Thứ Tư, 08/12/2021, 15:54 (GMT+7)
.
PHIÊN GIẢI TRÌNH, CHẤT VẤN KỲ HỌP THỨ 4 - HĐND TỈNH TIỀN GIANG KHÓA X

Giải trình cụ thể tiến độ chi hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng Covid-19

(ABO) Sáng 8-12, ngày làm việc thứ 3 của Kỳ họp thứ 4 - Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Tiền Giang khóa X đã diễn ra Phiên giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn với nhiều ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu đặt ra với UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành về những vấn đề “nóng”, bức xúc tại địa phương.

Công tác chi hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và đối tượng lao động tự do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của đại biểu, cử tri và nhân dân tỉnh nhà.

KHẨN TRƯƠNG HỖ TRỢ LỰC LƯỢNG TUYẾN ĐẦU CHỐNG DỊCH

Tại Phiên giải trình, các đại biểu cho rằng hiện nay, việc thực hiện chi hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 theo chủ trương của Chính phủ còn chậm, đề nghị UBND tỉnh cho biết thời gian cụ thể để hoàn thành việc chi hỗ trợ cho lực lượng này?

Giải trình vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Mười cho biết, tính đến ngày 24-11-2021, tổng kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 đã phân bổ cho các đơn vị được giao nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh là 991,514 tỷ đồng, cấp huyện là 185,899 tỷ đồng. Kinh phí còn lại chưa phân bổ là 128,714 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh  Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu chỉ đạo hội nghị
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh giải trình các vấn đề đại biểu đặt ra tại Phiên giải trình, chất vấn.

Đối với việc chi hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch: Trong quá trình triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, các cấp, các ngành đã huy động toàn bộ lực lượng tham gia, nhằm sớm khống chế dịch bệnh nên công tác giải ngân kinh phí để chi trả cho lực lượng tuyến đầu chống dịch có lúc còn chậm.

Sở Tài chính đã có nhiều văn bản đề nghị các đơn vị, địa phương khẩn trương chi trả phụ cấp chống dịch cho lực lượng tuyến đầu. UBND tỉnh cũng đã ban hành Công văn số 5186/UBND-KT ngày 10-9-2021 về việc quản lý, sử dụng kinh phí phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19; trong đó, đối với chi cho lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống dịch Covid-19, yêu cầu khẩn trương chi trả kinh phí theo quy định.

Tại Sở Y tế và một số đơn vị trực thuộc ngành Y tế, đa số thanh toán các chế độ phụ cấp trực chống dịch, các chi phí có liên quan cho các bệnh viện dã chiến, Ban Chỉ đạo, Trung tâm Chỉ huy tỉnh, các tiểu ban của tỉnh đến hết tháng 10-2021 và đang tổng hợp chứng từ quyết toán cho tháng 11-2021.

để chi trả cho lực lượng tuyến đầu chống dịch
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế đôn đốc các đơn vị khẩn trương chi hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch trong tháng 12-2021.

Tuy nhiên, thời gian qua tại các đơn vị do tập trung cho công tác phòng, chống dịch nên việc hoàn tất hồ sơ thủ tục còn chậm như: Chưa lập danh sách, bảng chấm công cho cán bộ, nhân viên tham gia công tác lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, tiêm ngừa…, nên bộ phận thanh toán chưa có hồ sơ, chứng từ để thanh toán cho cán bộ tham gia. 

 Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Y tế, đối với nguồn kinh phí do Sở Y tế quản lý, phân bổ, Sở Y tế đôn đốc các đơn vị còn chậm trong thanh quyết toán các chi phí có liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phải thanh quyết toán ngay trong tháng 12-2021. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo UBND các huyện, thành, thị đôn đốc các đơn vị còn chậm trong thanh quyết toán các chi phí có liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phải thanh quyết toán ngay trong tháng 12-2021 đối với nguồn kinh phí do UBND cấp huyện quản lý, phân bổ.

TIẾP TỤC RÀ SOÁT HỖ TRỢ LAO ĐỘNG TỰ DO ẢNH HƯỞNG BỞI DỊCH COVID-19

Cũng tại Phiên giải trình, các đại biểu cho rằng hiện nay, việc thực hiện chi hỗ trợ cho người lao động theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, nhất là việc thực hiện Quyết định số 1910/QĐ-UBND ngày 20-7-2021 và Quyết định 2604/QĐ-UBND ngày 2-10-2021 của UBND tỉnh về hỗ trợ cho lao động tự do còn chậm, còn nhiều đối tượng lao động tự do có tính chất tương đồng nhưng chưa được hỗ trợ như: Lột tôm, mực, nhổ cỏ, hái trái cây, thợ mộc, thợ rèn, lái xe tải… Các đại biểu đề nghị UBND tỉnh giải trình nguyên nhân vì sao chậm và giải pháp khắc phục như thế nào? Đồng thời, đề nghị xem xét mở rộng thêm đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 được hưởng hỗ trợ theo quy định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Mười giải trình về việc chi hỗ trợ lao động tự do
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Mười giải trình về việc chi hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Giải trình vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Mười cho biết, căn cứ Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1910/QĐ-UBND ngày 20-7-2021 và Quyết định 2604/QĐ-UBND ngày 2-10-2021 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với tổng số lao động tự do dự kiến được hỗ trợ khoảng 150.000 người, với kinh phí khoảng 225 tỷ đồng.

Tính đến nay, UBND tỉnh và UBND cấp huyện đã phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho trên 138.000 người lao động tự do và UBND cấp huyện vẫn đang tiếp tục nhận hồ sơ, thẩm định, phê duyệt hỗ trợ. Qua đánh giá tình hình, số lượng lao động tự do dự kiến hỗ trợ sẽ vượt hơn 150.000 người so với tính toán ban đầu. Đến nay, các địa phương đã chi cho hơn 100.000 người, với số tiền trên 150 tỷ đồng.

Sở dĩ việc chi hỗ trợ còn chậm do quá trình lập, kiểm tra, thẩm định, phê duyệt và cấp kinh phí phải thực hiện qua nhiều đơn vị (xã, huyện, tỉnh) nên cần có thời gian để thực hiện. Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn phê duyệt danh sách, kinh phí cho các nhóm đối tượng khác. Vì vậy, hồ sơ tập trung về UBND tỉnh cùng một lúc rất nhiều, số lượng người cần được hỗ trợ quá lớn, nhưng thành phần hồ sơ do cấp cơ sở lập đôi khi còn sai sót: Thiếu thông tin, không có địa chỉ, thời gian đề nghị hỗ trợ không phù hợp…, nên cần phải bổ sung, hoàn chỉnh lại dẫn đến việc phê duyệt danh sách, kinh phí có chậm so với yêu cầu.

Ngoài ra, việc thực hiện giãn cách xã hội, áp dụng các biện pháp hạn chế tập trung đông người và thực hiện chiến dịch tầm soát diện rộng, nhiều khu vực bị phong tỏa y tế nên cũng làm ảnh hưởng đến việc chi trả hỗ trợ cho người dân.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2604/QĐ-UBND ngày 2-10-2021 phân cấp cho UBND cấp huyện phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ đối với nhóm lao động tự do; từ đó, tiến độ giải quyết đã nhanh hơn.

Hiện nay, UBND cấp huyện vừa thực hiện phê duyệt danh sách hỗ trợ người lao động tự do với số lượng lớn (TP. Mỹ Tho, các huyện Chợ Gạo, Gò Công Đông và TX. Gò Công), vừa làm thủ tục cấp kinh phí cho cấp xã để tiếp tục chi hỗ trợ. UBND tỉnh cũng thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện phải quan tâm hướng dẫn, thực hiện trình tự thủ tục để hỗ trợ cho người dân.

Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra việc tổ chức thực hiện; tiếp tục yêu cầu địa phương có những giải pháp hiệu quả, nhanh chóng khắc phục việc chậm trễ để người dân sớm nhận được hỗ trợ, sớm ổn định cuộc sống và sản xuất.

Thời gian qua các ngành, địa phương đã huy động mọi nguồn lực xã hội hỗ trợ người dân, nhất là lao động tự do khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để nguwoif dân
Thời gian qua, các ngành, địa phương trong tỉnh đã huy động mọi nguồn lực xã hội hỗ trợ người dân, nhất là lao động tự do khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Đối với việc mở rộng đối tượng hỗ trợ, đồng chí Nguyễn Văn Mười cho rằng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, rất nhiều người lao động tự do bị ảnh hưởng, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, cần được quan tâm hỗ trợ. Tuy nhiên, kinh phí hỗ trợ cho nhóm đối tượng người lao động tự do thực hiện từ nguồn ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn, trong khi năm nay cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến hụt thu ngân sách tỉnh hơn 2.000 tỷ đồng so với kế hoạch, nhưng vẫn phải đảm bảo các nội dung chi thường xuyên và tập trung chi cho nhiều hoạt động, nhiều nhóm đối tượng liên quan, như: Chi cho công tác phòng, chống dịch; chi hỗ trợ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp phải tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương, chi hỗ trợ hộ kinh doanh và các nhóm đối tượng khác theo Nghị quyết 68/NQ-CP...

Do đó, việc hỗ trợ cho người lao động tự do cần có sự xem xét, tập trung vào một số nhóm công việc bị ảnh hưởng lớn và có phạm vi rộng trên địa bàn toàn tỉnh theo đề xuất của các sở, ngành và địa phương. Nếu mở rộng các nhóm công việc lao động tự do khác như: Lột tôm, mực, nhổ cỏ, hái trái cây, thợ mộc, thợ rèn… như cử tri đề nghị, thì tính trên phạm vi toàn tỉnh, số lượng sẽ phát sinh thêm rất nhiều, khả năng ngân sách địa phương không đảm bảo để hỗ trợ.

Giải trình thêm về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh biểu dương, ghi nhận sự đóng góp của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đã đóng góp công sức, tiền của cho công tác phòng, chống dịch cùng tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức hỗ trợ ngay các đối tượng đã được phê duyệt, không để chậm trễ. Các ngành, địa phương tiếp tục rà soát, thống kê, lập danh sách bổ sung các đối tượng theo đúng quy định.

Với vai trò của mình, UBND tỉnh cũng sẽ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin chủ trương hỗ trợ (ngoài các đối tượng quy định) mà thật sự gặp khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán với phương châm “Không vì dịch Covid-19 mà người dân không được vui Xuân, đón Tết”.

THU HOÀI

 

.
.
.