Thứ Bảy, 29/05/2021, 09:19 (GMT+7)
.

Tiểu sử Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân qua sách "Quốc triều hương khoa lục"

Lời Tòa soạn

Nhân kỷ niệm 146 năm Ngày mất Anh hùng dân tộc (AHDT) Nguyễn Hữu Huân, trang 2 Báo Ấp Bắc số trước có đăng bài “AHDT Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân -  bà Lê Thị Lộc: Đồng chồng, đồng vợ vì nghĩa lớn”. Để hiểu rõ thêm về tiểu sử của Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân,  Báo Ấp Bắc trân trọng giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Phúc Nghiệp nhằm cung cấp thêm những tư liệu mới về ông.

“Quốc triều hương khoa lục” còn gọi là “Nguyễn triều hương khoa lục” của Cao Xuân Dục (1842 - 1923) là một quyển sách ghi chép về 47 khoa thi Hương ở nước ta dưới thời nhà Nguyễn, trong đó có họ tên và “lý lịch trích ngang” của hơn 5.000 người đậu cử nhân từ khoa đầu tiên năm 1807 đến khoa cuối cùng năm 1918. Về kết cấu, “Quốc triều hương khoa lục” có 7 quyển, gồm 5 quyển trong phần Chính biên và 2 quyển trong phần Tục biên. Cụ thể như sau:

Mộ bà Lê Thị Lộc (xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo).
Mộ bà Lê Thị Lộc (xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo).

Phần Chính biên bao gồm quyển Thủ (có các bài Tựa, Tiểu dẫn, Thiên Nam khoa cử tổng luận, Thiên Nam Hương, Hội khoa thứ thí pháp lược biên). Quyển thứ nhất có Phàm lệ, Mục lục và chép về 7 khoa từ năm 1807 đến năm 1831; quyển thứ hai chép về 7 khoa từ năm 1834 đến năm 1847; quyển thứ ba chép về 11 khoa từ năm 1848 đến năm 1870; quyển thứ tư chép về 11 khoa từ năm 1873 đến năm 1891.

Phần Tục biên bao gồm quyển thứ năm có Mục lục, Phàm lệ và chép về 4 khoa từ năm 1894 đến năm 1903; quyển thứ sáu chép về 5 khoa từ năm 1906 đến năm 1918. Quyển sách này đã được Nguyễn Thúy Nga và Nguyễn Thị Lâm dịch, Cao Tự Thanh hiệu đính và giới thiệu, được Nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh xuất bản lần đầu vào năm 1993. Sau đó, quyển sách được Nhà xuất bản Lao động và Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây tái bản năm 2011.

Đây là quyển sách có độ chính xác và tin cậy cao về thân thế và hành trạng của các vị đậu cử nhân ở nước ta từ năm 1807 đến năm 1918, bởi vì tác giả Cao Xuân Dục đã dựa vào tài liệu gốc được lưu trữ rất nghiêm cẩn của nhà Nguyễn để biên soạn quyển sách này. Được biết, Cao Xuân Dục là một trong những trọng thần của nhà Nguyễn, từng là Tổng tài Quốc sử quán (năm 1903), Thượng thư Bộ Học (năm 1907), Cơ mật viện đại thần, hàm Thái tử thiếu bảo (năm 1908), tước An xuân tử (năm 1911), hàm Đông các đại học sĩ (năm 1913). Đông các Đại học sĩ là 1 trong 4 trọng thần của nhà Nguyễn, có nhiệm vụ lập dựng các văn thư quan trọng, coi sóc việc tuyển chọn nhân sự của triều đình.

Theo sách “Quốc triều hương khoa lục”, Nguyễn Hữu Huân sinh tại thôn Tịnh Giang, tổng Thạnh Quơn, huyện Kiến Hưng, phủ Kiến An, tỉnh Định Tường (nay là xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang). Chính vì thế, sau khi bị thực dân Pháp hành hình, ông được người vợ là bà Lê Thị Lộc chôn cất tại nơi ông sinh ra (hiện nay, đền thờ và lăng mộ của ông tọa lạc tại xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang).

Năm 1852, Nguyễn Hữu Huân tham dự khoa thi Hương tại Trường thi Gia Định. Tại khoa thi này, ông đậu Thủ khoa cử nhân, nên thường được gọi là Thủ khoa Huân. Theo sách “Quốc triều hương khoa lục”, ở khoa thi này, ngoài Nguyễn Hữu Huân đỗ đầu, tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang) còn có 2 thí sinh đậu ở thứ hạng cao, đó là Nguyễn Thanh Trưng, đậu Á khoa (hạng Nhì) và Nguyễn Hữu Tạo (đậu hạng thứ Ba).

Sau khi đỗ đạt, Nguyễn Hữu Huân được triều đình bổ nhiệm làm Giáo thọ (hay Giáo thụ) phủ Kiến An, tỉnh Định Tường. Được biết, Học quan dưới thời nhà Nguyễn có 3 cấp: Đốc học (người đứng đầu ngành Giáo dục cấp tỉnh, như trường hợp Tiến sĩ Phan Hiển Đạo), Giáo thọ (người đứng đầu ngành Giáo dục cấp phủ), Huấn đạo (người đứng đầu ngành Giáo dục cấp huyện).

Theo “Đại Nam nhất thống chí”, tỉnh Định Tường dưới thời nhà Nguyễn có các trường học: Trường học tỉnh Định Tường ở thôn Bình Tạo (nay thuộc phường 4, phường 6, TP. Mỹ Tho), được lập năm 1826. Trường học phủ Kiến An ở thôn Tân Hiệp (nay là thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành), được mở năm 1833, trường này kiêm lãnh luôn trường học huyện Kiến Hưng.

Trường học huyện Kiến Hòa (thuộc phủ Kiến An) ở thôn Tân Hóa (nay thuộc xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo), được mở năm 1835. Trường học phủ Kiến Tường ở thôn Mỹ Trà (nay thuộc TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), được mở năm 1838; trường này kiêm lãnh luôn trường học huyện Kiến Phong. Trường học huyện Kiến Đăng (thuộc phủ Kiến Tường) ở thôn Mỹ Trang (nay thuộc TX. Cai Lậy), được lập năm 1838.

.
.
.