Thứ Sáu, 07/01/2022, 10:49 (GMT+7)
.
TIỀN GIANG QUA 5 NĂM THỰC HIỆN CHỈ THỊ 10 CỦA BAN BÍ THƯ:

Tác động tích cực đến mọi mặt đời sống xã hội

Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 10 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh (ĐTVM)” đã tác động tích cực đến mọi mặt đời sống xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân được nâng lên, góp phần xây dựng quê hương Tiền Giang ngày càng giàu đẹp.

GIÚP NHAU PHÁT TRIỂN KINH TẾ, GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cụ thể hóa Chỉ thị 10 của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang đã ban hành Công văn 629, UBND tỉnh ban hành Công văn 1452, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp tình hình thực tế tại địa phương.

Qua triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện, các đơn vị, cá nhân nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm, nhất là người dân thấy rõ quyền lợi được trực tiếp thụ hưởng, từ đó đồng tình, ủng hộ, chung tay xây dựng NTM, ĐTVM. Nổi bật là tích cực tham gia phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng và giúp nhau giảm nghèo bền vững để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn đã được “cứng hóa”, thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn đã được “cứng hóa”, thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Theo Báo cáo của Tỉnh ủy, trong 5 năm (2016 - 2020) đã thành lập mới 49 hợp tác xã (HTX), nâng đến nay có 1 liên hiệp HTX nông nghiệp; 193 HTX, quỹ tín dụng nhân dân; 530 tổ hợp tác với 73.689 thành viên; xây dựng 200 mô hình liên kết phát triển kinh tế; thu nhập bình quân của người lao động làm việc thường xuyên tại các HTX khoảng 62,4 triệu đồng/người/năm...

Bên cạnh đó, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tập trung tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chung tay thực hiện, nhân rộng nhiều mô hình có hiệu quả nhằm phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập như: Mô hình “Giúp nhau thoát nghèo bền vững”, “Giới thiệu việc làm cho hộ thoát nghèo, ổn định cuộc sống” của Ủy ban MTTQ; “Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp” của Đoàn Thanh niên; “Quỹ hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo” của Hội Liên hiệp Phụ nữ; “Góp vốn xoay vòng, giới thiệu việc làm” của Hội Cựu chiến binh; “Chăn nuôi dê”, “Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn”, “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” của Hội Nông dân…

MTTQ còn phối hợp các tổ chức thành viên mở 322 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 15.715 lượt người, 937 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho 22.994 người, tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm về chăn nuôi, trồng trọt cho 10.543 lượt hộ nông dân...

Được tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nhiều hộ nông dân chuyển đổi cây trồng vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Được tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nhiều hộ nông dân chuyển đổi cây trồng vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Qua đó, giúp nhân dân kịp thời nắm bắt, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa; theo dõi diễn biến thị trường nhanh chóng, tạo đầu ra ổn định, hạn chế rủi ro, nâng thu nhập bình quân đầu người từ 36,1 triệu đồng/năm (năm 2015) lên 57,4 triệu đồng/năm (cuối năm 2020); có 11.758 hộ thoát nghèo, hiện còn 9.934 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,87%.

Cùng với đó, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và ngành LĐ-TB&XH quan tâm chăm lo người có công với cách mạng, đã vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được 66,87 tỷ đồng, xây dựng 792 nhà tình nghĩa, trị giá 31,68 tỷ đồng; đồng thời tích cực thực hiện nhiều hoạt động chăm lo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, với 2.597 căn nhà, trị giá 77,91 tỷ đồng và hỗ trợ 790.607 phần quà nhân các dịp lễ, tết với số tiền trên 250 tỷ đồng; hỗ trợ học sinh vượt khó học giỏi 54,66 tỷ đồng; hỗ trợ khám, chữa bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn 23,192 tỷ đồng...

ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA

Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, hầu hết hộ gia đình nâng cao ý thức xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, ntm, ntm nâng cao, đô thị văn minh. Từ năm 2016 - 2020, tổng số hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa hằng năm đạt từ 98% trở lên, qua bình xét có 93,87% hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, đã tác động tích cực đến việc xây dựng ấp (khu phố), xã  văn hóa NTM, NTM nâng cao và phường, thị trấn đạt chuẩn VMĐT; cụ thể, đã xây dựng 1.004/1.010 ấp, khu phố văn hóa; 150/172 xã văn hóa NTM và phường, thị trấn VMĐT; 52 chợ, 796 con đường, 511 cơ sở thờ tự và 18 công viên văn hóa.

Tính đến tháng 11-2021, đã ra mắt 106 xã đạt chuẩn NTM, nâng đến nay có 118/143 xã đạt chuẩn NTM, 8 xã NTM nâng cao; TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công và TX. Cai Lậy hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; các huyện Gò Công Đông, Chợ Gạo và Gò Công Tây đạt chuẩn NTM.

Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Châu Thành Phan Thanh Danh cho biết: Triển khai thực hiện Chỉ thị 10 của Ban Bí thư, không chỉ huyện Châu Thành, mà tất cả các địa phương trong tỉnh đã phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, hình thành nếp sống văn hóa mới trong nhân dân. Từ sự hỗ trợ của chính quyền, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể, thông qua nhiều mô hình hoạt động hiệu quả đã giúp nhân dân ngày càng có cuộc sống tốt hơn, góp phần xây dựng quê hương không ngừng đổi mới.

HOÀI THU

.
.
.