Thứ Tư, 13/10/2021, 10:20 (GMT+7)
.
ANH HÙNG LAO ĐỘNG - THẦY THUỐC NHÂN DÂN TRẦN VĂN DƯỢC:

Nổi tiếng với nghề "nuôi rắn, cứu người"

Giám đốc đầu tiên của Trại rắn Đồng Tâm (tọa lạc xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) là Anh hùng Lao động - Thầy thuốc Nhân dân (AHLĐ-TTND) Trần Văn Dược, thường gọi là Tư Dược. Dẫn đầu 5 người đầu tiên đi xây dựng Trại rắn Đồng Tâm, Bác sĩ Tư Dược đã nói một câu tâm huyết, trở thành truyền thống của Trại: “Ngày trước bắt rắn hổ để giỡn chơi, để lòe mấy người yếu bóng vía; còn bây giờ phải bắt rắn thiệt, yêu quý rắn, gần gũi rắn để hiểu rắn hơn, từ đó ta tìm cách trị nọc rắn cứu người”.

AHLĐ-TTND Trần Văn Dược sinh năm 1929, nguyên quán xã Tuyên Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. Khi tuyên dương Anh hùng là Đại tá, Bác sĩ, Phó phòng Quân y Quân khu 9, nguyên Giám đốc Xí nghiệp 408 (nuôi trồng dược liệu) thuộc Cục Hậu cần Quân khu 9.

NUÔI RẮN CỨU NGƯỜI

Năm 1954, Trần Văn Dược cùng đồng đội lên đường tập kết ra Bắc. Ra đến Hải Phòng không lâu, ông được tổ chức phân công vượt Trường Sơn về Nam chiến đấu, công tác tại Huyện ủy Cái Bè.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ông bám trụ ở địa bàn Nam bộ, tổ chức cứu chữa thương binh, bệnh binh, nhân dân và tham gia đánh địch bảo vệ căn cứ. Sau ngày 30-4-1975, trong điều kiện khó khăn về thuốc chữa bệnh, ông cùng 2 cán bộ của Phòng Quân y xây dựng Đội Sản xuất, nuôi trồng dược liệu; sau đó phát triển thành Xí nghiệp 408 của Quân khu; đến năm 1988 được nâng cấp thành Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu Quân khu 9, hay gọi là Trại rắn Đồng Tâm.

Đại tá Trần Văn Dược giới thiệu với Tổng Bí thư Trường Chinh các sản phẩm của Trung tâm Dược liệu Quân khu 9.
Đại tá Trần Văn Dược giới thiệu với Tổng Bí thư Trường Chinh các sản phẩm của Trung tâm Dược liệu Quân khu 9.

Chuyện nuôi rắn lúc bấy giờ là chuyện khó tin, nên nhiều người cho rằng ông Tư Dược “dở hơi”; tuy nhiên, riêng ông Lý Văn Kiên (nguyên Giám đốc Trại rắn Đồng Tâm), người bạn và là trợ thủ đắc lực của Bác sĩ Tư Dược rất hiểu lòng bạn mình, bởi: “Lúc bấy giờ, trung bình hằng năm có khoảng 1.000 người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị rắn độc cắn, trong đó tỷ lệ tử vong  chiếm khoảng một nửa do không được cấp cứu kịp thời và không có thuốc đặc trị. Là thầy thuốc, từng nghe và chứng kiến nhiều trường hợp tử vong do rắn độc cắn, ông rất đau lòng, đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu về các loài rắn độc nhằm tìm ra một phương thuốc chữa trị rắn độc cắn”.

Trải qua bao thăng trầm, gian nan, vùng đất hoang sơ đầy chông, mìn, lựu đạn cạnh căn cứ quân sự Đồng Tâm của Mỹ - ngụy dần dần được cải tạo làm nơi sinh tồn, phát triển của hàng trăm loài rắn. Ông đã cùng các đồng nghiệp nghiên cứu và thử nghiệm thành công việc nuôi rắn sinh sản tự nhiên với quy mô lớn và các hình thức đa dạng, chế biến nhiều sản phẩm từ rắn phục vụ chữa bệnh và bán rắn sống ra nước ngoài; nghiên cứu thành công thuốc trị rắn cắn, lập ra phác đồ cấp cứu, điều trị rắn cắn rất hiệu quả, được phổ biến trong toàn quân.

Ông cùng anh em cấp cứu, điều trị thành công trên 4.000 trường hợp bộ đội và nhân dân bị rắn độc cắn. Ngoài ra, ông còn chỉ đạo và tham gia nuôi trăn, kỳ đà, gấu, cá sấu và nhiều cây thuốc quý để cung cấp nguyên liệu chế biến 19 loại dược phẩm chữa bệnh; truyền đạt kinh nghiệm và góp phần đào tạo một đội ngũ cán bộ y tế kế tiếp có chất lượng cao, xây dựng xí nghiệp ngày càng phát triển, đóng góp nhiều công trình trong nghiên cứu y học của toàn quân.

Năm 2005, Trung tâm được Bộ Quốc phòng đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng Khoa Cấp cứu rắn độc, nhà xưởng, trang thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ nghiên cứu và điều trị nội trú cho bệnh nhân trong vùng bị rắn độc cắn. Dự án phát triển trung tâm nuôi rắn lấy dược liệu chữa trị rắn cắn là đề tài khoa học mà Đại tá Trần Văn Dược ấp ủ lúc sinh thời.

CÓ PHẢI SINH NGHỀ, TỬ NGHIỆP?

Cầm tinh con rắn, sinh năm Kỷ Tỵ 1929 và mất vào năm Kỷ Tỵ 1989, tròn một chu kỳ 60 năm, nên nhiều người thêu dệt ông Tư Dược “sinh nghề, tử nghiệp”. Sau khi ông mất, nhiều câu chuyện kỳ bí về ông được truyền miệng, trở thành những giai thoại trong dân gian.

Về tài bắt rắn, chữa rắn độc cắn đã có không ít giai thoại kể về ông, nào là chuyện một cô gái bị rắn độc cắn, các thầy thuốc trị rắn cắn trong vùng bó tay, cô gái ngưng thở, tim ngừng đập, đang được gia đình chuẩn bị tẩm liệm; thời may gặp ông đi ngang qua và với tài chữa trị của mình, cô gái được cứu sống. Nào là chuyện ông huýt sáo gọi rắn hổ chúa từ trong hang bò ra…

Trại rắn Đồng Tâm do ông Trần Văn Dược sáng lập, nay là Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu Quân khu 9, trở thành trung tâm bảo tồn, nuôi dưỡng rắn đầu tiên và lớn nhất của cả nước; được Trung tâm Sách kỷ lục VIETBOOKS xác lập kỷ lục Guinness Bảo tàng rắn “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam. Nơi đây đang bảo tồn hơn 100 loài rắn các loại, nuôi dưỡng hàng ngàn con rắn, được coi là vương quốc của loài rắn…

Theo lời kể của anh Trần Thiện Tín, con trai trưởng của ông Tư Dược: Không hề có chuyện như mọi người thêu dệt. Đúng là ba tôi sinh năm Kỷ Tỵ, mất vào năm Kỷ Tỵ, thọ 60 tuổi. Nhưng ba tôi mất không phải bị rắn cắn, mà do đột quỵ vì bị nhồi máu cơ tim. Ba tôi rất giỏi bắt rắn, có thể gọi rắn, biết rắn ở đâu, biết nuôi rắn, lấy nọc độc để nghiên cứu khoa học nhằm bào chế huyết thanh kháng nọc chữa trị rắn độc cắn. Nghề chữa trị rắn cắn của ba tôi là nghề gia truyền.

Ông cố tôi  người miền Trung (Quảng Ngãi), hành nghề bắt rắn và chữa trị rắn cắn, sau đó truyền lại cho nội và ba tôi được nội truyền nghề. Từ nhỏ ba tôi đã học nghề bắt rắn và tìm hiểu cách lấy nọc, cách chữa trị khi rắn cắn bằng những cây thuốc, lá cỏ trong dân gian.

Sau này thành lập Trại rắn Đồng Tâm, ba tôi có điều kiện nghiên cứu kỹ hơn về tập tính, sinh lý, sinh thái của rắn; nuôi dưỡng nhiều loại rắn, chữa trị nhiều ca bị rắn cắn, nhìn vết cắn là biết ngay loại rắn gì cắn để có biện pháp cấp cứu kịp thời.

Khi làm Giám đốc Trại rắn Đồng Tâm, ba tôi đã mở nhiều lớp giảng dạy về cách phòng chống, chữa trị rắn cắn; cử nhiều đoàn cán bộ đến những nơi có nhiều rắn để tuyên truyền, phổ biến về cách sơ cứu, cấp cứu khi bị rắn độc cắn.

Đại tá Trần Văn Dược được tặng thưởng 8 Huân chương các loại; 1 Huy hiệu và Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Công đoàn; danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân. Ngày 13-12-1989, ông được tuyên dương Anh hùng Lao động.

HÀ ANH (tổng hợp)

.
.
.