Thứ Hai, 01/11/2021, 08:58 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Cải cách thực chất và hiệu quả

Tiền Giang đang quyết tâm cải thiện, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công... để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn nhằm thực hiện một cách tốt nhất khâu đột phá được đề cập trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một trong những mục tiêu cụ thể mà Tiền Giang đặt ra là đến năm 2025, các chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX, PAPI, PCI…) của tỉnh nằm trong nhóm 30 hạng đầu của cả nước.
 
CHƯA NHƯ MONG ĐỢI

Theo đánh giá chung, những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự nỗ lực tích cực của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức đã phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo đối với việc đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) đạt được nhiều kết quả tích cực trên các nội dung của Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020.

CCHC hướng đến sự hài lòng của người dân. Ảnh: PHƯƠNG MAI
CCHC hướng đến sự hài lòng của người dân. Ảnh: PHƯƠNG MAI

Theo đó, bộ máy cơ quan hành chính nhà nước được củng cố kịp thời, sắp xếp kiện toàn, phát huy hiệu quả. Cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc từng bước được đầu tư, tạo môi trường làm việc thuận lợi. Việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được thực hiện có nền nếp, đúng quy định. Công tác thi tuyển công chức được đổi mới theo hướng thi cạnh tranh. Việc ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành, ứng dụng chữ ký số…

Tất cả đã tạo tiền đề cho việc áp dụng hiệu quả phương pháp mới vào công tác quản lý hành chính nhà nước. Chuyên đề thi đua thực hiện nhiệm vụ “Đẩy mạnh CCHC” được phát động thực hiện sâu rộng trong tất cả cơ quan hành chính nhà nước các cấp và đến tận cơ sở.

Kết quả thực hiện CCHC của Tiền Giang một phần được thể hiện thông qua các chỉ số đo lường cụ thể. Theo đó, năm 2020, Chỉ số CCHC (PAR Index) của tỉnh xếp hạng 57/63 tỉnh, thành, đạt hơn 80% (năm 2019 tỉnh xếp hạng 48/63 tỉnh, thành, đạt hơn 79%). Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) xếp hạng 52/63 tỉnh, thành phố, đạt 42,295 điểm (năm 2019 tỉnh xếp hạng 38/63 tỉnh, thành phố, đạt 43,21 điểm).

Chỉ số Đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) hạng 46/63 tỉnh, thành, đạt hơn 83% (năm 2019 tỉnh xếp hạng 42/63 tỉnh, thành phố, đạt hơn 83%). Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp hạng 45/63 tỉnh, thành, đạt 62,78 điểm (năm 2019 tỉnh xếp hạng 46/63 tỉnh, thành, đạt 63,91 điểm), điểm số này còn thấp, chưa đạt được sự kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh.

Nhìn một cách tổng thể hơn, dù công tác CCHC của Tiền Giang có bước tiến dài nhưng nhìn chung công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát CCHC của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự quyết liệt, chưa thật sự chủ động nghiên cứu, đổi mới trong quá trình quản lý.

Công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của địa phương có lúc chưa kịp thời. Công bố TTHC tại một số cơ quan, đơn vị còn chậm so với quy định, niêm yết công khai TTHC chưa kịp thời. Công tác tuyển dụng công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh chậm đổi mới. Công tác đánh giá cán bộ, công chức hằng năm chưa thật sát với kết quả, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao.

Các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã được triển khai nhưng sự tham gia của tổ chức, cá nhân còn hạn chế. Việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích tại nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn, chưa thực hiện được. Các chỉ số đo lường hành chính của tỉnh còn được đánh giá thấp…

TIẾP TỤC THAY ĐỔI

Một trong những nguyên nhân khách quan của các hạn chế trong công tác CCHC là do hệ thống quy định của pháp luật, một số cơ chế, chính sách có nội dung còn chồng chéo, khó thực hiện cho các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân chủ quan của một số cán bộ, công chức chưa nhận thấy được tầm quan trọng của công tác CCHC để có chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả; chưa có sáng tạo đề ra các giải pháp đổi mới; còn ngại khó khăn, sợ trách nhiệm.

Một số mục tiêu cụ thể

Tiền Giang cũng đưa ra một số mục tiêu cụ thể trong CCHC. Theo đó, TTHC cung cấp trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động đạt 100%. Đến cuối năm 2025, 90% TTHC cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được giải quyết trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

Tiền Giang phấn đấu cung cấp dịch vụ công mức độ 4 đủ điều kiện, đạt 100%. Đến năm 2025, tỷ lệ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử tối thiểu đạt 50% so với tổng số hồ sơ tiếp nhận; tối thiểu từ 80% trở lên hồ sơ giải quyết TTHC được luân chuyển trong nội bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, hoặc các cơ quan có liên quan được thực hiện bằng phương thức điện tử.

100% kết quả giải quyết TTHC đang còn hiệu lực được số hóa và kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC; giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp tối đa 15 phút/lượt giao dịch, thời gian tiếp nhận xử lý hồ sơ tối thiểu 30 phút/hồ sơ; mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công đạt tối thiểu 95%.

Bên cạnh đó, Tiền Giang phấn đấu có 95% cơ quan, đơn vị thực hiện cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm; 95% cán bộ, công chức, viên chức đạt chuẩn về trình độ, năng lực và được bố trí phù hợp với vị trí việc làm; 100% cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý đáp ứng tiêu chuẩn chức danh theo quy định; có tối thiểu 20% đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính, 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Phát triển Chính quyền số, đến cuối năm 2025 toàn bộ hệ thống chính quyền phải vận hành trên môi trường mạng; 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan; phấn đấu đến năm 2025, các chỉ số CCHC (PAR INDEX, PAPI, PCI) của tỉnh nằm trong nhóm 30 hạng đầu của cả nước…

Để cải thiện chỉ số đo lường hành chính của tỉnh, thực hiện khâu đột phá thứ 3 của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025: “Cải thiện, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công... để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn”. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh CCHC, nâng cao các chỉ số CCHC tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2021 - 2025.

Đồng thời, để khắc phục những hạn chế, tồn tại và nâng cao các chỉ số đo lường trong thời gian tới, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch nâng cao PAR INDEX, PAPI, PCI của tỉnh năm 2021 và những năm tiếp theo, với từng lộ trình cụ thể.

Trên cơ sở quyết tâm CCHC, Tiền Giang đặt ra mục tiêu đến năm 2025 là xây dựng nền hành chính của tỉnh hiện đại trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Đồng thời, Tiền Giang cũng tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế phù hợp, đầy đủ, rõ ràng, làm cơ sở cho tổ chức và hoạt động của các cơ quan, đơn vị; đảm bảo đồng bộ, liên thông, thống nhất giữa quy định của cấp ủy, chính quyền; tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; kiện toàn, củng cố cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cấp cơ sở tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, hiện đại.

Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng tập trung thực hiện phối hợp, phân cấp, phân công, phân quyền, ủy quyền hợp lý, hiệu quả giữa các cấp, các ngành gắn với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, tính chuyên nghiệp cao, năng động, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm…

A.P

.
.
.