Thứ Ba, 17/08/2021, 09:48 (GMT+7)
.

Trách nhiệm với Đảng, với dân - BÀI 1: Chị không về nữa…

Họ là những đảng viên thuộc các thế hệ khác nhau, gắn liền với từng giai đoạn lịch sử của đất nước nói chung và Tiền Giang nói riêng. Dù hoàn cảnh lịch sử khác nhau, thực hiện nhiệm vụ khác nhau, nhưng tất cả họ đều tựu trung một điểm: Đặt trách nhiệm với Đảng, với dân lên hàng đầu, kể cả phải hy sinh…

Chị không về nữa…, đó là câu chuyện của 2 đảng viên trẻ, 2 nữ y tá, 2 người con ưu tú của quê hương Chợ Gạo: Lê Thị Ngọc Tiến và Lê Thị Lệ Chi. Gần nửa thế kỷ đã qua, nhưng sự hy sinh của 2 chị vẫn mãi là câu chuyện huyền thoại, luôn được các thế hệ cha anh kể lại, để nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau về tinh thần trách nhiệm với Đảng, với dân của người đảng viên…  

Khi chúng tôi thực hiện bài viết này thì dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4 vẫn lây lan mạnh trong cộng đồng, với hàng ngàn ca dương tính SARS-CoV-2 được ghi nhận mỗi ngày và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Ngay trong giai đoạn “nước sôi lửa bỏng” này, chúng tôi muốn kể lại câu chuyện của 2 chị để góp phần hun đúc thêm tinh thần chiến đấu cho đội ngũ y, bác sĩ đang ngày đêm căng mình nơi tuyến đầu phòng, chống dịch.

Chân dung chị Chi và chị Tiến.  Ảnh: Tư liệu
Chân dung chị Chi và chị Tiến. Ảnh: Tư liệu

KHÍ TIẾT ĐẢNG VIÊN

Năm 1969, tình hình trên chiến trường huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) diễn ra rất ác liệt. Vì thế, vào khoảng tháng 3-1970, Trạm xá Dân y huyện Chợ Gạo buộc phải mở hướng sang xã Vang Quới, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre để xây dựng cơ sở điều trị và nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh.

Với cương vị là Phó trạm, chị Lê Thị Ngọc Tiến đã cùng với Trưởng trạm và 3 y tá khác vừa xây dựng lán trại, ổn định nơi ăn chốn ở; vừa tổ chức cho thương binh nặng vượt vòng vây của địch trên sông Tiền qua trạm điều trị. Mấy tháng sau, Trạm trưởng hy sinh, chị Tiến điều hành công tác chiến đấu bảo vệ trạm, mua sắm thuốc men, lương thực, thực phẩm và chữa trị, chăm sóc thương binh, bệnh binh.

Đầu năm 1972, vùng giải phóng ở huyện Chợ Gạo được phục hồi và mở rộng, thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, chị Tiến chỉ huy việc dời trạm từ huyện Bình Đại về xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo một cách an toàn (do chị Lê Thị Lệ Chi làm Trưởng trạm).

Theo tài liệu của chú Nguyễn Hữu Chí ghi lại từ lời kể của các thương binh đã từng được chị Tiến điều trị, chăm sóc: Chưa 4 giờ sáng, chị Tiến đã dậy nấu cơm, giặt giũ, thay băng, tiêm thuốc cho thương binh. Tranh thủ ăn uống một chút, chị lại vận quần cụt lội tát mương bắt cua, bắt cá. Có hôm đến nửa đêm nước mới ròng, chị cũng thức dậy đi mò hến, bắt cua để cải thiện bữa ăn cho thương binh.

Dáng người nhỏ thó, vậy mà lúc cần chị đưa lưng cõng thương binh đi te te. Thiếu dịch truyền, chị leo dừa thoăn thoắt, bẻ dừa lấy nước truyền cho thương binh. Còn chuyện đánh giặc, chị “lì” hơn đất cục, lựu đạn ít khi nào gài, đợi lính tới chị mới ném để sát thương nhiều địch hơn…

Sáng ngày 16-4-1972, lực lượng bảo an ngụy ở chi khu Chợ Gạo càn quét vào địa hình của khu vực trạm xá. Sau khi cùng với Trưởng trạm là y sĩ Lê Thị Lệ Chi cõng thương binh xuống hầm bí mật, chị Tiến đã dành quả lựu đạn duy nhất để gài bảo vệ hầm cho 2 thương binh. Đưa thương binh đi trú ẩn an toàn, hai chị xuống hầm trú ẩn là căn hầm mới làm, đất nắp chưa khô, nên khi địch đi ngang qua đã phát hiện nơi ẩn nấp và bắt được 2 chị cùng với nhiều tài liệu chưa kịp hủy.

Biết là nơi có chứa thương binh nên giặc dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man, như đánh đập, trấn nước… Chiều, giặc không dám ở lại trong địa hình của ta, nên chúng lôi 2 chị ra mé đồng tiếp tục tra tấn. Không khai thác được gì, chúng nghĩ ra chuyện làm nhục: Cởi hết quần áo, dẫn 2 chị đi giữa đám lính ô hợp, qua xóm dân cư. Tối chúng cho đóng quân dã chiến và tra tấn 2 chị suốt đêm hôm ấy.

Theo tài liệu của chú Nguyễn Hữu Chí ghi lại: 5 giờ sáng ngày 17-4-1972, thằng Son, trung đội trưởng thám báo ác ôn khét tiếng giở thủ đoạn dã man cuối cùng. Trước hết nó chọn chị Tiến, bởi chị tỏ ra cứng rắn, đối chất vạch tội nó, vạch tội chính quyền bán nước mà nó đang theo. Nó hằn học dọa: “Mổ bụng ra để xem lá gan mày bao lớn”.

Nhìn cái dao lê Mỹ xanh lè ánh thép, rồi nhìn thẳng vào mặt thằng Son, chị Tiến dõng dạc thách thức: “Có giỏi thì làm, mày đừng hù, đừng hòng tao khai!”. Thằng Son như bị quất roi vào mặt, nó thọc dao mổ bụng, moi lá gan chị ném trước mặt chị Chi. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, chị Tiến thều thào: “Có chết cũng đừng khai nha chị Hai!”.

Thằng Son tưởng rằng chứng kiến cảnh tượng ấy sẽ làm chị Chi nhục chí, thế nhưng khi nó quay qua hỏi: “Tới mày thì sao?”. Nó lại gặp đôi mắt chị Chi đang nảy lửa trút cạn căm hờn: “Mày cứ mổ bụng tao đi!”. Thằng Son không nói, lững thững bước tới thọc mạnh lưỡi dao lê dính đầy máu vào bụng chị. Rồi thằng Son và một đám quân ô hợp ấy đứng như chôn chân quanh thi thể 2 đảng viên, 2 y tá trung kiên quyết làm tròn trách nhiệm với Đảng, với đồng đội, với nhân dân vừa ngã xuống.

Chị Tiến và chị Chi không về nữa, mãi mãi nằm lại nơi lòng đất mẹ trên quê hương Chợ Gạo. Khi ấy chị Tiến vừa tròn 21, chị Chi lớn hơn 10 tuổi. Năm 2005, 2 chị được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

CƠM ĐÓ, CON VỀ ĂN ĐI...”

Gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày chị Tiến không về nữa, nay má của chị - Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Mười - đã bước qua tuổi 101, chuyện đời có cái nhớ, cái quên. Thế nhưng những ký ức về người con gái đầu thì má chưa bao giờ quên.

Bữa cơm nào má cũng kêu người em gái thứ tư của chị Tiến - cô Lê Thị Ngọc Thử đơm cho má 2 chén cơm để má gọi chị Tiến về cùng ăn. Nhiều hôm, ngồi trước 2 chén cơm, đôi mắt mờ đục của má thẩn thờ dõi ra ngoài ngõ: “Cơm đó, con về ăn đi, má no rồi!...”.

Thời gian gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng khi nhắc lại cái ngày chị Tiến mãi mãi nằm lại trên mảnh đất Hòa Định, giọng cô Thử cứ tắc nghẹn lại trong cổ, phải đè nén cảm xúc nhiều lần mới có thể kể lại trọn vẹn...

Gia đình có truyền thống cách mạng, nên mới 16 tuổi chị Tiến đã tham gia hoạt động cách mạng ở xã nhà Quơn Long, huyện Chợ Gạo. Bản tính giống ba nên từ nhỏ chị đã rất gan dạ, việc gì tổ chức giao chị cũng quyết tâm thực hiện cho bằng được. Vì vậy, chị nhanh chóng được tổ chức tin tưởng cử đi học lớp y tá, rồi sau đó được kết nạp vào Đảng.

Do di chứng của những trận đòn tra tấn trong tù nên sức khỏe ba chị suy yếu dần rồi mất trước khi chị Tiến hy sinh khoảng hơn 5 tháng. Trong khoảng thời gian ngắn phải mất đi 2 người thân, nhất là khi chứng kiến người con gái đầu hy sinh quá đau đớn, má chị suy sụp tinh thần, lúc khóc lúc cười. Có đêm đang ngủ, má bật dậy ngồi khóc một mình.

Chị Tiến (thứ 3 từ phải sang) và đồng đội. Ảnh: Gia đình cung cấp
Chị Tiến (thứ 3 từ phải sang) và đồng đội. Ảnh: Gia đình cung cấp

Cũng gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng khi khơi lại những ký ức về người chị đầu Lê Thị Lệ Chi, người em trai của chị - Đại tá Lê Dũng - bùi ngùi, giọng tắc nghẹn. Đại tá Lê Dũng cho biết, chị Chi là chị cả trong gia đình. Khi chị Chi hy sinh thì người em trai của chị cũng vừa hy sinh chưa được bao lâu. Cùng lúc mất 2 người thân khiến nỗi đau của những người còn lại trong gia đình cứ kéo dài dai dẳng không thể nào nguôi.

Nén xúc động, Đại tá Lê Dũng kể: Năm 1961, chồng chị Chi hy sinh, chị ẵm con gái nhỏ về sống với gia đình và tham gia cách mạng tại xã nhà (Bình Ninh, Chợ Gạo). Tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, nên dù mới 20 tuổi nhưng chị Chi luôn hăng hái đi đầu trong các cuộc đấu tranh chính trị, tải đạn, tải thương... Chính vì vậy, chị được tổ chức tin tưởng, kết nạp vào Đảng và cử đi học y tá, rồi y sĩ.

Cuối năm 1971, mãn khóa học, chị Chi trở về tỉnh nhà chờ phân công nhiệm vụ. Lúc này, ba của chị Chi đang công tác tại cơ quan hậu cần Tỉnh đội Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) đã lớn tuổi, hai người em trai, một vừa hy sinh, một bị thương nặng; hơn nữa, chiến trường Chợ Gạo đang hồi rất cam go, địch đánh phá vô cùng ác liệt, nên tổ chức định điều chị về công tác ở Bệnh xá Quân y tỉnh. Thế nhưng, với tinh thần tiến công cách mạng không ngừng của một đảng viên, chị vẫn nhất quyết xin về huyện nhà công tác, dù biết sẽ gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm.

Trở về Chợ Gạo, chị được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ phụ trách Trạm xá Dân y huyện, đặt tại lõm du kích thuộc khu vực giáp ranh 3 xã An Thạnh Thủy, Bình Ninh và Hòa Định. Tại đây, trong điều kiện thuốc men, y cụ còn nhiều thiếu thốn, đội ngũ thầy thuốc ít ỏi, mật độ bom pháo dày đặc và địch thường xuyên càn quét, nhưng chị đã cùng với chị Tiến khắc phục mọi khó khăn, hết lòng điều trị, chăm sóc hàng chục thương binh từ các chiến trường chuyển về.

Với lòng khâm phục và tiếc thương vô hạn 2 nữ chiến sĩ cách mạng, 2 đảng viên trung kiên luôn đặt trách nhiệm với Đảng, với dân lên hàng đầu, tại gốc me cổ thụ nơi 2 chị hy sinh (thuộc lộ Thầy Sang, xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo), nhân dân đã lập miếu thờ. Đến nay, ngôi miếu ấy vẫn còn và quanh năm tỏa khói hương…  

NGUYÊN CHƯƠNG
(Còn tiếp)

.
.
.