA

10 GIẢI PHÁP CẦN TẬP TRUNG THỰC HIỆN

Trong thời gian tới, công tác phòng, chống tham nhũng tập trung vào các giải pháp sau:

Thứ nhất, triển khai đồng bộ, có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, công tác kiểm tra, giám sát.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật.

Kiểm tra, giám sát vừa là chức năng lãnh đạo, vừa là phương thức lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát vừa góp phần nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, vừa là nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng, nhằm xây dựng đội ngũ đảng viên xứng đáng là đảng viên đảng cộng sản và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Thứ ba, thực hiện quyết liệt, nghiêm minh, có hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Thứ tư, khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát tham nhũng.

Thứ năm, thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thứ sáu, tiếp tục thực hiện chặt chẽ, hiệu quả về kê khai, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp.

Thứ bảy, nâng cao vai trò, phát huy tính tích cực, chủ động và phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân, doanh nghiệp, báo chí trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thứ tám, có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí.

Thứ chín, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, làm tốt chức năng hỗ trợ, thúc đẩy phát triển.

Thứ mười, không hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế, hành chính, dân sự.

KIM TRUYỆN

.
.
.