Thứ Sáu, 22/10/2021, 10:01 (GMT+7)
.

Kỳ tích, huyền thoại mãi sáng ngời

60 năm trước, Đoàn tàu không số bí mật ra Biển Đông, dũng cảm vượt qua sự ngăn chặn, kiểm soát gắt gao của quân thù, tiếp tế vũ khí, bổ sung lực lượng cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) miền Nam đánh mạnh, thắng lớn. Trong suốt những năm tháng chiến tranh, con đường biển cùng với đường bộ chạy dọc dãy Trường Sơn hùng vĩ ghi dấu biết bao chiến công oanh liệt của quân và dân ta. Hành trình nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam không dừng lại ở sự vận chuyển thông thường, mà trở thành biểu tượng của ý chí, quyết tâm, tài thao lược, trí thông minh, sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao to lớn, sự hy sinh cao cả của các thế hệ CB-CS Đoàn tàu không số, là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

SỰ RA ĐỜI ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy, ngày 19-5-1959, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (đơn vị tiền thân của Đoàn 559) được thành lập, với nhiệm vụ xây dựng tuyến chi viện chiến lược trên bộ và trên biển cho miền Nam. Đến tháng 7-1959, Tiểu đoàn 603 trực thuộc Đoàn 559 được thành lập, có nhiệm vụ nghiên cứu tìm phương thức vận chuyển bằng đường biển để chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam. Để giữ bí mật, Tiểu đoàn lấy tên “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”. Cuối năm 1959, Tiểu đoàn 603 tổ chức chuyến thuyền vượt biển đầu tiên vào chiến trường Khu V, nhưng không thành công, do vậy Tổng Quân ủy quyết định cho Tiểu đoàn 603 ngừng hoạt động để tìm phương án mới.

Từ giữa năm 1961 đến giữa năm 1962, lãnh đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ở các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh và Bà Rịa đã cử 5 thuyền gỗ từ miền Nam ra miền Bắc để báo cáo tình hình, xin tiếp tế vũ khí và sau đó trực tiếp vận chuyển vũ khí, dẫn đường cho các tàu tiếp tế giả dạng tàu đánh cá từ Bắc vào Nam. Những chuyến thuyền vận chuyển thành công là một trong những cơ sở quan trọng để xúc tiến việc thành lập đoàn vận tải thủy tiếp tế vũ khí cho miền Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng các CB-CS Đoàn 125 Hải quân ngay sau khi được thành lập.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng các CB-CS Đoàn 125 Hải quân ngay sau khi được thành lập.

Ngày 23-10-1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra Quyết định 97 thành lập Đoàn 759 vận tải thủy, do Trung tá Đoàn Hồng Phước làm Đoàn trưởng. Lực lượng của Đoàn ban đầu có 38 CB-CS, trong đó có 20 đồng chí thuộc các thuyền của Bến Tre, Trà Vinh và Liên khu V vừa điều ra. Cuối năm 1961, Đề án công tác của Đoàn đã được Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh thông qua; và ngày 23-10 trở thành Ngày truyền thống của Đoàn 759, tiền thân Lữ đoàn 125, Bộ Tư lệnh Vùng 2 - Quân chủng Hải quân ngày nay; đồng thời là Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Thành công của những chuyến chuyển vũ khí đã trực tiếp góp phần đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, xây dựng và phát triển khối chủ lực ở chiến trường Nam bộ, cực Nam Trung bộ, góp phần làm nên những chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta ở: Ấp Bắc, Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là, Vạn Tường, Ba Gia, Bình Giã, Đồng Xoài…

Có thể thấy, hiệu quả vận chuyển của tuyến chi viện chiến lược biển đã tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp trên tất cả các vùng chiến lược, các địa bàn chiến lược ở miền Nam, góp phần tạo nên sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của quân và dân ta. Đặc biệt, sự có mặt kịp thời những vũ khí tương đối hiện đại, có tính năng chiến đấu cao mà đoàn tàu vận chuyển vào miền Nam đã làm thay đổi cách đánh của quân và dân ta, thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch.

Trong suốt 14 năm làm nhiệm vụ vận tải chiến lược quân sự trên biển (1961 - 1975), Đoàn 125 đã huy động 1.879 lượt tàu, thuyền, vận chuyển gần 153.000 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh và hơn 80.000 CB-CS từ miền Bắc vào miền Nam chiến đấu hàng trăm trận với máy bay, tàu chiến của Mỹ và ngụy quân Sài Gòn.

Có thể nói, tuyến vận tải chiến lược Đường Hồ Chí Minh trên biển đã lập kỳ tích, huyền thoại mãi sáng ngời của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó không chỉ là phương thức chi viện mới, hết sức quan trọng, trực tiếp bảo đảm cho các chiến trường, mà còn là nét độc đáo, sự sáng tạo của chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh.

LINH HỒN CỦA ĐOÀN TÀU KHÔNG SỐ

Đó là cách mà rất nhiều cựu chiến binh nguyên là CB-CS Đoàn tàu không số kính trọng gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là người trực tiếp chỉ đạo, theo dõi và động viên, cổ vũ cán bộ, thủy thủ trong suốt những năm tháng chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh và vô cùng vẻ vang. Ngay khi thành lập, Đại tướng căn dặn: “Việc mở đường không được ai biết... Không để lọt vào tay địch một người, một hiện vật. Một mẩu thu‌ốc l‌á cũng có thể tạo nên một tang chứng làm hỏng việc lớn... Phải dốc sức chi viện cho miền Nam, nhất là Nam bộ và Khu 5 về cán bộ, phương tiện vật chất, chủ yếu là vũ khí, khí tài quân sự, thuốc men để anh em chiến đấu...”.

Cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 đón nhận lẵng hoa của Bác Tôn tặng năm 1970.
Cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 đón nhận lẵng hoa của Bác Tôn tặng năm 1970.

Sự thất bại của chuyến đi đầu tiên đã đặt ra nhiều vấn đề để rút kinh nghiệm, nên đầu năm 1961, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định triệu tập những CB-CS ưu tú vốn xuất thân từ các vùng ven biển miền Nam đưa thuyền ra Bắc để bàn định kế hoạch vận chuyển hàng hóa, vũ khí bằng đường biển. Chấp hành mệnh lệnh của Trung ương, các tỉnh Nam bộ đã gấp rút lựa chọn những người giàu kinh nghiệm đi biển nhất của địa phương mình và lên kế hoạch kỹ càng để đưa tàu vượt biển ra Bắc.

Tất cả các đoàn thủy thủ từ miền Nam ra đều được các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Quân đội bí mật tiếp đón. Đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Lê Duẩn, các tướng lĩnh Quân đội Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Vịnh, Trần Văn Trà đã nhiều lần gặp gỡ các thủy thủ để nắm bắt tình hình, làm cơ sở hoạch định kế hoạch tác chiến.

Ngày 11-10-1962, với hơn 30 tấn vũ khí, con tàu mang tên “Phương Đông 1” do đồng chí Bông Văn Dĩa làm Chính trị viên, đồng chí Lê Văn Một làm Thuyền trưởng, cùng 10 thủy thủ đã vinh dự được chọn là con tàu mở đường, bắt đầu một chiến dịch lớn chi viện cho chiến trường miền Nam. 23 giờ ngày 11-10, tàu được lệnh rời bến Đồ Sơn hướng vào vùng biển phía Nam, mang theo biết bao niềm tin và hy vọng.

Về sự kiện này, trong hồi ức của Tướng Đồng Văn Cống, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến, kiêm Trưởng phòng B thuộc Quân ủy Trung ương, lúc đó được giao theo dõi hành trình của con tàu, đã kể: “Người đi rất lo lắng. Người ở lại còn lo lắng hơn. Sáng nào cứ đến giờ giao ban thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng hỏi thế nào rồi? Mới đi 1 ngày, đến ngày thứ 2 ông đã hỏi. Ngày thứ 3, thứ 4, thứ 5, sáng nào ông cũng hỏi. Tôi sốt ruột nhưng chỉ biết lắc đầu. Sau đó cả những ngày thứ 6, thứ 7, thứ 8 cũng không có tin tức gì.

Tôi là người trực tiếp theo dõi hằng ngày, càng bồn chồn lo lắng. Điện đánh đi không có trả lời. Không biết họ sống hay chết? Mãi sáng ngày 19-10-1962, tức 9 ngày sau mới có tin tức. Sáng hôm đó, Quân ủy Trung ương đang họp giao ban ở nhà khách 28 Cửa Đông. Tôi bước vào, Đại tướng ngẩng đầu lên nhìn tôi đăm đăm. Lần này tôi gật đầu, mặt tươi tỉnh. Đại tướng đứng dậy ôm chầm lấy tôi và  khóc…”.

Thành công của con tàu “Phương Đông 1” đã chính thức khai mở tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trên biển gắn với những chiến công huyền thoại của lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam, góp phần vào chiến thắng vĩ đại giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đầu năm 1970, nhân Tết Canh Tuất, CB-CS Đoàn tàu không số vinh dự được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và chúc Tết. Đại tướng biểu dương, khen ngợi những thành tích, chiến công mà đoàn giành được; và căn dặn CB-CS ra sức rèn luyện, đề cao cảnh giác, giữ gìn bí mật, thường xuyên rút kinh nghiệm sau mỗi chuyến công tác và theo dõi nắm tình hình địch để tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong tình hình mới.

Lời dặn dò của Đại tướng trở thành động lực tinh thần to lớn, thôi thúc các CB-CS Đoàn tàu không số tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.