Thứ Tư, 01/06/2022, 08:01 (GMT+7)
.

"Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh"

Trong muôn vàn tình thương yêu dành cho thiếu niên, nhi đồng, Bác Hồ từng nói: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả trẻ em Việt Nam đều là con của tôi…”. Tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của Bác qua những bức thư, lời dạy, bài viết gửi đến thiếu niên, nhi đồng cả nước nhân các dịp lễ, tết… mãi mãi khắc sâu, trở thành tài sản vô giá đối với các thế hệ măng non Việt Nam.

TÌNH YÊU THƯƠNG VÔ HẠN CỦA BÁC HỒ ĐỐI VỚI THIẾU NIÊN, NHI ĐỒNG

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt, sự quan tâm sâu sắc dành cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Với Người, “trẻ em như búp trên cành”, được chăm sóc tận tình, chu đáo về mọi mặt. Tình yêu thương của Bác dành cho thiếu niên, nhi đồng không bao giờ ngơi nghỉ, là tình cảm yêu thương vô bờ bến, không gì có thể đong đếm được.

Bác Hồ với thiếu nhi trong Đoàn Dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc, ngày 13-2-1969. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)
Bác Hồ với thiếu nhi trong Đoàn Dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc, ngày 13-2-1969. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Mỗi bài thơ Bác viết, mỗi bức thư Bác căn dặn đều chứa đựng trong đó những tình cảm giản dị mà chân thành, gần gũi mà sâu sắc gửi đến thiếu niên, nhi đồng cả nước. Dẫu công việc đất nước có bận bịu nhưng Bác vẫn dành thời gian quan tâm đến thế hệ tương lai của đất nước. Gần như năm nào Bác cũng viết thư gửi các cháu thiếu nhi mỗi dịp khai trường hay Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi. Tấm lòng của Bác đối với thiếu nhi được thể hiện qua những bức thư, những bài thơ cho đến hôm nay vẫn nguyên vẹn tình thương yêu vô hạn.

Những ngày trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong hoàn cảnh “vận nước gian nan”, Bác đã đau lòng trước cảnh:

“Trẻ em cũng bị bận thân cực lòng
Học hành, giáo dục đã không
Nhà nghèo lại phải làm công, cày bừa
Sức còn yếu, tuổi còn thơ
Mà đã khó nhọc cũng như người già”.

Hết lòng thương yêu và ân cần dạy bảo thiếu nhi, Bác rất tin tưởng, xác định trách nhiệm trọng đại của thiếu nhi đối với tương lai đất nước. Trong Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” tháng 9-1945, Bác đã viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đón các cháu thiếu nhi tại Phủ Chủ tịch trong Ngày Tết Trung thu năm 1961. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh đón các cháu thiếu nhi tại Phủ Chủ tịch trong Ngày Tết Trung thu năm 1961. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Để đáp lại tình yêu thương lớn lao của Bác, các thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam luôn siêng năng học tập, rèn luyện, đạt nhiều thành tích, là con ngoan trò giỏi, trở thành niềm tin tươi sáng về một thế hệ tương lai xây dựng đất nước Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Và, có lẽ trên hết vẫn là tình cảm kính yêu vô hạn dành cho Bác Hồ kính yêu của bao thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam nối dài theo năm tháng.

Chúng ta đọc được biết bao lời âu yếm của Bác viết cho các trẻ thơ: “Các cháu vui cười hớn hở, Bác cũng vui cười hớn hở với các cháu vì Bác rất yêu mến các cháu”; “Bác chỉ muốn các cháu được học hành, vui chơi, lớn lên xây dựng và bảo vệ đất nước”… Trong mỗi bức thư gửi cho các cháu, Bác đều gửi cho các cháu nhiều cái hôn.

Trung thu năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi thiếu niên, nhi đồng bằng những câu thơ giản dị, có sức đi thẳng vào tâm hồn trẻ thơ:

“Ai yêu các nhi đồng bằng
 Bác Hồ Chí Minh
Tính các cháu ngoan ngoãn
Mặt các cháu xinh xinh
Mong các cháu cố gắng
Thi đua học và hành
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Tùy theo sức của mình
Các cháu hãy xứng đáng
Cháu Bác Hồ Chí Minh”.

Đoạn thơ của Bác rất giàu nhạc điệu, đã được Nhạc sĩ Phong Nhã phổ thành bài hát “Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh”. Mỗi khi bài hát được ngân vang gợi trong mỗi chúng ta cảm nhận được tình cảm sâu sắc, dạt dào của thiếu niên, nhi đồng Việt Nam dành cho Bác Hồ kính yêu. Tình cảm đó lớn dần theo năm tháng, được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, mãi vẹn nguyên một tấm lòng son sắt.

Dẫu Bác đã đi xa nhưng tình cảm của Bác vẫn sống mãi trong mỗi trẻ em Việt Nam lớn lên trong lời ru của mẹ, lời kể của bà, lời dạy dỗ của thầy cô giáo. Năm nào cũng vậy, mỗi dịp năm học mới, tổng kết năm học hay Tết Thiếu nhi, những đoàn thiếu niên, nhi đồng… đến bên Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để báo công dâng Bác những thành tích nổi bật trong một năm học. Lời dạy “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” của Bác đã, đang và sẽ tiếp tục được toàn Đảng, toàn dân ta học tập, làm theo, với phương châm “trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Nhớ ơn Bác, toàn thể thiếu niên, nhi đồng Việt Nam nguyện cố gắng học tập, tu dưỡng và rèn luyện thật tốt, trở thành con ngoan, trò giỏi, để xứng đáng với danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ” như sinh thời Bác hằng mong.

LUÔN GHI NHỚ 5 ĐIỀU BÁC DẠY

Bác nói, thiếu nhi là người chủ tương lai của nước nhà, cho nên cần phải sớm rèn luyện đạo đức cách mạng cho thiếu nhi. Nhiều thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam luôn ghi nhớ 5 điều Bác dạy. Đã 61 năm trôi qua nhưng 5 điều Bác Hồ dạy vẫn luôn đồng hành cùng thiếu nhi Việt Nam.

Cách đây 46 năm, vào năm 1961, nhân Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam (15-5-1941 - 15-5-1961), nay là Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, theo đề nghị của Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam (nay là Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi một bức thư cho thiếu niên, nhi đồng. Trong thư Bác căn dặn: “Các cháu cũng tham gia đấu tranh bằng cách thực hiện mấy điều sau đây:

Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh,
Thật thà, dũng cảm”.

Trong cuốn Sổ Giải thưởng Bác Hồ, là loại sổ dành để thưởng cho giáo viên và học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập năm học 1964 - 1965, 5 điều Bác dạy nêu trên được in hoàn chỉnh là:

“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh thật tốt,
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.

(Chữ “thật tốt” và chữ “khiêm tốn” được bổ sung vào 2 câu cuối, nên mỗi câu đều có 6 chữ).

Đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết: Sở dĩ như vậy, vì gần đến cuối năm 1965, để chuẩn bị phần thưởng cho giáo viên và học sinh vào cuối năm học, Bác thấy 5 điều Bác dạy thiếu niên, nhi đồng từ năm 1965 trở về trước, 3 câu đầu mỗi câu có 6 chữ, còn 2 câu cuối mỗi câu chỉ có 4 chữ, như vậy không cân đối. Bác đã suy nghĩ và bổ sung thêm cho mỗi câu đủ 6 chữ.

Đặc biệt, ở câu thứ 5, Bác thêm chữ “khiêm tốn”, vì từ năm 1965 trở đi đế quốc Mỹ bắt đầu mở rộng chiến tranh, ném bom bắn phá miền Bắc, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mỗi người làm việc bằng hai để đền đáp cho đồng bào miền Nam ruột thịt”, nên xuất hiện ngày càng nhiều gương “Người tốt việc tốt” ở mọi lứa tuổi.

Ở miền Bắc xuất hiện nhiều gương thiếu nhi dũng cảm cứu người, cứu hàng; ở miền Nam xuất hiện nhiều gương dũng sĩ diệt Mỹ; nhưng Bác không muốn các em tự kiêu, mà muốn các em khiêm tốn, vì đức khiêm tốn sẽ giúp các em tiến bộ mãi.

Và 5 điều Bác dạy thiếu niên, nhi đồng đã được phổ biến rộng khắp trong các trường học ở Việt Nam. Nghe theo lời dạy của Bác, các giáo viên và thiếu niên, nhi đồng Việt Nam hăng hái thi đua thực hiện phong trào “2 tốt” (Dạy tốt - Học tốt), phong trào “Thiếu nhi làm nghìn việc tốt”... Chính những đóng góp nhỏ bé của các em đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và dựng xây đất nước.

Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới đất nước, 5 điều Bác dạy thiếu niên, nhi đồng vẫn là bài học quý giá, được các em luôn ghi nhớ, học tập, rèn luyện và noi theo gương Bác.

HỒNG LÊ (tổng hợp)




 

.
.
.