Thứ Năm, 06/01/2022, 21:24 (GMT+7)
.
Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang:

Đóng góp ý kiến Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông và các dự án luật

(ABO) Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp bất thường Quốc hội khóa XV, ngày 6-1, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ đóng góp ý kiến đối với nhiều dự án luật; chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025…

CẦN XEM XÉT NGUỒN LỰC TÀI CHÍNH ĐỂ ĐẢM BẢO DỰ ÁN HOÀN THÀNH ĐÚNG TIẾN ĐỘ

Cho ý kiến đối với chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang cho rằng, đây đang là vấn đề cấp bách khi nước ta bố cục theo chiều dài Bắc - Nam. Ngoài đường hàng không, đường biển, đường bộ có vai trò rất quan trọng. Khi có cao tốc sẽ tháo gỡ rất nhiều điểm nghẽn để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển, giao lưu, giao thương hàng hóa, du lịch...

Đại biểu Nguyễn Văn Dương cho rằng, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có phạm vi từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau, tổng chiều dài khoảng 2.063 km, quy mô từ 4 - 6 làn xe, các đoạn cửa ngõ đô thị quy mô 8 - 10 làn xe. Đến nay đã đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km, còn lại 756 km chưa đầu tư (đoạn Cần Thơ - Cà Mau dài 124 km chưa đầu tư).

Việc đầu tư hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là cần thiết, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Bắc - Nam. Hành lang vận tải trên trục Bắc - Nam có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước: Kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TP. Hồ Chí Minh, đi qua địa phận 32 tỉnh, thành phố, tác động đến 62,1% dân số, đóng góp 65,7% tổng sản phẩm trong nước, ảnh hưởng đến 74% các cảng biển (loại I, II), 75% các khu kinh tế của cả nước và đặc biệt là kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm (Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long), kết nối với 16/23 cảng hàng không với 91% lưu lượng hành khách... Có thể nói đây là hành lang vận tải quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cả nước.

Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu ý kiến đối với dự án luật SHTT
Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận tổ.

Với vai trò là hành lang xương sống của quốc gia, việc đầu tư, đưa vào khai thác toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ tạo động lực, sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao tính cạnh tranh của quốc gia, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ hiện đại hóa đất nước theo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua. Vì vậy cần thiết phải hoàn thành tuyến đường này đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.

Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến thì cho rằng, cần xem xét đưa vào dự án đầu tư từ các nguồn kinh phí: Ngân sách nhà nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác, để trong quá trình triển khai thực hiện nếu dự án trở nên hấp dẫn hơn thì có đủ cơ sở pháp lý để huy động nguồn vốn tư nhân thông qua hình thức PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư) để giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước cho giai đoạn tiếp theo. Cần đánh giá thật chi tiết các khó khăn từ quản lý các dự án cao tốc, vấn đề thu phí không dừng, kỹ thuật triển khai thực hiện…

Nguồn kinh phí của dự án là 146.990 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn và giải ngân trong giai đoạn 2021 - 2025 cần bố trí khoảng 119.666 tỷ đồng, và phần còn lại sẽ bố trí cho giai đoạn 2026 - 2030. Tuy nhiên trong giai đoạn trung hạn chỉ mới bố trí hơn 47 ngàn tỷ đồng là còn thấp, có thể không đảm bảo nguồn lực tài chính. Do đó cần được xem xét nguồn lực để thực hiện dự án.

Đại biểu Nguyễn Kim tuyến phát biểu tại buổi thảo luận tổ
Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến phát biểu về vấn đề cân đối ngân sách đối với việc đầu tư Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Các ĐBQH tỉnh cũng cho rằng, bên cạnh việc tổ chức đấu thầu để chọn được đơn vị có năng lực thì việc kiểm soát chất lượng vật liệu, quy trình xây dựng là những vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công trình.

Dự án này đi qua nhiều địa phương với nhiều kết cấu, địa hình, địa chất khác nhau, như ở Đồng bằng sông Cửu Long nền đất vốn yếu và chịu nhiều tác động biến đổi khí hậu như lũ lụt, xâm nhập mặn… thì phần nền móng đòi hỏi phải có chất lượng thật tốt.

Hơn nữa, Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam cần có sự đồng nhất về chất lượng, nhưng năng lực quản lý dự án của mỗi địa phương là khác nhau. Do đó, đề nghị Chính phủ cần có thêm giải pháp đảm bảo chất lượng vật liệu, quy trình xây dựng, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào xây dựng nhằm đảm bảo chất lượng, mang lại hiệu quả lâu dài cho công trình và cần gắn với điều kiện về năng lực quản lý dự án của địa phương trong thẩm định, đánh giá, triển khai, giám sát dự án khi triển khai phân cấp về địa phương.

Ngoài ra, cũng cần quan tâm vấn đề thu hồi vốn đầu tư đối với Dự án đầu tư từ kinh phí ngân sách nhà nước và có cơ chế thu hồi vốn. Bởi cơ chế thu hồi vốn đến nay chưa được quy định cụ thể. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần khẩn trương trình Quốc hội ban hành cơ chế này cho đồng bộ. Việc tham gia nhượng quyền thu phí cần thực hiện theo Luật Đấu thầu để đảm bảo tính pháp lý, khách quan, tránh các sai phạm như thời gian vừa qua...

GÓP Ý NHIỀU DỰ ÁN LUẬT

Cho ý kiến đối với Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, các đại biểu thống nhất chỉnh sửa theo hướng phân cấp cho địa phương và các bộ, ngành quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư nhóm B và C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt Dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nhà tài trợ nước ngoài vì: Đẩy mạnh phân cấp theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, giúp cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ giải ngân và thực hiên dự án; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý trực tiếp; phù hợp thực tiễn khách quan về quy mô phát triển kinh tế - xã hội. Điều này sẽ làm cho các dự án nhóm B, C càng nhiều. Do vậy, việc phân cấp sẽ giảm áp lực cho Chính phủ.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Kim Tuyến, khi thực hiện phân cấp như dự thảo 2 luật này, Chính phủ cần cân nhắc quy định mang tính nâng cao vai trò, trách nhiệm của các địa phương, các bộ, ngành và tăng vai trò kiểm tra, giám sát của Chính phủ nhằm đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ giữa các địa phương khi triển khai thực hiện quản lý vốn ODA và vốn tài trợ từ nước ngoài, nhằm quản lý tốt nợ công quốc gia và an toàn kinh tế quốc gia.

Đại biểu Nguyễn Thị Uyên Trang phát biểu tại buổi thảo luận tổ
Đại biểu Nguyễn Thị Uyên Trang phát biểu tại buổi thảo luận tổ.

Góp ý đối với Dự thảo sửa đổi Luật Điện lực, quy định vai trò của Nhà nước trong “vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư, xây dựng”, đại biểu Nguyễn Thị Uyên Trang cho rằng, cần xem xét, quy định cụ thể, rõ ràng trường hợp Nhà nước vận hành các lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng nhưng có vai trò quan trọng đối với an toàn hệ thống điện quốc gia.

Việc huy động vốn đầu tư trong xã hội tham gia đầu tư lưới truyền tải điện, giao tư nhân đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành nhưng Nhà nước cũng cần đặt ra quy định về hoạt động kiểm soát vì thực tế giá điện người dân sử dụng vẫn còn khá cao. Cần quy định rõ quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, nếu đáp ứng đủ yêu cầu, điều kiện hoạt động và đúng quy hoạch phát triển điện lực đã ban hành thì được đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải.

Đóng góp ý kiến đối với Luật Đầu tư, đại biểu cho rằng, về hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại (sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư số 65/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở). Việc sửa đổi theo phương án được Chính phủ trình thực chất là mở rộng thêm trường hợp chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu thầu dự án, đấu giá quyền sử dụng đất.

Theo đó, nhà đầu tư có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở nhưng phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì cũng được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư (trước đây chỉ áp dụng đối với đất ở hoặc có một phần là đất ở). Đây là chính sách lớn, tác động đến tài chính, nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai, có thể tác động đa chiều đến thị trường bất động sản.

Vì vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng các tác động của chính sách, dự báo tình hình chuyển mục đích sử dụng đất, khả năng phát sinh khiếu nại, tố cáo về đất đai sau khi quy định này có hiệu lực để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Quang cảnh buổi thảo luận tổ
Quang cảnh buổi thảo luận tổ.

Ngoài ra, các đại biểu đề nghị trong quá trình hướng dẫn, quy định chi tiết quy định của Luật Nhà ở và các quy định có liên quan của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng..., cần bảo đảm sự kết nối các trình tự thủ tục về đầu tư, xây dựng, đất đai để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong đề xuất, triển khai và thực hiện dự án, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng.

Bài: THU HOÀI

Ảnh: MINH TRÍ

 

.
.
.